Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Việt Nam xử lý hồ sơ Panama thế nào
Có 189 tổ chức và cá nhân người Việt có tên trong hồ sơ Panama, báo chí trong nước đưa tin cần làm rõ vụ việc, thế nhưng giới luật sư thì cho rằng đối với luật ở Việt Nam thì hồ sơ Panama chỉ để tham khảo.

Việt Nam làm rõ Hồ sơ Panama theo cách nào?

Pháp luật cho phép đầu tư ra nước ngoài

Pháp luật Việt Nam cho phép đầu tư ra nước ngoài, nghĩa là có quyền mở công ty và tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Nếu 189 người có tên trong hồ sơ Panama đã mở công ty ở nước ngoài một cách minh bạch, thì tất nhiên họ không có gì phải lo sợ.

Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:

“Nếu mà đã mở hồ sơ theo con đường chính đáng thì các thủ tục rất là bình thường…nhưng mà cho đến nay mới được phát hiện ra thì điều này cũng gây một nghi ngờ nhất định. Bởi lẽ nếu có một hồ sơ chính đáng thì chắc Tổng Cục Thuế phải biết và các cơ quan Nhà nước đặc biệt theo hệ thống ngân hàng phải biết. Nhưng mà cho đến nay mới biết thì tôi cũng không hiểu con đường đó đi từ đâu… Hiện nay chúng tôi cũng chưa dám phát ngôn việc đó là đúng hay không đúng và nguồn tài chính là minh bạch hay không thì chưa thể kết luận được…”

Khi tài liệu mang tên Hồ sơ Panama được công bố lần đầu vào ngày 3/4/2016, chưa có người Việt Nam nào xuất hiện trong danh sách các công ty được thành lập ở các nơi dễ trốn thuế, tức các lãnh thổ mà ở đó các doanh nhân có thể dùng các công ty vỏ bọc để giảm thuế, trốn thuế, hoặc rửa tiền. Hồ sơ Panama là tên gọi tài liệu bị rỏ rỉ từ hãng luật lớn thứ tư trên thế giới Mossack Fonseca, trụ sở chính tại Panama, liên quan đến 215.000 công ty vỏ bọc nước ngoài và hơn 14.000 khách hàng từ khắp nơi trên thế giới.

Hồ sơ Panama công bố đợt đầu đã gây một cơn chấn động thế giới, vì một loạt nhân vật quan trọng ở nhiều nước bị dính vào hồ sơ đen trốn thuế. Bao gồm 143 chính trị gia, trong đó có một số nhà lãnh đạo cấp cao của Argentina, Ukraine, Iceland, Pakistan, nhà vua Saudi Arabia và kể cả ngôi sao bóng đá Argentina Lionel Messi. Họ bị cáo buộc dùng các công ty vỏ bọc để trốn thuế, che giấu tài sản.

Báo điện tử Tuổi trẻ ngày 10/5 đã công khai tên người Việt Nam và công ty trên tài liệu Panama. Cho đến lúc này chính quyền chưa phải xử lý tình huống giả định là tên quan chức Việt Nam, hoặc gia đình họ lộ diện trên Hồ sơ Panama. Trước nghi vấn về vấn đề quan chức tham nhũng rửa tiền qua các công ty ma ở nước ngoài, TS Phạm Chí Dũng chủ tịch Hội nhà báo độc lập từ Saigon nhận định:

“Theo cảm nhận của tôi gần như chắc chắn là phải có, nhưng vấn đề là những người rửa tiền và trốn thuế rất khôn ngoan, họ dùng tên người khác. Lấy kinh nghiệm trốn thuế của quan chức Trung Quốc, có đến 70%-80% rửa tiền ở nước ngoài dưới tên người khác. Còn những trường hợp chính quyền Trung Quốc lần ra được là vì có quan chức khờ khạo đã lấy tên thật. Tôi nghĩ là có thể Hồ sơ Panama có dính tới quan chức Việt Nam, nhưng phải điều tra khá mất công để xem trong số 189 nhân vật được nêu có liên quan, đặc biệt là mối quan hệ kinh tài như thế nào, mối quan hệ gia đình bà con như thế nào đối với quan chức Việt Nam.”

Làm rõ các mối quan hệ kinh doanh

Báo dân Trí điện tử đưa tin, chiều 10/5 Tổng Cục Thuế đã kết thúc cuộc họp gấp về vụ có cá nhân người Việt và công ty xuất hiện trên Hồ sơ Panama. Tờ báo trích lời một thành viên cuộc họp không nêu tên nói rằng, các nghiệp vụ để làm rõ vụ Hồ sơ Panama liên quan đến Việt Nam là khá phức tạp và đòi hỏi sự huy động của cả hệ thống chính trị, từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước.

043_04847415.jpg
Một buổi họp của các cơ quan tài chánh, thuế liên quan đến hồ sơ Panama hôm 10/5/2016 tại Bỉ.

Theo tin này ngành Thuế lo ngại không lần ra đầu mối, nếu như các cá nhân tổ chức vừa nêu không đăng ký mã số thuế tại Việt Nam. Cách làm của cơ quan thuế sẽ là đối chiếu, trích xuất dữ liệu nộp thuế tại Việt Nam. Vẫn theo báo mạng Dân Trí, ngành thuế sẽ phải làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt nam liên kết với những cá nhân, tổ chức nào ở bên ngoài, ở những nơi trốn thuế nào và về điều gọi là tính toán sơ đồ tạo ra thu nhập, tìm ra bản chất của phương thức giao dịch này.

Trong cùng diễn biến liên quan, VnExpress ngày 11/5 đưa tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xúc tiến rà soát dữ liệu chuyển tiền của người Việt trong Hồ sơ Panama. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền cho biết, hiện chưa có thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của 7 công ty và 189 người Việt Nam trong Hồ sơ Panama.

Vẫn theo VnExpress, ngay trong buổi sáng 10/5/2016, một số doanh nhân và công ty Việt Nam đã khẳng định các giao dịch đầu tư ra nước ngoài, mở pháp nhân tại công ty nước ngoài theo Hồ sơ Panama cung cấp là hợp pháp. Tuy vậy VnExpress trích lời ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nói nguyên văn, đây có thể hiểu là một biện pháp tự vệ dễ hiểu của họ, nhưng cũng không thể xác định được là họ vô tội hay vi phạm.

Trong cuộc phỏng vấn của Đài RFA tối ngày 10/5, ngay sau khi hồ sơ Panama phần liên quan đến Việt Nam có thể truy cập được, TS Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ Hà Nội đã giải thích về khái niệm rửa tiền qua các nơi dễ dàng để trốn thuế. Theo TS Lê Đăng Doanh, đó là cách chuyển các thu nhập bất hợp pháp thí dụ như từ tham nhũng ra nước ngoài để đầu tư và chuyển đồng tiền sạch trở về. TS Lê Đăng Doanh nhân mạnh:

“… Đấy là một trong những hình thức cần phải xem xét. Nhưng muốn như vậy thì phải xem thật kỹ hồ sơ đó có chứng minh được đương sự đó có dùng cái công ty tại Panama để chuyển tiền, để lập công ty và hoạt động của công ty đó có điều gì phạm pháp hay không, đó là điều mà chúng ta cần phải xem xét chứ bản thân việc bị nêu tên trong danh sách, thì chúng ta đều biết tất cả mọi người khi bị nêu tên trong hồ sơ Panama đều nói rằng họ vô tội và điều ấy dễ hiểu bởi vì chừng nào không chứng minh được họ phạm tội thì mọi người đều có quyền nói họ vô tội.”

Điểm chính của Hồ sơ Panama là việc các cá nhân và tổ chức ở nhiều nước sử dụng nơi dễ trốn thuế như quần đảo British Virgin Islands, Cayman, Sceychelles và Bermuda để né thuế, trốn thuế hoặc rửa tiền từ thu nhập bất chính. Theo Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, khi đã ví von là thiên đường thuế, thì cách hiểu ở Việt nam hay trên thế giới đều thiên về hành động mang hơi hướm không trong sáng. GS Vũ Văn Hóa tiếp lời:

“Một ‘thiên đường’ thuế, một đất nước có 28.000 dân mà cho tới 89.000 doanh nghiệp đầu tư, rõ ràng chỗ đó là không minh bạch. Nếu mà Việt Nam dính líu đến con đường đó mà không theo con đường chính phủ cho phép, không làm nghĩa vụ tài chính đối với đất nước thì tôi cho rằng đó là bất hợp pháp. Tuy nhiên sự dính líu của 189 người Việt Nam hiện nay chưa có kết luận gì đầu tiên.”

Theo các tài liệu quốc tế, về nguyên tắc việc thiết lập công ty ở nước ngoài để hoạt động ở một quốc gia khác không phạm pháp. Đương nhiên giới kinh doanh lựa chọn những lãnh thổ tối ưu, nhằm đạt mục đích tài chính, luật pháp và được lợi về thuế. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, có đến một nửa tổng lượng giao dịch toàn cầu đi qua các nơi trốn thuế, nơi tồn tại 2 triệu công ty ma, công ty vỏ bọc và khoảng 4.000 ngân hàng đủ loại với lượng tiền khổng lồ lưu giữ ở đó.

Trong bối cảnh như thế, theo giới thạo tin, người Việt Nam tìm đến những nơi dễ trốn thuế là dễ hiểu.

Nam Nguyên

Theo RFA

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc