Home » Kinh doanh » Bán hàng đa cấp: Lách luật để lừa

Không khó để đặt hẹn với những người làm kinh doanh đa cấp, bằng thái độ niềm nở, ý tứ trong từng câu chữ phát ngôn, họ đón tiếp người mới (người lần đầu đến tìm hiểu sản phẩm và cơ hội kinh doanh) như những “người hùng” thực sự.

Trong vai muốn trở thành hội viên mới, chúng tôi đã có dịp qua nhiều công ty kinh doanh đa cấp để ghi nhận lại những sai phạm vẫn đang tồn tại bất chấp Nghị định 110 của Chính phủ về bán hàng đa cấp (BHĐC) đã được ban hành từ năm 2005.

Đóng tiền là… tự nguyện!

Người thanh niên có gương mặt hơi cũ nhưng ánh mắt tinh nhanh đón tiếp chúng tôi bằng cái siết tay thật chặt. Trong bộ veston chỉn chu có phần hơi quá khổ, anh nhanh chóng mời khách vào một quán cà phê gần phố Tràng Thi (Hà Nội), nơi vẫn được biết là trụ sở của công ty A., chủ yếu phân phối thực phẩm chức năng theo mô hình đa cấp.

Sau một hồi trò chuyện, T. (tên người thanh niên nọ) khéo léo gợi mở rồi đưa chúng tôi vào câu chuyện kinh doanh với những sản phẩm của công ty. Bày ra trước mặt những tài liệu đủ cả tiếng Anh, tiếng Việt cùng nhiều túi nhỏ sản phẩm màu sắc đẹp mắt, T. bắt đầu thao thao về những ưu việt của sản phẩm, của mô hình BHĐC và những lợi thế mà đội nhóm anh đang sở hữu: “Sản phẩm tốt, dạng gel thẩm thấu nhanh và gần như toàn bộ vào máu nên bán cực kỳ dễ dàng. Có những người chỉ tháng đầu đã kiếm được 3000 đô-la rồi!”.

Mô hình kinh doanh bán hàng đa cấp.

Vờ như “đã sa xẩm mặt mày” với những khoản lợi nhuận kếch xù từ việc kinh doanh xem ra rất nhàn hạ này, tôi đề cập ngay đến vấn đề tham gia, T. cười thật tươi và cho biết: “Có 2 gói: Một gói đóng 5,3 triệu đồng; một gói đóng 20,3 triệu đồng. Em sẽ có mã số để bắt đầu triển khai kinh doanh ngay và sản phẩm để dùng thử hoặc bán tùy ý. Mời được 1 người tham gia em sẽ có “thưởng nóng” là 35 đô-la hoặc 200 đô-la tùy theo người đó mua gói kinh doanh nào. Như anh tháng nào cũng mời được cả chục người”.

Khi được thắc mắc về mức đóng tiền đầu vào quá cao và kiểu “thưởng nóng” liệu có bị coi là vi phạm pháp luật, T. giải thích: “Về luật pháp thì em yên tâm, công ty mình làm rất đúng luật. Luật quy định rõ không được yêu cầu người muốn tham gia phải đóng tiền hoặc mua một lượng hàng lớn thì bên mình chỉ thu 300 nghìn đồng tiền tài liệu. Còn nếu muốn kinh doanh thì đầu tư thôi, đấy là tự nguyện, công ty không ép. Mà tính ra sau một năm thu lại hàng tỉ đồng thì 20 triệu đồng có đáng là bao”.

Khi tôi nhất quyết truy đến cùng bằng câu hỏi “sao gọi là tự nguyện mà lại quy định thành từng gói có giá cụ thể?” thì Thành tỏ ra lúng túng rồi kết luận: “Việc luật pháp là của công ty, công ty vẫn tồn tại được chứng tỏ là công ty… đúng luật. Việc của mình là người kinh doanh, quan tâm sâu quá làm gì”.

Tự giải thích luật… theo ý mình

Lấy cớ không mang theo tiền và chứng minh nhân dân (T. đề nghị nếu không mang tiền thì cứ để CMND lại anh sẽ giúp điền vào mẫu đăng ký trước, hôm khác đem tiền nộp sau) tôi tìm đến một công ty khác, nổi tiếng không kém chuyên bán thực phẩm chức năng điều chế từ diệp lục. Phí tham gia đầu vào của Công ty này có vẻ dễ chịu hơn, chỉ khoảng 2 triệu đồng cho gói 1 trung tâm và 6 triệu đồng cho gói 3 trung tâm. Giới thiệu được một người mới tham gia, thưởng nóng sẽ là 25% trên tổng số tiền người đó đóng vào công ty.

Vẫn với câu hỏi về việc đóng phí gia nhập, của công ty này, người đại diện lý luận: “Tham gia vào là hoàn toàn miễn phí. Hai gói kinh doanh kia là dành cho những người dám đầu tư chứ công ty không ép. Cái này coi như tiền mua sản phẩm để tích trữ, khách cần là có ngay để bán”. Khi được hỏi về quyền lợi của người tham gia với gói miễn phí, T. đáp: “Miễn phí thì chỉ được phép mua hàng về dùng thôi. Còn lại không được phát triển kinh doanh, không được mời người”.

Cuộc hành trình qua một loạt những công ty đa cấp khiến danh sách những đơn vị lợi dụng kẽ hở của Nghị định 110 để làm trái ngày một kéo dài thêm ra. Đến bất cứ đâu, người làm đa cấp đều xoáy vào câu chữ trong Nghị định để bảo vệ mình. Cụ thể khoản 1, Điều 7: “Cấm doanh nghiệp BHĐC yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC”.

Song, các doanh nghiệp sẽ lấy chữ “tham gia” để lý luận ngược lại. “Tham gia tức là chỉ vào mạng lưới với mục đích dùng hàng hoặc bán lẻ, còn để kinh doanh, để có quyền mời người, để phát triển hệ thống thì gọi là đầu tư. Mà đầu tư thì phải đóng tiền là chuyện hoàn toàn hợp lý” – một “trưởng phòng” của công ty bán hàng đa cấp đã giải thích như vậy.

Khoản 2, Điều 7 quy định: Cấm doanh nghiệp BHĐC yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC. Để lách quy định này, họ lý luận rằng công ty không ép mua, hàng hóa là do người tham gia tự nguyện mua tích sẵn ở nhà phòng khi khách hỏi đột ngột.

Không chỉ có vậy, một mặt hàng thường được các doanh nghiệp BHĐC là kinh doanh các loại thực phẩm chức năng hoặc thiết bị trị liệu có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài rất khó phân biệt với thuốc chữa bệnh. Lợi dụng sự mập mờ trong công dụng thực sự của loại thực phẩm đặc trưng này, rất nhiều doanh nghiệp đã đánh đồng nó với tác dụng chữa bệnh của thuốc. Kèm theo vô vàn những lời đồn thổi kỳ ảo về sản phẩm (nguyên liệu lấy từ mặt trăng, từ mắc -ma núi lửa…) rồi quảng cáo gây cho người tiêu dùng ngộ nhận là thuốc chữa bệnh, hoặc thổi phồng công dụng của sản phẩm để bán với giá trên trời!

(theo hn.24h)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc