Home » Văn hóa » Dạy trẻ bền chí để thành công trong học tập

Học tập xưa nay quý ở chỗ có ý chí bền bỉ. Đời người chỉ có mấy chục năm ngắn ngủi, nhưng riêng việc dùi mài kinh sử đã mất gần 20 năm, cho nên mà ai không bền chí thì không thể đến đích. Vì thế mà trong ca dao có câu

Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.

Để giúp trẻ có ý chí, người xưa còn có câu rằng:Sóng cả không ngã tay chèo”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Còn nước, còn tát”, “Có cứng mới đứng đầu gió”… 

Bền chí giúp thành công

Con người hiện nay thường có tâm lý hiển thị và thể hiện mình rất mạnh, không ngại gì khi thể hiện sức mạnh của mình, nhưng cái thiếu là ý chí. Vì thế mà nhà văn Pháp Victor Hugo có câu rằng “cái người đời thường thiếu là ý chí chứ không phải là sức mạnh”.

Shala Andis tác giả của cuốn sách “ba chiếc chìa khóa vàng của người mẹ Do Thái dành cho con” đã làm một cuộc nghiên cứu như sau: Cho một nhóm các em học sinh tiểu học mỗi em một chiếc kẹo bông gòn và nói với các bé có thể ăn bất cứ lúc nào, nhưng nếu kiên trì đợi đến khi tan học về nhà mới ăn thì sẽ được phát thêm một chiếc kẹo nữa làm phần thưởng.

Kết quả là có một số trẻ không nhịn được nên đã ăn luôn, số khác thì nhẫn nhịn vượt qua được cám dỗ. Cuộc thí nghiệm tiếp tục dõi theo các bé cho đến khi tốt nghiệp đại học thì nhận thấy rằng những trẻ biết kiềm chế có thành tích học tập ưu tú hơn và có tỷ lệ tìm được công việc như ý sau khi tốt nghiệp cao hơn”.

Từ nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ có ý chí bền bỉ thường có thành tích học tập tốt hơn cũng như có công việc tốt hơn. Vì thế mà việc dạy trẻ có ý chí bền bỉ là vô cùng cần thiết nhằm thành công trong học tập và công việc sau này.

Dạy trẻ từ tấm gương thực tế trong xã hội

Để trẻ có được ý chí bền vững, nên cho trẻ đọc những tấm gương bền chí ngay trong xã hội, cũng như tham khảo lời dạy của các bậc Thánh Nhân xưa kia. Những điều này sẽ gieo mầm bền chí cho trẻ.

Những tấm gương bền chí giúp thành công trong xã hội khá nhiều, có thể kể ra một số tấm gương như sau:

  • Tổng thống nước Mỹ Donald Trump

Nếu không bền chí thì nước Mỹ đã không có Tổng thống Donald Trump như ngày nay. Trước khi tranh cử Tổng thống Mỹ, Donald Trump là một tỷ phú, nhưng mấy ai biết rằng vào đầu thập kỷ 1990 ông là người luôn thất bại dù trải qua nhiều lĩnh vực kinh doanh từ hàng không, rượu bia, ẩm thực, giáo dục, giải trí, báo chí, internet cho đến bất động sản, 4 lần phải tuyên bố phá sản và bị ngập trong món nợ hàng tỷ đô la.

Thất bại này đối với người khác hẳn sẽ gục ngã, nhưng Donald Trump lại không hề sợ hãi, vẫn bền chí theo đuổi con đường kinh doanh.

Ông Trump thời trẻ. Ảnh từ Pinterest

Ông Trump thời trẻ. Ảnh từ Pinterest

Donald Trump chính là mẫu người bền chí không bỏ cuộc, ông nói: “Đôi khi, việc thất bại trong một trận đấu nhỏ sẽ giúp bạn tìm ra cách để thắng cả một trận chiến lớn”. Đối với Donald Trump thất bại giống như khi khám phá ra một con đường nhưng không dẫn đến thành công, hành động của ông là rút kinh nghiệm để tìm ra con đường khác.

Từ năm 1999 đánh dấu sự phục hồi và thăng tiến trong kinh doanh bất động sản của Donald Trump. Trước khi tranh cử Tổng thống Mỹ, năm 2015 Forbes ước tính tài sản của Trump là 4,5 tỷ đô la. Trước đó, Business Insider công bố bản báo cáo tài chính ngày 30 tháng 6 năm 2014 (được cung cấp bởi Trump), bản báo cáo đưa ra con số tổng tài sản 8,7 tỉ USD.

Từ một người thất bại với 4 lần phá sản, nợ hàng tỷ đô la đến một doanh nhân thành đạt và là Tổng thống Mỹ, Donald Trump cho thấy sự thành công của mình nhờ ý chí bền bỉ.

  • Thành công của con cái nhờ sự vĩ đại của người cha

Sau mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học, cả nước lại vinh danh những thí sinh đậu thủ khoa các trường ĐH, đặc biệt là các trường danh tiếng. Năm 2013 dư luận hướng sự quan tâm đến trường hợp 2 anh em sinh đôi là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền cùng đỗ thủ khoa 2 trường đại học danh tiếng ĐH Y Hà Nội và ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Điều đặc biệt khiến mọi người phải cảm phục không phải chỉ là số điểm 29,5/30 điểm (điểm cộng nữa là 30,5) của Nguyễn Hữu Tiến, mà là kết quả đó có được từ người cha là ông Nguyễn Hữu Định, suốt 10 năm liền ông Định phải sống trong ống cống nuôi 4 người con ăn học, hai anh em thủ khoa cũng phải vừa bươn chải vừa học với ý chí bền bỉ không ngừng để có được thành quả như hôm nay.

Để tiết kiệm tiền thuê nhà, ông Định đã quyết dịnh chọn ống cống làm nhà, nuôi 4 người con đi học, thấy bố vất vả, cả 4 người con của ông đều bền chí học tập, quyết chí thành tài để báo đáp cho cha. Con gái đầu là sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, con gái thứ hai đang học cao đẳng Giao thông vận tải, hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền cùng đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội và ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Nơi ông Nguyễn Hữu Định ở. (Ảnh: Tuấn Mark – zing.vn)

Nơi ông Nguyễn Hữu Định ở. (Ảnh: Tuấn Mark – zing.vn)

Nơi ở của ông Định là ống cống rộng 1,2m2 giữa một bãi đất trống, phía trong chỉ có gạch kê làm nơi ngả lưng cùng vài bộ quần áo. Ông Định làm bất kể việc gì miễn kiếm được tiền nuôi con; nhưng sau này vì sức khỏe yếu dần ông chỉ sửa xe và chạy xe ôm.

Để tiết kiệm tiền, nhiều khi ông Định chỉ ăn một gói mỳ tôm qua bữa. Dù hai cô con gái nhiều lần đòi thuê phòng trọ cho bố nhưng ông đều gạt đi, để con mình ở ký túc xá còn ông vẫn ở nơi ống cống, như thế sẽ tiết kiệm được khoản tiền thuê phòng trọ để nuôi con ăn học thành tài.

Sau khi hai con cùng đỗ thủ khoa đại học, câu chuyện người cha ở ống cống nuôi con đỗ thủ khoa được nhiều người biết, được sự giúp đỡ của những người có hảo tâm, ông Định không còn phải ở ống cống nữa, gia đình ông sống trong một căn phòng trọ miễn phí trên phố.

Hai anh em Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiền đều làm gia sư để có thêm tiền chu cấp cho gia đình. Nguyễn Hữu Tiến giai đoạn đầu ở ĐH Y do chưa thích nghi được với môi trường và cách học mới lạ ở đại học nên chỉ xếp loại khá, nhưng Tiến dần cũng thích nghi được môi trường học tập , ban ngày thì lên thư viện miệt mài học tập, buổi tối thì đạp xe đạp làm gia sư đến tận 10 giờ, nhưng với nỗ lực bền bỉ Tiến nhanh chóng thích nghi và xếp loại giỏi.

Buổi sáng hai anh em ăn xuất cơm nguội với muối vừng ở nhà, trưa thì ăn cơm ở trường, buổi chiều nhịn ăn làm gia sư đến 10 giờ thì về nhà ăn cơm. Nếu không có ý chí bền bỉ và kiên cường, hai anh em đã không thể đi trọn con đường học tập đến ngày hôm nay

Lời dạy của các bậc Thánh Nhân xưa kia

Những lời dạy của các bậc Thánh Nhân phải kể đến Gia Cát Lượng, vị quân sư kiệt xuất thời Tam Quốc mà ngày nay nhà nhà đều biết, ông có những lời được đúc kết rất sâu sắc mà con người ngày nay cần học hỏi nhằm có được sự bền chí:

Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị” (nghĩa là: Việc lớn bắt đầu khó, việc nhỏ bắt đầu dễ)

Người xưa có câu “vạn sự khởi đầu nan” thực ra chính là từ câu này của Gia Cát Lượng. Khởi đầu mà chọn việc nhỏ thì dễ thành công hơn, còn chọn việc lớn sẽ gặp muôn vàn trắc trở.

Nhưng nếu việc nhỏ không chọn làm trước, để đến sau này mới làm thì việc nhỏ tụ lâu lại thành việc lớn, lúc ấy rất khó làm, có thể khiến bản thân mất đi sự bền chí, chán nản. Vì thế mà việc thấy nhỏ thì nên chọn làm trước chớ để lại sau này.

Gia Cát Lượng để lại “giới tử thư” gia huấn hậu nhân, nội dung như sau: “Hành động của người quân tử là giữ tĩnh lặng để tu thân, cần kiệm để dung dưỡng đức độ. Không đạm bạc lập chí chẳng nên, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi. Học thì phải cần yên tĩnh, muốn có tài năng phải học; không học thì không biết rộng, không có chí thì việc học không thành. Mong muốn lan man thì không thể nảy sinh cái tinh túy,vội tìm cái hiểm hóc thì không nắm được cái thực tình. Thời gian tuổi tác qua nhanh, ý chí cùng ngày tháng trôi đi trở thành khô héo, phần lớn không tiếp cận được với thời đại, rồi buồn tủi nơi lều nát, sao còn khôi phục lại kịp cái chí hướng được nữa !”

Sống trong xã hiện hiện nay, con người rất dễ bị cám dỗ, chạy theo những trao lưu, biến động ngoài xã hội. Nếu muốn chú tâm học hành không bị cuốn theo các biến động ngoài xã hội thì cần học theo Gia Cát Lượng Không đạm bạc lập chí chẳng nên, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi. Cần “tĩnh tâm” để không bị cuốn theo dòng, như thế mới có thể bền chí theo đuổi con đường học hành đến khi thành đạt.

Một người có tài năng là nhờ thời trẻ kiên trì bền chí học tập mà có được. “Dịch kinh” giảng rằng: “Ngày ngày ham học tiến bộ có thể gọi đó là một loại phẩm đức cao thượng. Những người đam mê học tập thường không để thời gian trôi qua vô ích. Mỗi loại kiến thức, kỹ năng khi mới bắt đầu học thì thấy vô vàn khó khăn, thậm chí đôi khi tưởng không bao giờ có thể làm được. Nếu chỉ vì một chút khó khăn như vậy mà nhụt chí, từ bỏ không học nữa, thì người ấy không làm được bất cứ việc gì và dễ gặp thất bại trong cuộc sống”.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc