Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Miền Trung gồng mình chống bão số 3

Với sức gió ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12 quét qua các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa và đồng bằng Bắc bộ, bão số 3 đã tàn phá để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản.

Trước khi bão vào đất liền, ngày hôm qua 24-8, ở nhiều địa phương đã có mưa to đến rất to, phổ biến từ 100-150mm. Riêng tại đảo Lý Sơn lượng mưa trên 343mm, Đà Nẵng 175mm, Huế 181mm, Thạch Hãn (Quảng Trị) 202mm, Hà Tĩnh 193mm. Mưa lớn làm hàng chục nghìn héc ta lúa hè thu đã chín rộ ngập chìm trong biển nước mông mênh, cây cối bị quật đổ, điện bị mất, hàng nghìn nhà cửa, trường học bị đổ, hư hỏng, tốc mái.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to kèm theo gió lớn, sấm sét đã làm nhiều nhà dân bị tốc mái, riêng xã Quảng Lợi và Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) có 50 nhà bị tốc mái, 6 thuyền đánh cá của ngư dân bị sóng biển đánh chìm; các xã Phú Hải và Phú Diên (huyện Phú Vang) có 50 nhà bị tốc mái, 7 người bị thương, 3 thuyền đánh cá của ngư dân bị chìm. Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà có gần 300ha lúa hè thu và gần 100ha sắn bị ngập nặng, khả năng mất trắng.

Gió giật đổ cây và bức tường cũ. Ảnh: VnE

Tại tỉnh Quảng Bình nhiều nơi cũng có mưa rất to. Lượng mưa đo được ở Minh Hóa lên tới 379mm, Đồng Tâm 278mm, Tân Mỹ 218mm, Đồng Hới 196mm, Kiến Giang 136mm… Mưa lớn kèm theo gió bão đã làm sập và tốc mái 30 nhà và 1 trường học ở hai xã Duy Ninh, Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh); 3.000ha lúa hè thu của tỉnh này đã bị ngập chìm.

Tương tự, tỉnh Quảng Trị, mưa lớn đã gây úng ngập, rạp đổ hơn 1.500ha lúa đang trong thời kì chuẩn bị thu hoạch, nhiều khu dân cư bị chia cắt, nhiều tuyến đường giao thông bị tê liệt… Tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh và Khải Khê, huyện Hải Lăng, gió to đã làm 3 người bị thương, 1 nhà bị sập và tốc mái 22 nhà, trên 40ha cao su bị gãy đổ, 5 thuyền của ngư dân bị sóng đánh hư hỏng… Ngay trong bão, tỉnh này đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai khẩn cấp các biện pháp tiêu thoát úng cứu lúa; chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện… Đối với các huyện miền núi và trung du, các vùng ven sông, ven suối các biện pháp đề phòng lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ được triển khai khá quyết liệt để đề phòng sự cố bất ngờ có thể xảy ra.

Tại huyện Tĩnh Gia, địa phương đầu tiên của Thanh Hóa chịu ảnh hưởng của bão. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, công an tỉnh, mỗi đơn vị huy động 500 cán bộ, chiến sĩ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh 200 chiến sĩ, Sở Giao thông vận tải chuẩn bị 30 xe ô tô khách tăng cường cho các địa bàn xung yếu để sơ tán dân, đồng thời chủ động, triển khai các biện pháp phòng, tránh bão, bảo vệ an toàn hồ chứa nước Cửa Đặt và các đoạn đê biển xung yếu, bảo vệ các công trình xây dựng ven biển đang thi công… Khoảng 9 giờ sáng 24-8, tại xã Định Long, huyện Yên Định có mưa to và sét đánh, làm em Trịnh Thị Minh (11 tuổi) tử vong, 5 người khác bị thương.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học đang có mặt tại các huyện ven biển trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại tỉnh Nghệ An, đến 20 giờ ngày 24-8, tỉnh này có 600 nhà bị tốc mái, nhiều tuyến đường giao thông ngập nặng và bị chia cắt, gần 8.000ha lúa bị ngập úng. Cũng thời điểm này, tỉnh Nghệ An đang phối hợp với Trung tâm cứu nạn hàng hải khẩn trương cứu một tàu (chưa rõ số hiệu) đang bị nạn trên vùng biển Cửa Hội. Chiếc tàu này có trọng tải 1.000 tấn, trên tàu có 300 tấn hàng và 12 thuỷ thủ, bị nạn từ trưa 24-8. Theo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nghệ An, việc cứu nạn chiếc tàu này rất khó khăn vì vùng biển Nghệ An đang có gió mạnh, sóng biển cao 5m đến 7m.

Ngày 24-8, tại cuộc họp BCĐ PCLB trung ương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương ven biển miền Trung tiếp tục yêu cầu người dân chằng chống nhà cửa; các đơn vị cứu hộ, cứu nạn phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu Bắc Trung bộ. Ông Phát lưu ý, sau khi bão qua các địa phương vẫn phải đề phòng lũ như đã từng xuất hiện trong các cơn bão trước đây khi mưa to, lũ lên nhanh gây thiệt hại rất lớn; căn cứ vào tình hình cụ thể, UBND các tỉnh ven biển tiếp tục quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn tàu thuyền, di chuyển lồng bè vào nơi neo đậu an toàn; tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu thuyền và khu vực nuôi trồng thủy sản.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 3 suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Rạng sáng nay (25-8), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,1 độ vĩ bắc; 104,7 độ kinh đông, trên khu vực biên giới Việt – Lào. Tuy nhiên, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa và nam đồng bằng Bắc bộ vẫn phải chủ động đối phó với mưa to đến rất to và đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Nhiều chuyến bay của Vietnam Airlines phải hủy do bão

(HNM) – Theo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), do ảnh hưởng của bão nên từ chiều 23-8, hãng đã phải hủy một số chuyến bay đến, đi từ Huế và Buôn Ma Thuột, phải bố trí cho những hành khách này đi trên các chuyến bay thường lệ vào ngày 24-8.

Vietnam Airlines khuyến cáo hành khách chủ động theo dõi thông tin trên website www.vietnamairlines.com, liên hệ các phòng vé để biết thêm thông tin chi tiết.

Nguyễn Đức

Hữu Hoài (tổng hợp)

Theo hanoimoi.com.vn

Chuyên đề: , ,

Comments are closed.