Home » Chuyện lạ, Giải trí, Tiêu biểu sideshow, Tiêu Điểm » Bí quyết chịu khổ hình của các thầy tu Ấn Độ

Đi trên than nóng đỏ, nằm trên tấm nệm lởm chởm đinh, ngủ trên băng… các thầy tu khổ hạnh Ấn Độ có phép màu nhiệm chăng? Không hẳn thế. Với sự tập luyện và một chút tính toán về vật lý, ta có thể tạo ra những sự kiện phi thường.


Giường đinh

Nằm trên tấm nệm lởm chởm đầy đinh, các thầy tu khổ hạnh làm cách nào để không bị thủng lưng? Lý do rất đơn giản: số đinh. Để không bị thủng mông, trọng lượng của cơ thể phải được phân phối đều trên toàn bộ số đinh, nhờ thế áp lực tác động lên mỗi mũi nhọn rất yếu, tức là nguy cơ bị xuyên qua da cũng rất thấp. Với loại giường cắm mảnh chai, nguyên tắc cũng như trên. Đó là chưa nói các mảnh chai thường được mài cho bớt sắc nhọn.

Cơ thể dẻo như cao su

Bạn trố mắt khi thấy một thân người co rúm, vặn vẹo trong một chiếc hộp lập phương mà mỗi cạnh chỉ là 50 cm, chân gác lên đầu? Hay ở tư thế đứng, một người uốn thân ra sau cho đến khi bàn tay chạm đất. Bí quyết của tính uốn dẻo ấy nằm ở dây chằng và gân, giữ xương và cơ ở ngang các khớp. Gân và cơ của những nghệ sĩ này có tính đàn hồi cao hơn đa số chúng ta. Vì vậy các khớp của họ chịu được những động tác mà người khác không làm được hoặc bị trật khớp khi cố làm. Nhưng tính siêu giãn trên chỉ là phân nửa yếu tố để trở thành nhà vô địch uốn dẻo. Phần còn lại là sự luyện tập hằng ngày. Họ học cách hô hấp đúng ở bất kỳ tư thế nào của khí quản và tập luyện để tăng sự mềm dẻo của cơ. Khi một cơ bị kéo giãn thái quá, cơ phản ứng bằng cách co để trở lại kích cỡ ban đầu và để tránh bị tổn thương, gọi là phản xạ duỗi cơ. Để cải thiện tính mềm dẻo, tăng chiều dài của cơ, cần phải chế ngự phản xạ này.

Chân trần bước trên than hồng

Bí mật nằm ở tính chất đặc biệt của loại củi dùng để đốt than. Khi than nóng đỏ này truyền một ít nhiệt sang bàn chân, nhiệt độ của than tụt hẳn xuống. Than hồng có thể đạt đến 700 độ C nhưng vẫn không nướng chín gan bàn chân người vì nó dẫn nhiệt rất kém. Phải mất 2 giây tiếp xúc nó mới truyền sang bàn chân bạn 60 độ C và bắt đầu nóng lên. Do đó nếu bạn bước nhanh chân trên than củi đỏ rực, sẽ chẳng có gì nguy hiểm cả. Tinh thần cũng giữ một vai trò trong trò chơi táo bạo này. Vì nếu bạn sợ tái người, bàn chân của bạn trở nên mềm nhẽo, than đỏ sẽ dính vào da bàn chân và có đủ thời gian làm bỏng chân.

Nuốt kiếm

Người biểu diễn ngửa đầu ra sau, há to miệng và đâm tuột vào thực quản một thanh kiếm dài 70 cm. Đây không phải là trò bịp bợm vì lưỡi kiếm không thụt vào. Khi người biểu diễn nuốt kiếm, ảnh chụp X-quang cho thấy lưỡi kiếm nằm ở bên trong cơ thể anh ta. Quả thật lưỡi kiếm đã bị mài mòn chút ít, và thường được bôi trơn bằng nước bọt hay dầu ăn để trượt vào thực quản dễ dàng hơn. Lưỡi kiếm đi vào họng đến tận đáy dạ dày. Những người biểu diễn không tiết lộ chi tiết bí quyết của họ, nhưng thừa nhận cái khó nhất là kiểm soát phản xạ ợ. Ngay cả khi kỹ thuật này được kiểm soát, trò này vẫn không kém phần nguy hiểm. Một cơn ho hay nhảy mũi không đúng lúc sẽ gây ra thảm kịch: bị thủng thực quản, dạ dày. Vì vậy, khi kiếm vào đến đáy dạ dày, người biểu diễn sẽ rút nó ra ngay.

Xuyên kim qua má

Nhiều người mới chỉ trông thấy kim là đã sợ, thử tưởng tượng có kẻ xuyên kim qua má hay môi, họ sẽ cảm thấy gì. Cơn đau ắt lên đến cực điểm? Không hẳn thế, vì đau trước hết là vấn đề của cảm thụ quan. Nếu bạn cảm thấy đau khi va phải một vật cứng, vì da của bạn chứa những cảm thụ quan đặc biệt: những cảm thụ quan này là đầu mút của những tế bào thần kinh, thông tin cho não biết một vùng da bị bỏng hay bị va chạm, và não gửi trả một tín hiệu đến vùng bị tác động. Thông điệp này được thể hiện bằng cảm giác đau. Nhưng số cảm thụ quan này phân tán không đều tại các vùng của cơ thể. Số cảm thụ quan này càng nhiều, vùng liên quan càng nhạy cảm và ngược lại. Số cơ quan cảm thụ đau tập trung nhiều ở vùng tuỷ răng và ít hơn nhiều ở vùng má (vị trí lúm đồng tiền). Những người biểu diễn xuyên kim trên mặt thường cho kim đâm vào cùng một lỗ như khi ta xỏ tai. Nhờ một chút hóa trang trước khi trình diễn, cái lỗ được chuẩn bị trước ấy sẽ không ai nhận ra.

Tắm băng

Bạn rùng mình khi nhúng bàn tay vào nước lạnh lúc mùa đông? Thế thì bạn không thể bắt chước anh chàng Antoine Bagady, có thể đứng mình trần trong tuyết 1 h. Tuy vậy, cơ thể con người không ưa cái rét. Một người khỏe mạnh có thể bị giết chết khi ngâm mình 4 giờ trong nước ở 18 độ C. Khi nhiệt độ cơ thể (lý tưởng là 37 độ C) xuống đến 35 độ C, nạn nhân bất tỉnh. Ở 25 độ C là cái chết. May mắn thay trước khi đến ngưỡng này, cơ thể biết tự bảo vệ. Biện pháp đầu tiên: để hạn chế sự mất nhiệt, máu rời những phần ngoại vi của cơ thể để vào sâu bên trong. Nhờ vậy, các cơ quan thiết yếu (não, cơ…) được giữ ấm. Biện pháp thứ hai: run để làm ấm cơ thể. Run do sự co phản xạ của một số cơ. Khi co, những cơ này sản xuất nhiệt cao gấp 4 lần so với lúc nghỉ. Nhưng những con run lặp đi lặp lại này tiêu hao nhiều năng lượng dự trữ khiến cơ thể bị cạn kiệt năng lượng. Và đây có lẽ là điểm khác biệt giữa người bình thường và Antoine Bagady. Cơ thể của Antoine Bagady chịu đựng và chờ đợi lâu hơn trước khi run, giữ trữ lượng nhiệt lâu hơn.

Còn anh chàng David Blaine có thể đứng gần 62 giờ trong một khối băng mà vẫn khỏe, không bị chết cóng. Thật ra, anh ta đã áp dụng nguyên tắc lều tuyết của người Eskimo. Đứng trong một khoang được đẽo theo vóc dáng của anh ta, anh không tiếp xúc với băng và không khí chung quanh đã phân cách anh ta với cái rét.

(KH&ĐS – theo Science et Vie)


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc