Home » Cổ truyền, Văn hóa » Người dám nói Vua quan nhà Thanh như “ếch ngồi đáy giếng”

Trong lịch sử khoa bảng dân tộc, có một người dù đỗ đầu nhưng lại không được phong Trạng nguyên bởi tính tình cương trực. Dù bị bãi chức nhưng nhiều lần Triều đình bị nhà Thanh bắt bí lại phải nhờ cậy đến ông.

Nguyễn Đăng Cảo sinh năm 1619 ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay thuộc thôn Hoài Bão, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Nguyễn Đăng Cảo

Đền thờ Nguyễn Đăng Cảo. (Ảnh từ báo Bắc Ninh)

Thần đồng từ nhỏ

Ông nổi tiếng thông minh từ tấm bé, được ví là thần đồng. Năm 16 tuổi ông đi chơi và gặp một thuyền buôn, ông xem tấm vải gấm rồi hỏi người chủ giá bán.

Ông chủ vốn biết chữ liền ra vế đố để thử tài: “Hữu nhất thuần cẩm, thượng cầm hạ thú, sắc nhiều toàn thuyền, khang ninh phúc thọ”, (nghĩa là: Có một tấm gấm quý, trên con cầm, dưới con thú, màu huyền sắc đẹp, mạnh khỏe, phúc thọ).

Lúc ấy Đăng Cảo có mang đồng tiền đúc bên người liền đối lại rằng: “Hữu nhất văn tiền, nội phương ngoại viên, diện đế tứ tự, thông bảo khai nguyên”, (nghĩa là: Có một đồng tiền, trong thì vuông, ngoài thì tròn, mặt đề bốn chữ, thông bảo khai nguyên”).

Ông chủ thấy vế đồi thật chuẩn thì vui vẻ tặng luôn cho Đăng Cảo tấm vải quý đó.

Tính khí chính trực, dù đỗ đầu cũng không được công nhận là Trạng nguyên

Năm 1642 Nguyễn Đăng Cảo thi Hương, ở 3 kỳ ở huyện đều đứng đầu, được về tỉnh thi vấn đáp. Thế nhưng các quan ở trường thi thấy Đăng Cảo khi vào chỉ chào mà không cúi lạy thì rất khó chịu, bèn ra những câu hỏi thật hiểm để loại sĩ tử này, thế nhưng lạ thay ông đều trả lời rất trôi chảy.

Theo điều lệ của Triều đình thì chỉ được hỏi 6 câu, nhưng cả 6 câu Đăng Cảo đều trả lời trôi chảy, các quan muốn đánh rớt nên bất chấp quy định tiếp tục hỏi thêm 6 câu nữa, thế nhưng Đăng Cảo lại cũng đều trả lời trôi chảy cả.

Quan Tả Tham chính còn chất vấn hỏi tiếp một câu cắc cớ, Đăng Cảo đáp rằng theo lệ chỉ được hỏi 6 câu, thế nhưng đã hỏi đến 12 câu rồi, câu hỏi này ông biết nhưng không trả lời nữa.

Kỳ thi Hương năm ấy Đăng Cảo đỗ đầu tức Hương Cống

Đến khoa thi năm 1646 dưới thời vua Lê Chân Tông, ông cùng em trai là Nguyễn Đăng Minh đi tham dự kỳ thi Hội và thi Đình. Kết quả thi Hội hai anh em đều đỗ, riêng Đăng Cảo đỗ đầu tức Hội Nguyên.

Vào đến thi Đình thi tại Điện của nhà Vua, Đăng Cảo sức học uyên thâm, văn lý hùng hồn đáng bậc trạng nguyên. nhưng vì triều thần thấy ông là người ương ngạnh, ngang tàng nên dù đỗ đầu nhưng chỉ chấm đỗ đến Thám hoa, khoa thi năm này không có Trạng nguyên và Bảng nhãn. Còn Nguyễn Đăng Minh đỗ thứ 3 tức Đệ tam giáp Tiến sĩ

Đến năm 1659, Nguyễn Đăng Cảo lại đỗ đầu khoa Đông các, được phong Đông các đại học sĩ.

Tuy nhiên Nguyễn Đăng Cảo làm quan thanh liêm, lại thẳng thắn cương trực nên không được lòng Triều đình, sau 3 năm làm quan ông bị bãi chức.

Dù bị bãi chức, nhưng nhiều lần Triều đình gặp khó khăn lại phải tìm Nguyễn Đăng Cảo

Thế nhưng trong quan hệ với nhà Thanh, nhiều lần Triều đình bất lực nên lại phải tìm đến quê của Đăng Cảo nhờ ông giúp đỡ.

Một lần Sứ nhà Thanh sang Đại Việt. Nhưng khi đến Xương Giang thì Sứ thần dừng lại, sai người đưa đến Triều đình một vuông gấm trên vẽ ba nét ngang rất lớn (三)và nói: “Nếu Đại Việt không giải được, sứ đoàn sẽ không vào Thăng Long”.

Triều đình xem không hiểu ý Sứ thần nhà Thanh muốn nói gì, nhưng dù cố gắng Triều đình cũng đành chịu không sao giải được.

Không còn cách nào khác Triều đình đành cho người về Tiên Du quê của Đăng Cảo mời ông về Kinh thành, Đăng Cảo không muốn đi, khi biết chuyện thì nói “cái trò đánh đố chữ nhỏ nhặt ấy có gì ghê gớm đâu”, rồi lấy bút gạch một nét sổ xuống rồi bảo cứ đưa cho Sứ thần.

Sứ nhà Thanh khi nhận được quả nhiên chịu vào Kinh thành Thăng Long. Nhà Vua không sao hiểu nổi vì sao chỉ cần gạch một nét sổ xuống là Sứ thần nhà Thanh vào Kinh thành nên lại cho người đến hỏi.

Đăng Cảo liền đáp rằng: “Ở trong sách kinh dịch tượng có quẻ ‘Càn’ là ba nét ngang (), thêm một nét sổ thì thành chữ ‘Vương’ (). Họ muốn sang phong vương cho vua ta đó thôi”. Cả triều đình nghe ra, vô cùng nể phục Nguyễn Đăng Cảo.

Ví Vua quan nhà Thanh như “ếch ngòi đáy giếng”

Khi Triều đình bị nhà Thanh làm khó, chẳng còn ai khác lại cử Nguyễn Đăng Cảo đi Sứ sang nhà Thanh một chuyến. Khi vừa vào Kinh thành, vua Thanh thấy ông già cả thì nói: “Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền phệ nguyệt” (nghĩa là: Chó già rụng lông thấy trăng còn đứng ra sân mà sủa).

Nguyễn Đăng Cảo liền đối rằng: “Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh để khuy thiên”. Nghĩa là: Ếch con ngắn cổ, cũng dám ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.

Vế đối ngang tàng, ví Triều nhà Thanh không hiểu biết chỉ như ếch ngồi đáy giếng, nhưng lại đối rất chuẩn, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của Sứ thần Đại Việt.

Từ đó vua Thanh không dám coi thường Sứ nước nam nữa mà đón tiếp rất trọng hậu.

Khẳng định nền độc lập cho dân tộc

Năm 1653 đời vua Lê Thần Tông, Sứ nhà Thanh lại mang chiếu chỉ sang cùng 10 vuông gấm, gói các loại mũ xiêm cùng quần áo. Triều đình không hiểu ý nhà Thanh muốn gì, không còn cách nào khác lại phải mời Đăng Cảo về Kinh thành.

Ông xem đồ vật xong liền tâu rằng: Ý của nhà Thanh muốn ta phải theo Thiên triều, phải ăn mặc theo phong tục nhà Thanh, tức phải cắt tóc để đuôi sam.

Ông cũng hiến kế nên trả lại bộ quần áo này và đưa lại cho họ y phục dân tộc Việt để họ thấy ta không chịu chấp nhận. Vua liền cử ông đến biên giới đối phó Sứ thần nhà Thanh.

Ông  chọn gói váy, áo, yếm… trang phục người Việt đưa đến Sứ nhà Thanh, Sứ nhà Thanh xem xong thì hiểu ý phía Đại Việt muốn giữ lại truyền thống ăn mặc của nước mình.

Ông còn làm bài “giải chư hầu” nhằm phản bác những lập luận của nhà Thanh gửi cho Sứ nhà Thanh mang về dâng Vua. Vua Thanh xem xong thì nói rằng: “Địa linh, nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Hạo”. (Đăng Hạo là tên gọi khác của Nguyễn Đăng Cảo).

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Bài liên quan:

>> Dòng họ nổi tiếng Nguyễn Đăng ở làng Bịu

>> Từ chàng trai vượt tường đột nhập dinh phủ của mỹ nữ đến lưỡng quốc trạng nguyên lừng danh sử sách

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc