Kể từ khi NHNN nâng lãi suất tái chiếu khấu lên 12%, kênh huy động trên thị trường trái phiếu gần như hoàn toàn tê liệt.
Sở GDCK Hà Nội thông báo kết quả đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, tổ chức ngày 31/3/2011. Theo đó, 3000 tỷ đồng trái phiếu chào bán hoàn toàn thất bại, không có thành viên nào trúng thầu và cũng không có trái phiếu nào được bán thành công.
Cụ thể, lần này Kho bạc Nhà nước đem ra đấu thầu 3 loại trái phiếu kỳ hạn 2 năm, 3 năm, 5 năm mỗi loại 1.000 tỷ đồng. Ngày phát hành là ngày 04/04/2011.
![]() |
Nguồn trái phiếu CP chủ yếu được phân bổ cho các công trình thiết yếu (IE) |
Trái phiếu kỳ hạn 2 năm có 3 thành viên tham gia đấu thầu, lãi suất đăng ký thấp nhất là 12,6%, cao hơn lãi suất trần 1,2%/năm, lãi suất đăng ký cao nhất lên tới 13,5% do đó không có lãi suất trúng thầu và Kho bạc không bán được trái phiếu nào kỳ hạn này.
Đối với trái phiếu kỳ hạn 3 năm; lãi suất đăng ký thấp nhất là 11,95%/năm, cao hơn lãi suất trần 0,35%, lãi suất đăng ký cao nhất là 12,7%/năm, do đó không có thành viên nào trúng thầu.
Đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm, có 1 thành viên tham gia, lãi suất đăng ký thấp nhất là 12,5%, cao nhất là 12,7%, cao hơn lãi suất trần 0,7 – 0,9%/năm, do đó không có lãi suất trúng thầu.
Các đợt phát hành trái phiếu trong tháng 3 đều thất bại, trong đó có 3 phiên thất bại hoàn toàn, không bán được trái phiếu nào là các phiên 24/3 và phiên ngày 30/3 và ngày 31/3. Kể từ khi NHNN nâng lãi suất tái chiếu khấu lên 12%, kênh huy động trên thị trường trái phiếu gần như hoàn toàn tê liệt.
Ba đợt phát hành trái phiếu chính phủ từ tháng 3/2011 đến nay đều không thành công. Đợt 1 bán được 145/6.000 tỉ đồng, đợt 2 được 139/6.000 tỉ đồng, đợt 3 được 30/3.000 tỉ đồng. Số trái phiếu ít ỏi bán được trong đợt 3 thuộc kỳ hạn 10 năm, lãi suất 11,5%/năm. Đây là mức trần cao nhất của trái phiếu được Bộ Tài chính ấn định trong suốt 18 tháng qua.
“Sóng” đã biến mất khỏi thị trường trái phiếu. Ngay cả những “tay chơi” trái phiếu chuyên nghiệp như Dragon Capital, ACB, Sacombank, Eximbank và những ngân hàng nước ngoài cũng khó tìm kiếm lợi nhuận bởi mua ngay – bán ngay, ăn phí ở giữa chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa, thị trường quá nhỏ, có ngày giao dịch chỉ vài chục tỉ đồng, bên mua bên bán “nhẵn mặt” nhau, nên khó tìm phí chênh lệch.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giao dịch trái phiếu ảm đạm là do lãi suất tái chiết khấu, lãi suất thị trường mở đã được điều chỉnh lên 12%/năm. Chẳng ai dại gì mua trái phiếu lãi suất 11%/năm để rồi giao dịch trên thị trường mở 12%/năm. Thậm chí 12%/năm cũng không bán được vì không phải cứ đến ngày giao dịch là Ngân hàng Nhà nước đưa tiền đồng ra.
Lãi suất tiền đồng đang cao, ít ai còn để ý đến trái phiếu. Muốn kinh doanh trái phiếu phải có cả tiền và hàng (hàng ở đây là trái phiếu). Nhiều tổ chức đang nắm giữ trái phiếu, nhưng tiền thì không có hoặc có không đáng kể. Có tiền đồng cho doanh nghiệp vay hay mang lên thị trường liên ngân hàng kinh doanh lãi suất cao, hà cớ gì phải mua trái phiếu? |
(Theo CafeF.vn)
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!