
Thâm Quyến là thành phố khiến người ta vừa yêu lại vừa hận. Bởi những bức tường cứng rắn, những trái tim lạnh lẽo, cho tới cuộc sống mong manh phía trong nó.
Đó là những gì tôi đã biết về thành phố này qua cuốn “Thiên đường bên trái, Thâm Quyến bên phải” của Mộ Dung Tuyết Thôn – một trong những “nhà văn online” nổi tiếng của Trung Quốc, người vùng Đông Bắc. Và quả thật, có đặt chân đến thành phố này, mới thấy nhiều cái giật mình, như thể người già giật mình vì những suy nghĩ táo bạo của lứa tuổi 9x. Có nhiều điều khó có thể hình dung ở đặc khu kinh tế mới hơn 30 tuổi này…
Chính sách đền bù “không giống ai”
Thật may mắn, người đưa đoàn chúng tôi trong mấy ngày ở Thâm Quyến lại là Ngô Hạo Nhiên – người đàn ông người Việt gốc Hoa, giờ là giám đốc một công ty du lịch, XNK có tên tuổi ở Thâm Quyến. Anh sinh ra ở Việt Nam, dân phố cổ Hà Nội, về Trung Quốc sinh sống cùng gia đình từ cuối những năm 1970. Trong anh, những ký ức về Hà Nội vẫn còn nhiều, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những ký ức và cả những kiến thức về Thâm Quyến – vùng đất anh sinh sống, lập danh, lập phận từ những ngày đầu, dù gia đình, bố mẹ, vợ con vẫn đang sống ở Quảng Châu.
Qua lời của Ngô Hạo Nhiên thì tên khác của Thâm Quyến là Bàng Thành – có nghĩa là “chim đại bàng”. Thâm Quyến là một thành phố không có quá khứ bởi chỉ mới được thành lập vào năm 1980. Khởi thuỷ là một làng chài nghèo khó của huyện Bảo An, tỉnh Quảng Đông, rồi 10.000 quân nhân đã phá núi, lấp biển và sau 30 năm đã xây dựng Thâm Quyến trở thành một đặc khu kinh tế, một trong 4 đại đô thị lớn nhất Trung Quốc.
Nếu cứ nhìn vào những toà nhà cao chọc trời mọc san sát nhau hai bên đường, với nhiều tầng cầu vượt, đường phố hiện đại với hàng dài xe hơi nối đuôi nhau, khó hình dung tuổi đời của thành phố này ít đến thế. Đôi chỗ, xen giữa các khu nhà chọc trời là những khu nhà cao 8 tầng, khang trang bề thế. Khi chúng tôi hỏi, sao lại có những khu nhà xây thấp như vậy ở vùng đất giá thời điểm hiện tại khoảng 25.000 nhân dân tệ/m2 (một nhân dân tệ tương đương 3.200VND), Ngô Hạo Nhiên đã làm chúng tôi bất ngờ: “Đó là nhà của dân thuyền chài, mà mỗi hộ là chủ một toà nhà 8 tầng ấy”.
Công nhân Foxconn Thâm Quyến trong giờ nghỉ trưa tại nhà máy (ảnh lớn). Khu nhà ở của công nhân Nhà máy Foxconn Thâm Quyến tại Long Hoa. Ảnh: S.M
Công nhân Foxconn Thâm Quyến trong giờ nghỉ trưa tại nhà máy.
Hơn 1.000 hộ dân làng chài gốc huyện Bảo An trên tổng số 38.000 người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá đã được đền bù mỗi hộ 320m2, được nhà nước xây sẵn thành các toà nhà 8 tầng, mỗi tầng 4 phòng để có thể kiếm sống bằng việc cho thuê nhà, thay vì thành thất nghiệp vì chính sách lấp biển xây dựng đặc khu kinh tế của chính quyền. Hiện giá cho thuê nhà bình quân ở Thâm Quyến khoảng 2.000 tệ/tháng, nên cuộc sống của những người dân làng chài khá thoải mái.
Và với chính sách đền bù “không giống ai” ấy, chính quyền đặc khu kinh tế dễ dàng nhận được sự đồng thuận của người dân. “Hiện mỗi huyện La Hầu ở Thâm Quyến là đất thổ cư, còn tất cả các quận còn lại là đất lấn biển. Thâm Quyến được mở rộng ra nhiều, nhà cao tầng được xây nhanh với tốc độ chóng mặt, cứ 3 ngày là xây xong một tầng, các con đường cũng liên tiếp được xây dựng, hiện người ta đang xây một con đường cao tốc trên cao bắc qua vịnh Thâm Quyến để nối đặc khu kinh tế này với Hồng Kông, thay vì chỉ có một đường cảng biển như hiện nay…” – Ngô Hạo Nhiên nói.
Ở các góc đại lộ, những bức ảnh lớn của ông Đặng Tiểu Bình được đặt trang trọng như là một cách nhắc người dân thành phố không được phép quên công lao của vị “kiến trúc sư” của đường lối cải cách, mở cửa này của Trung Quốc. Theo Ngô Hạo Nhiên, người Thâm Quyến luôn nhớ đến ông Đặng – người đã “bật đèn xanh” cho phép xây dựng Thâm Quyến thành đặc khu kinh tế với nhiều chính sách mở cửa thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ vậy mà gần 20 triệu dân Thâm Quyến mới có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay.
Thành phố của người trẻ và công nghệ cao
Không có gì quá khi gọi Thâm Quyến là “thành phố trẻ”, bởi tuổi bình quân của người dân Thâm Quyến là 27. Trở thành đặc khu kinh tế, Thâm Quyến đã trở thành mảnh đất hứa cho nhiều người dân đại lục. “Thu nhập bình quân của người dân Thâm Quyến gần 3.000 tệ/tháng, trong khi ở Quảng Châu chỉ khoảng 2.000 tệ, vì vậy khá nhiều người đã lựa chọn cách kiếm tiền ở Thâm Quyến, tiêu tiền ở Quảng Châu” – Ngô Hạo Nhiên đã lý giải vì sao anh và gia đình hiện ở Quảng Châu phải chấp nhận sống xa cách như vậy.
Khu nhà ở của công nhân Nhà máy Foxconn Thâm Quyến tại Long Hoa. Ảnh: S.M
Khu nhà ở của công nhân Nhà máy Foxconn Thâm Quyến tại Long Hoa. Ảnh: S.M
Có mặt tại Thâm Quyến từ năm 1996, Nhà máy Foxconn (Tập đoàn Hồng Hải) – chuyên gia công lắp ráp iPhone, iPad cho Hãng Apple đặt tại Long Hoa – hiện có mức lương trả cho công nhân cao nhất Thâm Quyến. Theo ông Micheal Tu – trợ lý đặc biệt của Tổng Giám đốc Foxconn, lương bình quân của công nhân Foxconn Thâm Quyến là 2.100 tệ/tháng, 5 ngày làm việc/tuần. Thời gian tăng ca không quá 36 giờ/tháng. Năm 2009, Foxconn Thâm Quyến đứng đầu trong số 500 Cty có doanh thu xuất khẩu nội địa lớn nhất Trung Quốc.
Trong khuôn viên rộng hơn 2.000km2, Foxconn Thâm Quyến hiện có hơn 400.000 công nhân, trong đó khoảng 80% công nhân là người từ các tỉnh xa đến làm việc. Phần lớn lao động thuộc thế hệ 8x và 9x. Nhà máy có 2 khu ký túc xá để công nhân ở, mỗi khu đủ chỗ cho chừng 200.000 người. Ngoài ra là hệ thống nhà hàng, 3 siêu thị lớn, bể bơi, công viên, thư viện… “Nhà máy Foxconn như một thành phố thu nhỏ, tương đối khép kín, đáp ứng tương đối đầy đủ các nhu cầu của người lao động” – ông Micheal Tu nói.
Trương Ngọc Quỳnh – sinh năm 1984, người tỉnh Hồ Bắc, làm việc tại Phòng nhân sự Foxconn – cho biết, cô sống trong ký túc xá công ty, ăn ở nhà ăn chung, mua sắm tại siêu thị và đọc sách ngay thư viện trong khuôn viên nhà máy. Ngọc Quỳnh kể, cô có may mắn hơn nhiều bạn khác vì hưởng lương 3.000 tệ nhờ làm ở khối văn phòng, so với lương công nhân lắp ráp hơn 2.000 tệ. Hằng tháng, cô vẫn gửi về gia đình được gần 1.000 tệ giúp bố mẹ, còn lại chuyển vào ngân hàng tiết kiệm.
Thâm Quyến là một trung tâm nghiên cứu sản xuất công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc. Đã có 145 tập đoàn điện tử thế giới đầu tư vào đây. Chợ đầu mối điện tử lớn nhất của Thâm Quyến là chợ Hoa Cường Bắc và chợ Đông Môn. Nhiều người Trung Quốc cho rằng, nếu như chợ điện tử Hoa Cường Bắc mà “hắt xì hơi” là ngành điện tử Trung Quốc sẽ bị lao đao.
Nơi đây cũng xứng đáng với cái tên “thiên đường điện thoại nhái” do tờ báo The New York Times của Mỹ đặt cho. Điện thoại “nhái” ở Thâm Quyến được “nhân bản” rất nhanh với số lượng hàng ngàn chiếc mỗi lúc. Bất cứ một sản phẩm nào của các hãng điện thoại lừng danh Motorola, Samsung, Nokia, Apple… mới ra lò buổi sáng thì hôm sau đã bị làm nhái và có mặt trên thị trường Thâm Quyến. Điện thoại “nhái” mới chỉ xuất hiện khoảng vài năm trở lại đây, nhưng đã chiếm tới hơn 20% doanh số bán hàng của Trung Quốc và được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.
“Thâm Quyến là thành phố của cảm xúc dồi dào mãnh liệt, nhưng cũng là nơi ngập tràn thứ cảm giác lạc lõng”… Trở lại với Mộ Dung Tuyết Thôn và câu chuyện của nhà văn về Tiêu Nhiên – một chàng trai đầy hoài bão, ước mơ, sau khi học đại học đã ở lại Thâm Quyến với công việc khởi đầu là một nhân viên thu mua với mức lương 5.000 tệ. Chỉ sau 5 năm, anh đã trở thành triệu phú trong cuốn “Thiên đường bên trái, Thâm Quyến bên phải” mới thấy nội lực thật lớn của vùng đất này. Nơi có những cô gái trẻ ngoài đời thực như Trương Ngọc Quỳnh, sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống xa nhà để tìm kiếm cho mình một cơ hội phát triển…
Có đi, có thấy, mới lại thầm ước ao giá các đặc khu kinh tế của Việt Nam vươn lên được như vậy. Dù biết rằng, cũng giống như Việt Nam, người dân Thâm Quyến cũng đang phải chịu một gánh nặng về trượt giá, chi phí đắt đỏ, thậm chí mua bán một số mặt hàng thiết yếu còn đắt hơn so với Hồng Kông, như “tự thú” của Ngô Hạo Nhiên trước ngày đoàn chúng tôi rời Thâm Quyến để về Việt Nam…
Theo Phạm Huệ
Theo cafef
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!