Các vấn đề nóng hổi liên quan đến hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của dự án bô xít Tây Nguyên sẽ được đại diện Bộ Công Thương, TKV và các chuyên gia đặt ra trong buổi tọa đàm trên VnExpress.net lúc 14h30 ngày 28/10.
Khai thác bô xít là một chủ trương lớn nhằm phát triển kinh tế Tây Nguyên và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất nước. Tuy nhiên, gần đây, nhiều ý kiến tiếp tục bày tỏ lo ngại về tác động môi trường của việc khai thác bô xít cũng như hiệu quả kinh tế mang lại từ dự án này, đặc biệt là sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary.
Để bạn đọc có điều kiện hiểu rõ thêm về quan điểm và cách tiếp cận vấn đề của các bên liên quan, VnExpress.net sẽ tổ chức toạ đàm trực tuyến về vấn đề này vào 14h30 ngày 28/10, với sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cùng các chuyên gia.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương, Phó trưởng ban chỉ đạo dự án bô xít Tây Nguyên, sẽ giải đáp thắc mắc cũng như ý kiến trái chiều của độc giả và đối thoại cùng các chuyên gia. Theo ông Quân, dự án được triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của ngành cũng như đất nước. Hiện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đang triển khai hai dự án đầu tư thử nghiệm sản xuất alumina tại tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đăk Nông.
“Đây là dự án thử nghiệm đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng tôi sãn sàng lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến trái chiều”, ông Quân thẳng thắn.
Đại diện cho chủ đầu tư và là đơn vị trực tiếp tham gia dự án, ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm -Titan, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả kinh tế, độ an toàn của dự án. Cũng là một thành viên ban chỉ đạo dự án nhôm -bô xít của TKV, ông Liêm cho hay, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Trung Đông đã có nhu cầu bao tiêu sản phẩm bô xít của Việt Nam.
Theo ông Liêm, sự cố ở Hungary là lời cảnh báo đối với Việt Nam nhưng TKV đã xem xét sơ bộ và thấy điều kiện của Hungary và Việt Nam khác nhau. Hungary dung tích bể chứa rất lớn, nằm trên bề mặt đồng bằng, mặt bể chứa bùn đỏ lại đắp nổi. Trong khi đó, hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên được đặt trong thung lũng “chết” và ở khu vực có lưu vực nhỏ, cách xa khu vực dân cư tập trung nên độ an toàn cao hơn.
Tham gia buổi tọa đàm còn có các chuyên gia và nhân sĩ tham
gia viết đơn đề nghị dừng dự án. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên
Môi trường Đặng Hùng Võ trăn trở về tác động môi trường, hiệu quả
kinh tế mà dự án mang lại. Theo ông Việt Nam chưa giàu về kinh tế
nhưng cũng không nghèo đến mức phải bán vội bán vàng mọi tài
nguyên đang có. Ngoài ra, vấn đề môi trường là một thách thức lớn.
Nếu hồ chứa bùn đỏ bị vỡ sẽ dẫn đến việc rò rỉ hoặc thấm vào nước
ngầm gây ra thảm họa môi trường rất lớn.
“Không ai nói Việt Nam có bô xít thì mới giàu. Hãy để con cháu chúng ta khi có đủ tài đủ lực gánh vác trọng trách này”, ông Võ chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban dự án Nhôm của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đề xuất, cần lập một hội đồng quốc gia thẩm định lại về vấn đề hồ bùn đỏ cũng như hiệu quả kinh tế của dự án. Theo ông Ban, với sự biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra đột biến và ghê gớm như hiện nay, việc thiết kế các hồ chứa bùn đỏ cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng. Dự án Tân Rai, Nhân Cơ cần được nghiên cứu kỹ càng trước khi đem vào vận hàng khai thác.
Độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi, thắc mắc ngay từ bây giờ về địa chỉ [email protected] và tọa đàm trực tiếp với các khách mời vào 14h30 chiều 28/10.
Ban Kinh doanh
Theo Vnexpress
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!