Home » Cổ truyền, Tiêu biểu sideshow, Văn hóa » Nữ hoàng hải tặc thống lính 8 vạn quân bất bại hoàn lương sau một câu nói

Trịnh Nhất Tẩu tên thật là Thạch Dương, còn được gọi là Trịnh Thạch Thị được xem là nữ hoàng trên biển cả, nhân vật có quyền lực nhất trong lịch sử hải tặc thế giới.

Xuất thân là người dân tộc Đản Gia, tuổi trẻ là người có nhan sắc và phải làm kỹ nữ trên tàu ở vùng biển Quảng Châu.

Tàu hải tặc. Ảnh spiderum.com

Tàu hải tặc. Ảnh spiderum.com

Nữ Hoàng hải tặc

Thời đấy nạn cướp biển hoành hoành khắp nơi, mạnh nhất là Hồng Kỳ bang của Trịnh Nhất. Năm 1801 tình cờ Trịnh Nhất gặp mặt Trịnh Thạch Thị thì đem lòng yêu mến và quyết định phải lấy làm vợ.

Có nguồn sử liệu cho rằng Trịnh Nhất đã lệnh cho thuộc hạ cướp phá nhà thổ và đưa người con gái mà mình thích về; cũng có nguồn sử liệu cho rằng Trịnh Thạch Thị đồng ý theo Trịnh Nhất với điều kiện phải trao một nửa chiến lợi phẩm cho cô ta và đồng thời được tham gia vào nhóm chỉ huy của Hồng Kỳ bang.

Sau khi thành vợ chồng cả hai cùng lãnh đạo Hồng Kỳ bang. Trịnh Nhất vốn là một chiến tướng quả cảm nay lại có vợ phụ giúp cố vấn thêm nên Hồng Kỳ bang ngày càng mạnh. Hai vợ chồng xây dựng nên Đế Chế hải tặc hùng mạnh trên vùng biển kéo dài từ Trung Quốc đến tận Malaysia

Lúc này tình hình có thay đổi lớn, trước đây nhiều nhóm hải tặc của Trịnh Thất (anh họ Trịnh Nhất) cùng với Mạc Quan Phù, Vương Quý Lợi và Ô Thạch Nhị  đi theo quân Tây Sơn của Đại Việt nên được trợ giúp nhiều, có địa bàn hoạt động mạnh ở vùng biển của Đại Việt.

Nhưng sau khi quân Tây Sơn bị quân Nguyễn đánh bại, vua Gia Long cương quyết đem quân trấn áp bọn hải tặc, qua các trận đánh, căn cứ hải tặc lớn nhất tại đảo Giang Bình bị đánh tan, thủ lĩnh Trịnh Thất bị tiêu diệt, các nhóm hải tặc phải chạy về hoạt động tại Trung Quốc.

Trở về Trung Quốc, các nhóm hải tặc có cuộc tranh giành lẫn nhau, từ 12 bang cuối cùng chỉ còn lại 6 bang. 6 bang này cùng ký hiệp ước liên minh để cùng hoạt động, trong đó mạnh nhất là Hồng Kỳ bang của Trịnh Nhất, được tôn là “minh chủ”.

Hồng Kỳ bang lúc này có 600 đến 1.000 thuyền lớn, từ 2 đến 4 vạn hải tặc, địa bàn hoạt động từ Trung Quốc đến tận Malaysia.

Đúng lúc đó vào năm 1807 Trịnh Nhất bị chết tại vùng của của Đại Việt, có nguồn sử liệu cho rằng thuyền của Trịnh Nhất bị bão lớn đánh chìm xuống đáy biển, không một ai sống sót; thế nhưng cuốn “Tĩnh Hải phân ký” cho rằng tàu của Trịnh Nhất bị tàu quân nhà Nguyễn của Đại Việt dùng đại pháo bắn hạ.

“Minh chủ” bị chết, liên minh các bang hải tặc đứng trước nguy cơ bị gãy đổ, các bang hải tặc khác nhân cơ hội này tìm cách thộn tính Hồng Kỳ bang. Trước tình thế đó Trịnh Nhất Tẩu thay chồng làm thủ lĩnh Hồng Kỳ bang, năm ấy Trịnh Nhất Tẩu 32 tuổi.

 Trịnh Nhất Tẩu

Nữ Hoàng hải tặc Trịnh Nhất Tẩu. Ảnh Kknews.cc

Trịnh nhất Tẩu trao việc đánh cướp cho phó tướng của mình là Trương Bảo Tử, còn bản thân thì ra điều lệ xây dựng lực lượng và lo việc kinh doanh.

Dưới sự lãnh đạo của Trịnh Nhất Tẩu, Hồng Kỳ bang ngày càng lớn mạnh, còn mạnh hơn cả thời Trịnh Nhất làm “minh chủ”. Hồng Kỳ bang có 200 chiến hạm rất mạnh, mỗi chiến hạm trang bị 20 đến 30 khẩu thần công, chiến hạm của Hồng Kỳ bang lớn gấp đôi chiến hạm của phương Tây như Anh hay Tây Ban Nha vào cùng thời kỳ đó. 800 tàu chiến loại trung, 1.000 thuyền nhỏ và 4 vạn chiến binh thường trực, lúc đông nhất có đến 10 vạn thuộc hạ.

Các nhà sử học đánh giá Hồng Kỳ bang rất mạnh, còn mạnh hơn cả hải quân các quốc gia khác, ví như hải quân Mỹ lúc bấy giờ cũng chỉ có 5 ngàn quân.

Trịnh Nhất Tẩu trở thành thủ lĩnh hải tặc quyền lực và mạnh nhất trong lịch sử, trở thành Nữ Hoàng hải tặc.

Trịnh Nhất Tẩu cũng có liên minh với các địa chủ cùng các địa phương nhằm đảm bảo nguồn cấp lương thực cho mình.

Trịnh Nhất Tẩu cho đặt đại bản doanh ở Đại Nhĩ Sơn – hòn đảo lớn nhất ở Hồng Kông, án ngữ Châu Giang Khẩu. Ở đó, có cả xưởng đóng tàu hiện đại của Hồng Kỳ.

Có vũ khí hiện đại nên Hồng Kỳ không hề e ngại quân triều đình, thậm chí nhiều trận tấn công và đánh bại các tàu của phương Tây.

Các tàu của Hồng Kỳ bang tung hoàng từ vùng biển Triều Tiên đến Malaysia, thu tiền bảo kê các thuyền thuyền cũng như tàu vãng lai, khiến triều đình nhà Thanh cũng như các thương nhân quốc tế bị thiệt hại nghiêm trọng, nhưng quân triều đình không thể làm gì.

Đánh bại liên quân Mãn Thanh, Anh, Bồ Đào Nha

Mùa thu năm 1809 triều đình nhà Thanh chi ra 80.000 lạng bạc liên minh cùng Anh và Bồ Đào Nha thành lập hạm đội liên quân hùng hậu tấn công vào sao huyệt của Hồng Kỳ bang ở Đại Nhĩ Sơn.

Nhận được tin báo Trịnh Nhất Tẩu điềm nhiên ở bản doanh chỉ huy quân phòng thủ, bà cùng phó tướng Trương Bảo Tử ra kế sách rồi quyết định sử dụng kế thứ 2 trong 36 kế của “binh pháp Tôn Tử” là “vây Ngụy cứu Triệu” – thời Chiến quốc, Bàng Quyên đem quân nước Ngụy tấn công nước Triệu rất gấp. Tôn Tẫn cho quân đánh thẳng vào nước Ngụy khiến Bàng Quyên phải đưa quân trở về giải vây, nước Triệu được cứu.

Theo kế này Trương Bảo Tử dẫn quân chủ lực đánh thành Quảng Châu, quân hải tặc đánh thẳng một hơi chiếm luôn trọng địa Hổ Môn trấn (nay là thành phố Đông Hoàn tỉnh Quảng Đông). Được tin cấp báo liên quân phải rút về cứu Quảng Châu. Quân Hồng Kỳ đã tính trước nên chuẩn bị quân mai phục sẵn, liên quân vừa bị mai phục phía trước vừa bị truy kích phía sau, hai đầu thọ địch, tiến thoái lưỡng nan.

Trận đánh kéo dái đến 9 ngày đêm thì liên quân hoàn toàn bị đánh tan tác, chỉ vài chiến thuyền may mắn chạy thoát về Quảng Châu, phía Hồng Kỳ bang chỉ có 40 binh sĩ tử trận.

Thất bại này khiến triều đình Mãn Thanh tức giận liên tục phái quân cùng quân phương Tây tiến đánh Đại Nhĩ Sơn. Anh và Tây Ban Nha cũng liên tục gửi thêm quân tiếp viện đến. Hồng Kỳ bang cùng 5 bang phái hải tặc khác cùng hợp sức chống lại lần lượt đẩy lui các cuộc tấn công của liên quân triều đình và phương Tây.

Trên biển Triết Giang, Trương Bảo Tử bắn chết Thủy sư Đề đốc Từ Đình Hùng; ở Hồng Kông, Nhất Tẩu chỉ huy đại quân tiêu diệt hơn 20 chiến thuyền Đại Thanh cùng 300 thần công hỏa pháo, bắt sống Thủy sư Đề đốc Quảng Đông Tôn Toàn Mưu.

Trong một chiến dịch quy mô lớn, thủy quân Bồ Đào Nha và triều đình hợp lực bao vây Đại Nhĩ Sơn. Thế nhưng liên quân bị các bang hội cướp biển phong tỏa. Trận đánh ác liệt diễn ra suốt 8 ngày đêm. Kết quả liên quân lại bị đánh bại, bị đánh chìm 300 tàu chiến cùng 1.500 hỏa pháo, mất hơn 2.000 binh tướng.

Nữ Hoàng hải tặc nhận chiếu “chiêu an” hoàn lương sau một câu nói

Năm 1810 thủ lĩnh bang cướp biển lớn thứ hai sau Hồng Kỳ là Hắc bang ngỏ ý muốn cầu hôn với Trịnh Nhất Tẩu, nhưng lúc này Trịnh Nhất Tẩu cùng phó tướng là Trương Bảo Tử đã là người tình của nhau nên bà đã từ chối.

Triều đình nhà Thanh đánh lần nào cũng thua lần đó nên tìm cách chiêu an, Hắc Kỳ ra hàng khiến liên minh các bang hội cướp biển bị sứt mẻ

Để chiêu an thành công Hoàng Đế nhà Thanh lúc đó là Gia Khánh nói với Trịnh Nhất Tẩu rằng:

“Nếu có trái tim của một người phụ nữ thì ngày nào đó ngươi sẽ muốn yên bình và nghĩ đến việc sinh con đẻ cái. Bây giờ đã đến lúc đó chưa?”.

Câu nói này đánh thẳng vào trái tim của người phụ nữ khiến Trịnh Nhất Tẩu dao động. Là Nữ Hoàng hải tặc nắm trong tay không biết bao nhiêu là vàng bạc châu báu, xây dựng Đế Chế vũng chắc với thuộc hạ hàng vạn người khiến Trịnh Nhất Tẩu quên mất mình cũng là một phụ nữ, mà một phụ nữ thì cũng cần phải một mái nhà, một gia đình yên ấm, vì thế mà bà muốn nghe theo lời chiêu an của triều đình.

Thế nhưng trong quy định chiêu an bắt buộc kẻ ra hàng phải quỳ xuống chịu tội, mà các hảo hán trong Hồng Kỳ bang xưa nay đều xem thường quan quân nhà Thanh, giờ bảo họ quỳ xuống thì đó là điều không thể. Vì thế Trịnh Nhất Tẩu một mình tay không vào hang cọp, gặp tổng đốc Lưỡng Quảng là Bá Linh để đàm phán.

Cuối cùng cuộc đàm phán thành công, việc quỳ lạy cũng đã có cách giải quyết. Hoàng Đế Gia Khánh ra chiếu thư đồng ý để Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo Tử thành hôn với nhau. Trong lễ cưới Trịnh Nhất Tẩu cùng Trương Bảo Tử quỳ xuống nhận chiếu thành hôn đồng thời với chiếu chiêu an.

Theo chiếu chiêu an thi toàn bộ của cải của Hồng Kỳ bang có được đều được giữ lại mà không phải nộp cho triều đình, 8 vạn cướp biển đều được tha, xóa hết tội mà không bị truy cứu (chỉ 126 tên bị hành quyết và 250 tên bị phạt tù vì những tội ác nghiêm trọng).

Vợ chồng Trịnh NHất Tẩu và Trương Bảo Tử lúc mới nhận chiêu an. Ảnh facebook.com

Vợ chồng Trịnh NHất Tẩu và Trương Bảo Tử lúc mới nhận chiêu an. Ảnh facebook.com

Thế là chỉ một câu nói của Hoàng Đế, Nữ Hoàng hải tặc Trịnh Nhất Tẩu đã hoàn lương, cưới chồng và hết lòng lo cho mái ấm của gia đình mình.

Trương Bảo Tử được phong tam phẩm, sau làm nhị phẩm, nhận chức phó tướng huyện Bành Hồ.

Trong Chiến tranh Nha phiến (1839-1842), Trịnh NHất Tẩu tham gia tích cực, bà làm tham mưu lên kế sách cho Lâm Tắc Từ đối phó thủy quân Anh.

Năm 1844 Trịnh Nhất Tẩu qua đời, thọ 69 tuổi. Cuộc đời ly kỳ của bà được con người ngày nay thêu dệt đủ thứ giai thoại, các đạo diễn cũng đã tận dụng để dựng thành phim.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc