Home » Danh nhân, Văn hóa » Hậu duệ Mạc Đĩnh Chi có ở Hàn Quốc?

Tư liệu lịch sử cũng như văn học Việt Nam, đều ghi chép câu chuyện Mạc Đĩnh Chi là danh thần nhà Trần, nổi tiếng học giỏi, tài cao từng sang sứ nhà Nguyên năm 1308 và đã khiến vua quan nhà Nguyên vị nể.

Trong chuyến đi sứ đó, một trong những giai thoại được dân gian biết đến nhiều nhất là câu chuyện Mạc Đĩnh Chi cùng với sứ thần Cao Ly thi tài làm thơ đề quạt. Sau buổi thi tài, vua Nguyên tấn phong Mạc Đĩnh Chi là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

 

Tượng Mạc Đĩnh Chi ở chùa Dâu – Bắc Ninh

Câu chuyện tưởng chỉ dừng lại ở đó, nhưng tới đầu thế kỷ XX, ông Sơn Sa Lê Khắc Hoà đã viết một bài in trong An Nam tạp chí số 4, năm 1926, cho biết rằng, chính ông đã gặp hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi từ Cao Ly về Việt Nam trên một chuyến xe về phủ Khoái Châu (Hưng Yên), nhân dịp ông về thăm cha mẹ ở quê. Khi xe chạy đến gần Đình Dù thì ô-tô hỏng máy, ông cùng với người Cao Ly vào nghỉ trong một lều tranh bên đường, đem giấy và bút chì ra bút đàm cùng nhau.

Ông Khắc Hoà miêu tả, người đó trạc ngoài bốn mươi, râu ba chỏm, trán hói, có vẻ thông minh xuất chúng, thái độ đĩnh đạc. Người đó kể rằng, ông là người Cao Ly nhưng vốn là dòng dõi của Mạc Đĩnh Chi, là cử nhân, thi đỗ từ năm 16 tuổi, làm quan tới chức quận trưởng. Bởi không chịu nổi cảnh áp bức của người Nhật(1), nên từ quan về cố quốc đi buôn sâm cho qua ngày tháng. Những tình tiết câu chuyện về cuộc thi đề quạt của hai sứ thần ở Trung Quốc trùng khớp với tư liệu của Việt Nam.

Có điều, ông cho biết thêm, vua Nguyên tấn phong cho cả hai Trạng là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”, chứ không chỉ riêng cho Mạc Đĩnh Chi. Khi Trạng Cao Ly về nước, ông mời Trạng Mạc sang thăm Cao Ly bốn tháng.

Lần ấy, Trạng Cao Ly làm mối cho Trạng Mạc một người cháu gái để làm thiếp. Sau bốn tháng, người thiếp ấy theo Trạng Mạc về Trung Quốc, 5 năm sau thì bà về nước cùng với hai người con, một trai một gái. Mười năm sau, Trạng Mạc lại sang Cao Ly một lần nữa. Lần này, ông ở lại Cao Ly sáu tháng, đi du lãm khắp Cao Ly, có tập thơ truyền thế. Người Cao Ly rất hâm mộ ông, bởi ai cũng biết ông là bậc thông minh xuất chúng. Hết sáu tháng thì ông trở về Trung Quốc rồi về Việt Nam, khi ấy, thiếp có mang đã ba tháng, sau sinh một bé trai.

Người thiếp ấy chịu thương chịu khó nuôi nấng dạy bảo các con, dựng vợ gả chồng và thường ở với người con trai út. Sau đó, bà từ biệt con cháu, đi vào chùa ở, hưởng thọ 93 tuổi.

 

Thiếu nữ Hàn Quốc trong trang phục truyền thống

Người kể ra câu chuyện này còn nói rõ hơn về hai ngành trưởng và thứ. Ông kể rằng, người con trai cả ra làm quan võ, sinh được 12 người con: 8 trai, 4 gái… Ngành trưởng này phần đông là người giàu có. Ngành thứ, sau này sinh ra nhiều nhân tài, phần nhiều là người trung nghĩa liêm khiết. Ông cũng khoe rằng, ông thuộc thế hệ ngành trưởng, thân ở Cao Ly mà hồn ở Việt Nam. Cao Ly là nơi chôn rau cắt rốn nhưng đất Việt mới là quê cha đất tổ. Hồn thiêng sông núi đất Việt luôn luôn gọi ông trở về(2).

Ngày 22/12/1992, Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó, hậu duệ nhà Lý, tiêu biểu là dòng họ Lý Long Tường ở Hoa Sơn đã tìm về cội nguồn. Con cháu họ Lý ở Hoa Sơn đã về Đền Lý Bát Đế ở Đình Bảng, Bắc Ninh thắp nén hương thơm kính cẩn với tổ tiên. Gần đây nhất, mùa Xuân năm 2009, con cháu dòng họ Lý Tinh Thiện ở Hàn Quốc cũng về Đình Bảng dâng lễ thưa với cha ông về tấm lòng thành của con cháu xa xứ luôn hướng về quê hương.

Họ Mạc là dòng họ lớn ở Việt Nam, Mạc Đĩnh Chi là cụ tổ bảy đời của Mạc Đăng Dung, người dựng nên triều đại nhà Mạc (1527-1592). Câu chuyện mà chúng tôi dẫn ra ở trên có lẽ lại một lần nữa nhắc nhở con cháu họ Mạc ở trong và ngoài nước tìm đến với nhau, đặc biệt là hậu duệ Mạc Đĩnh Chi ở Hàn Quốc (hoặc có thể ở Triều Tiên) tìm về xứ sở như dòng họ Lý Việt ở Hàn Quốc. Điều đó cũng có nghĩa là, câu chuyện nêu trên có lẽ không chỉ dừng lại ở mức giai thoại mà hãy còn chờ thực tế lịch sử lên tiếng.

——————————————————————————–

1Từ năm 1910 đến 1945, Nhật chiếm bán đảo Triều Tiên và thi hành chính sách cai trị đồng hoá rất hà khắc.

2 Xin đọc câu chuyện cảm động này trong An Nam tạp chí số 4 năm 1926 hoặc trong Người Việt Nam ở Triều Tiên và mối giao lưu văn hoá Việt – Triều trong lịch sử do Hội khoa học lịch sử Việt Nam ấn hành năm 1997, từ trang 75 đến 82, bài Ông Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly.

 Theo tapchihonviet

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc