Tăng số lượng bàn ghế, thuê thêm người phụ việc, giá bán và doanh số tăng khoảng 20-50% so với ngày thường… là điểm chung của các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch.
Đầu năm, nhiều người than thở, 10 cuộc gọi đến thì hơn một nửa trong số đó là rủ đi ăn, nhậu năm mới. “Mối nhậu” đủ cả từ bạn bè, anh em, gia đình đến cơ quan, đối tác… Kết quả là những ngày này quán nhậu lúc nào cũng chật kín người.
Tại quán hải sản Năm Căn, khu Tên lửa, quận Bình Tân tối 1/1 Tết dương lịch, lượng khách đến đây ăn uống đông nghịt. Tất cả không gian của vỉa hè quanh quán đều được tận dụng tối đa nhưng vẫn không đủ chỗ ngồi cho khách. Nhiều người đến trễ, sau một hồi loay hoay tìm bàn mà không còn, đành quay đi quán khác.
![]() |
Những ngày lễ, Tết là dịp “hốt bạc” của các quán nhậu. Ảnh: Lệ Chi |
Mồ hôi nhễ nhại trên trán, lại trong tư thế vừa đi vừa chạy, một nhân viên ở đây cho biết, lượng khách trong ngày 1/1 tăng hơn 30% so với ngày thường nên việc phục vụ cũng khá vất vả. “Dù ông chủ đã thuê thêm người nhưng bọn em phải làm việc gấp đôi ngày thường mới kịp”, cô nói.
Không chỉ tăng về lượt khách, quán Năm Căn cũng không quên điều chỉnh giá bán lên gần 20% so với ngày thường. Chị Hương, một thực khách tại quán cho biết, thông thường, mỗi kg cua gạch tại đây chỉ khoảng 220.000 đồng nhưng tối 1/1 đã tăng thêm 30.000 đồng. Giá tôm nướng, ghẹ và các loại thức ăn, nước uống khác cũng tăng tương tư. “Cũng chừng ấy món ăn cho 6 người, ngày thường chỉ tốn khoảng 800.000 đồng nhưng giờ tôi thanh toán ngót 1 triệu đồng”, chị Hương cho biết.
Không chỉ các quán nhậu, những quán vỉa hè trong những ngày này cũng rất đông khách. Tại quán bún bò gần cầu thị Nghè, Bình Thạnh, khoảng 12h trưa nay, tấp nập khách ghé vào. Anh Thanh vừa ăn vừa tấm tắc khen: “Ngon, từ sáng đến giờ đi chơi, trong bụng chỉ toàn chứa bia. Giờ ăn tô bún thấy ruột gan ấm hẳn ra”, anh nói.
![]() |
Các quán ốc luôn trong tình trạng quá tải dịp nghỉ Tết dương lịch. Ảnh: Lệ Chi. |
Những quán hủ tiếu gần vòng xoay Hàng Xanh cũng hoạt động hết “công suất”. Chị Thanh, chủ quán hủ tiếu gần cầu Văn Thánh cho biết, ngay từ mờ sáng, mới mở cửa đã có rất đông khách vào ăn. Đa phần là khách tranh thủ ăn để đi chơi xa.
Cũng theo chị, nguyên ngày hôm qua ai nấy đều mệt nhừ vì phục vụ lượng khách khá đông từ sáng đến tối. Mãi đến tận khuya 1/1 mà quán vẫn còn ken cứng khách. “Trong dịp lễ Tết mọi người thường hay dành thời gian đi chơi và lười nấu nướng. Do đó, ăn cơm, phở, hủ tiếu hàng quán với họ vừa đơn giản, thuận tiện, đỡ mất thời gian”, chị Thanh nhận xét.
Theo các chủ quán, do các loại thực phẩm như thị bò, thịt heo… tăng giá trong những ngày lễ nên phở, hủ tiếu… của họ phải tăng theo. Từ hôm qua đến nay, mỗi tô hủ tiếu đã tăng lên 22.000 đồng một bát (ngày thường 20.000 đồng). Nhiều cửa hàng cho biết, giá chỉ tăng lên trong mấy ngày nghỉ Tết dương lịch, sau đó họ lại áp dụng mức giá cũ.
Không chịu thua kém, các quán ốc cũng là điểm đến của rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Mặc cho giá có đắt hơn ngày thường đôi chút, nhưng khách vẫn tấp nập ra vào. Chị Lan, chủ quán ốc trên đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3 cho biết, từ trưa 1/1 tới giờ, nhất là vào buổi tối, quán luôn trong tình trạng quá tải. Bình thường quán tiếp nhận khoảng 200 người mỗi ngày, trong dịp này quán phải xếp chỗ cho gần 300 người. Dù tăng thêm bàn ghế vẫn không đủ.
“Trong những ngày này, doanh thu thường tăng khoảng 30-50% so với ngày thường nhờ lượng khách và giá tăng”, chị Lan cho biết.
Về phía khách hàng, do đây là dịp đầu năm mới, hầu hết các thượng đế đều cho rằng giá tăng như vậy vẫn có thể chấp nhận được nên không mấy người tỏ ra phàn nàn.
“Đây là Tết dương lịch mà. Dịp để mình nghỉ ngơi, ăn uống giải trí, ai lại đi kèo nài, tranh cãi vì việc tăng giá vài nghìn đồng như vậy. Nếu chấp thì đã không đi ăn quán rồi”, một thực khách tại quán ốc trên đường Nguyễn Thượng Hiền nói.
Lệ Chi
Theo vnexpress
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!