Home » Cổ truyền, Văn hóa » Người khiến Sứ nhà Nguyên hống hách bỗng trở nên ôn hòa lịch sự

Dù Đại Việt đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên, nhưng từ năm 1322 nhà Nguyên ỷ vào nước lớn gây tranh chấp xung đột vùng biên giới.

Sự kiện này Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép như sau: “Mùa hạ, người Nguyên tranh chấp biên giới. Sai Hình bộ thượng thư, ty Hành khiển là Doãn Bang Hiến sang Nguyên tranh biện. Hiến mất trên đường đi, vua rất thương tiếc”.

Mộ Nguyễn Trung Ngạn. (Ảnh từ youtube)

Mộ Nguyễn Trung Ngạn. (Ảnh từ youtube)

Người khiến Sứ nhà Nguyên hống hách bỗng trở nên ôn hòa lịch sự

Trong khi vụ việc tranh chấp biên giới chưa được giải quyết thì vào năm 1323 vua nhà Nguyên mất, Dã Tôn Thiết Mộc Nhi lên nối ngôi, ban chiếu thư đến Đại Việt báo tin vui, nhưng vẫn kèm theo một lời nhắc nhở như muốn răn đe: “Mới đây kẻ thú thần ở Chiêm Thành có dâng biểu rằng: “Bọn biên lại của khanh phát binh xâm lấn Chiêm Thành”, ta lấy làm sốt ruột, không hiểu khanh vì cớ gì mà làm như vậy, khiến ta khó mà tin được. Ta làm vua cả thiên hạ, coi chỗ xa cũng như chỗ gần, miễn làm thế nào cho dân yên ổn, có chỗ làm ăn. Nhà ngươi phải thể theo ý ấy mà cấm ngăn chúng nó đừng làm loạn và lo giữ gìn dân sự trong nước, chớ quên lòng trung thuận đã có nhiều đời đối với nước ta. Vậy nay tỏ lời chiếu, phải nên tuân theo”.

Để tạo uy danh nước nước lớn trên bàn ngoại giao, vua Nguyên sai Lại bộ Thượng thư Mã Hợp Mưu và Lễ bộ Lang trung Dương Tông Thụy đi sứ đến Đại Việt. Sứ nhà Nguyên rất nghênh ngang, cưỡi ngựa đến tận cầu Tây Thấu Trì trong khi đó theo quy định thì ai cũng chỉ được phép đi bộ vào.

Các quan được lệnh tiếp sứ dù đã cố thuyết phục suốt từ giờ thìn đến giờ ngọ (khoảng từ 8 giờ đến 12 giờ) nhưng không có kết quả, sứ nhà Nguyên muốn cưỡi ngựa đi thẳng tận vào trong.

Vua phải sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn đến đón, Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: Trung Ngạn lấy lẽ bẻ lại, Hợp Mưu đuối lý, phải xuống ngựa bưng chiếu đi bộ. Vua rất hài lòng”.

Sau đó ở các cuộc tiếp đón Sứ nhà Nguyên không còn nghênh ngang như trước nữa, cuộc hội kiến trở nên suôn sẻ. Vua Trần Minh Tông tặng mỗi Sứ thần nhà Nguyên một bài thơ, khen hai hai ông có lòng thành. Sau đó  Sứ nhà Nguyên là Lễ bộ Lang trung Dương Tông Thụy cũng có bài thơ đáp lại với lời lẽ ôn hòa lịch sự.

Nguyễn Trung Ngạn đã thể hiện tài trí của mình, không chỉ giúp Đại Việt giữ được uy danh của mình, mà còn khiến Sứ giả thiên triều phải nể trọng, giúp cho việc bang giao giữ hai nước tốt đẹp.

Người đứng đầu kinh thành Thăng Long

Nguyễn Trung Ngạn là người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi nay là Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông có hơn 60 năm làm quan trải qua 4 đời vua Trần. Sử sách đánh giá ông là “Người phò tá có công lao tài đức đời Trần” cùng với Trần Quang Khải, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến, Phạm Tông Mại, Trần Nguyên Đán.

Trong cuộc đời làm quan của mình ông có hai lần bị giáng chức do tính cương trực can gián nhà Vua, tuy nhiên sau đó với tài năng của mình ông giải quyết được những vụ việc phức tạp nên lại được Vua thăng chức.

Năm 1342 ông được tin tưởng giao cho trọng trách Đại doãn Kinh sư Thăng Long tức quan đứng đầu kinh thành, và trở thành vị Đại doãn Kinh sư nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử thành Thăng Long. Ở Hà Nội ngày nay còn 7 ngôi đình đền thờ Nguyễn Trung Ngạn. Các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử ngày nay cũng cho rằng ông là người có nhiều công trình tưởng niệm nhất ở Hà Nội.

Ông được người dân Thăng Long tưởng nhớ không chỉ bởi ông là quan đứng đầu kinh thành, mà còn là người liêm khiết, thương yêu dân chúng, làm nhiều điều tốt cho dân, vì vậy mà tiếng thơm muôn thuở.

Ông xét xử các vụ việc, cũng như đưa ra các hình phạt rất công tâm khiến không ai bị oan hay bị xử phạt quá đáng, người dân thời đó ví ông như Bao Công.

Ngôi trường mang tên Nguyễn Trung Ngạn ở Ân Thi. (Ản từ http://baohungyen.vn

Ngôi trường mang tên Nguyễn Trung Ngạn ở Ân Thi. (Ản từ http://baohungyen.vn

Hết lòng vì dân

Khi làm việc ở Thẩm hình viện, ông lập Bình doãn đường để xét xử ngục tụng, có lần ở huyện giải lên một người tên là Đỗ Sinh – nghi phạm giết người cướp 10 lượng vàng. Thế nhưng thấy nghi phạm là người hết sức thật thà, ông nghi ngờ người này bị oan, thế nhưng mọi chứng cớ khi đó đều chứng tỏ nghi phạm chính là hung thủ.

Không để dân bị oan, ông cất công giả làm lái buôn để các nơi điều tra nhưng vẫn không có kết quả, ông mở rộng điều tra cố công tìm hung thủ, cuối cùng cùng tìm ra hung thủ thật sự, nghi phạm Đỗ Sinh được ông thưởng 1 lượng vàng để ăn học.

Khi làm Tào vận sứ lộ Khoái Châu, ông có sáng kiến lập ra các kho Tào thương để chứa thóc tô kịp thời cấp cho dân lúc đói kém. Sáng kiến này được nhà Vua đánh giá cao và xuống chiếu cho các lộ áp dụng

Là một nhà thơ có tài, ông được nhiều người đánh giá rất cao, Phan Huy Chú ca ngợi: “Lời thơ hùng hồn mạnh mẽ, sở đắc nhiều phong cách thơ của Đỗ Thiếu Lăng – tức Đỗ Phủ đời Đường” .

Cố giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có lời nhận xét: “Nguyễn Trung Ngạn cũng là người đầu tiên sáng tạo ra lối lục ngôn thể, mở đường cho thơ lục ngôn thể của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đời sau..”.  

Đánh giá về Nguyễn Trung Ngạn, đại công thần Trần Nguyên Đán (ông ngoại đại thi hào Nguyễn Trãi) đã mô tả rằng:

Sáng rực như sao Bắc Đẩu, cao vòi vọi như núi Thái Sơn

Dân đều ngưỡng mộ Hữu nhị đài”

Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn ở Sài Gòn. (Ảnh từ wikimapia.org)

Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn ở Sài Gòn. (Ảnh từ wikimapia.org)

Tại quê hương Hưng Yên của ông, ngày nay nhiều con đường, công trình, trường học được mang tên ông.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc