Home » Cổ truyền, Văn hóa » Người phụ nữ giúp nhà Trần tránh khỏi bị diệt vong sớm

Nhà Trần vốn nổi tiếng là thượng võ và mộ Đạo. Các đời Vua trước đều dùng nền tảng là Phật Pháp để trị vì đất nước, vì thế mà Giang Sơn hùng mạnh, có thể 3 lần đánh bại đội quân hùng mạnh và hiếu chiến nhất lịch sử là quân Nguyên Mông.

Công chúa

Minh họa từ Trí Thức Trẻ

Tuy nhiên từ đời vua Trần Dụ Tông thì không còn niềm tin tín ngưỡng Phật Pháp như các đời trước, không lo giữ gìn đạo đức tinh thần xã hội; bản thân ham mê tửu sắc, xây cung điện, đánh sưu cao thuế nặng khiến dân chúng ca thán.

Nhà Trần suy sụp khiến Hồ Qúy Ly dễ dàng một tay nắm lấy quyền lực và cướp ngôi nhà Trần vào năm 1400. Nhưng sự suy yếu của nhà Trần khiến Triều đại này có thể đã mất từ năm 1370 nếu như không nhờ công lao của một người phụ nữ.

Thiên Ninh công chúa

Thời vua Trần Minh Tông có sinh được công chúa đặt tên là Ngọc Tha (chị của vua Trần Dụ Tông), đến thời vua Trần Dụ Tông năm 1342 thì được Vua phong là Thiên Ninh công chúa.

Sau khi được gả cho Chính Túc Vương Kham, Thiên Ninh công chúa được phong thực ấp ở vùng đất ven sông Luộc với hàng nghìn mẫu ruộng.

Nhận thấy nhà Trần đã bắt đầu suy vi, là người có tầm nhìn xa, Thiên Ninh công chúa tự xây dựng quân đội thành đội gia binh cho riêng mình, phòng khi có biến.

Nhà Trần bị mất

Vua Dụ Tông chỉ ham ăn chơi, không lo lắng cho Xã Tắc, Vua cũng không thể có con nối dõi. Năm 1368 vua Dụ Tông mất nhường ngôi cho cháu của mình là Trần Nhật Lễ – đây là con của Cung Túc vương Trần Nguyên Dục

Chân dung phỏng dựng Dụ Tông. Ảnh wikipedia.org

Chân dung phỏng dựng vua Dụ Tông. Ảnh wikipedia.org

Về xuất thân của Trần Nhật Lễ, trong lịch sử ghi chép rằng, khi Trần Nguyên Dục lấy mẹ của Nhật Lễ thì bà này đang mang thai với người họ Dương và sau này sinh ra Nhật Lễ.

Về chuyện này Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép như sau: Nhật Lễ là “con người phường chèo tên là Dương Khương, mẹ của Nhật Lễ hiệu là Vương mẫu (khi ra làm trò có bản tuồng “Vương mẫu hiến bàn đào”, mẹ Nhật Lễ đóng vai Vương mẫu cho nên gọi thế) đương có thai, Dục ham sắc đẹp lấy làm vợ”. 

“Ngày Vua, vì không có con, xuống chiếu đón Nhật Lễ vào nối đại thống…Ngày 15 (tháng 6 năm Kỷ Dậu), Hiến Từ hoàng thái hậu sai người đón Nhật Lễ lên ngôi”.

Trong Triều đình hầu như không đồng ý Nhật Lễ lên ngôi, vì không phải con ruột của Cung Túc vương Trần Nguyên Dục. Tuy nhiên Hiến Từ thái hậu lại muốn thực hiện đúng theo đúng ý của vua Dụ Tông.

Tuy nhiên sau khi lên ngôi Vua, Trần Nhật Lễ rượu chè bê tha, ham chơi bỏ bê triều chính. Không chỉ thế Nhật Lễ còn muốn lấy lại họ Dương, gọi là Dương Nhật Lễ, khiến nhà Trần nguy cơ bị mất từ đó.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi chép rằng: Nhật Lễ “ngày ngày rượu chè, dâm dật, trăm sự chơi bời, hay bày ra các trò tạp kỹ, thân cận suồng sã với lũ tiểu nhân, muốn đổi lại họ là Dương. Người tôn thất và các quan đều thất vọng”

Thái hậu Hiến Từ rất hối hận vì đã để Nhật Lễ lên ngôi Vua, nên tìm cách thay người khác. Biết chuyện Nhật Lễ bèn hạ độc giết chết ngay Thái hậu ở trong cung.

Sự việc này khiến tôn thất nhà Trần chấn động và tìm cách diệt trừ Nhật Lễ. Tháng 9 (âm lịch) năm 1370 anh của Thiên Ninh công chúa là Cung Tĩnh vương Trần Nguyên Trác cùng con trai và 2 con của công chúa Thiên Ninh làm binh biến. Thế nhưng Nhật Lễ lại thoát được.

Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép như sau: “Đêm hôm ấy, cha con Nguyễn Trác và hai con của công chúa Thiên Ninh đem người tôn thất vào trong thành định giết Nhật Lễ. Nhật Lễ trèo qua tường nép ở dưới cầu mới, mọi người lùng không thấy, rồi tan về. Khi trời gần sáng, Nhật Lễ vào cung, sai người chia đi bắt những người chủ mưu, tổng cộng 18 người. Bọn Nguyễn Trác đều bị giết”

Duy chỉ có Cung Định vương Trần Phủ, hữu tướng quốc Cung Tuyên vương Trần Kính là trốn thoát được

Chiến công giúp nhà Trần tiếp tục được duy trì

Trước nỗi đau mất mẹ, anh trai cùng 2 con, công chúa Thiên Ninh âm thầm tập hợp lực lượng dành lại ngôi cho nhà Trần.

Sau sự kiện lật đổ Nhật Lễ thất bại, bấy giờ nhà Trần đã suy sụp nên quan lại trong triều nhu nhược; các tôn thất nhà Trần thì kẻ sợ hãi giữ im lặng, nhiều người thì sợ hãi mà trốn đi. Công chúa Thiên Ninh quyết tâm khôi phục nhà Trần nên đã ra sức thuyết phục các tôn thất khôi phục lại nhà Trần.

Anh trai Thiên Ninh công chúa là Trần Phủ có con gái được làm Hoàng hậu nên ban đầu không muốn tham gia binh biến, chỉ muốn an thân, nhất là sau cuộc thất bại từ lần trước. Thế nhưng Thiên Ninh công chúa đã thuyết phục được Trần Phủ tham gia cuộc binh biến này.

Sự kiện này Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép như sau: “Mùa đôngtháng 10 (Canh Tuất1370), vua (chỉ Trần Phủ, sau này là vua Trần Nghệ Tông) vì có con gái làm hoàng hậu (của Nhật Lễ), sợ vạ lây đến mình, tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên Vương Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại phủ Thanh Hóa để dấy quân…Trước đây, vua vốn không có ý định làm vua. Công chúa Thiên Ninh bảo: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho!”.

Nhờ có Thiên Ninh công chúa, các tôn thất nhà Trần cùng hợp quân mau chóng, lực lượng ngày càng mạnh.

Bấy giờ Nhật Lễ cũng cho quân truy lùng những tôn thất nhà Trần có mưu phản, nhưng nhờ có người ủng hộ trong Triều báo tin, Thiên Ninh công chúa đều biết trước nên giúp cho quân của các tôn thất nhà Trần tránh được các cuộc truy lùng này.

Tháng 11 (âm lịch) năm 1370 công chúa Thiên Ninh cùng Trần Phủ và Trần Kính đem quân tiến đánh vào kinh thành Thăng Long, bắt được Nhật Lễ. Cung Định Vương Trần Phủ lên ngôi Vua, niên hiệu là Trần Nghệ Tông.

Đến tháng 2 (âm lịch) năm 1371 vua Trần Nghệ Tông đãi yến tiệc ở điện Thiên An, ban thưởng cho những người có công. Thiên Ninh công chúa được cải phong làm Lạng Quốc thái trưởng công chúa, và đổi tên là Quốc Hinh.

Tuy nhiên sau khi giúp được nhà Trần lấy lại được ngôi vị, Thiên Ninh công chúa không màng đến danh lợi, xin về thái ấp ở ẩn.

Nhờ sự quyết đoán và nỗ lực của Thiên Ninh công chúa mà vương triều nhà Trần tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên nhà Trần đã suy sụp, 30 năm sau thì Hồ Qúy Ly làm phản, giết chết 400 tướng lĩnh tôn thất nhà Trần rồi lên ngôi Vua.

Ánh Sáng

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc