Home » Xã hội » Lạm quyền và bất lực – Lời nào bào chữa cho sự vô cảm trong xã hội?
Chưa lúc nào, những sự việc liên quan tới quyền hành pháp lại được người dân quan tâm tới nhiều như hiện nay. Người dân vì nỗi lo lạm quyền mà hình thành một tư duy cảnh giác trước mọi quy định về luật. Nhưng lớn hơn thế là nỗi lo về một xã hội suy thoái tình người khi quyền lực được thực thi một cách tràn lan.

>> Những quy định ‘trên trời’ vừa ban hành đã bị phản đối

Cảnh giác

Mới đây, một quy định được đưa ra thảo luận dù đã có hiệu lực thi hành từ hơn 2 năm trước. Theo điểm a, khoản 6, điều 6, nghị định số 171/2013/NĐ-CP, hành vi “sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” sẽ bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng.

Ý kiến thảo luận xoay quanh việc quy định này áp dụng cho trường hợp nào: chỉ phạt trong trường hợp người sử dụng xe máy cố tình để chân chống hay phạt cả đối với trường hợp quên gạt? Theo phân tích của luật sư trên báo Tuổi Trẻ, cụm từ “sử dụng” có thể là để chỉ hành vi cố ý không gạt chống chân, thường thấy ở những đối tượng đua xe cố tình để chân chống cà xuống mặt đường tạo tia lửa, chứ không chỉ để nói về lỗi quên gạt chân chống mà người sử dụng xe máy hay mắc phải.

chan-chong
Hành vi “sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy” sẽ bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng. (Ảnh qua duongbo.vn)

Nhưng ngay cả thế, vẫn có ý kiến cho rằng khi đưa ra thực tế, nếu có hiện tượng CSGT lợi dụng “làm tiền” thì sao?

Đằng sau cuộc thảo luận trước một quy định tưởng như khá rõ về câu chữ này là nỗi lo về lạm quyền và sự bất lực. Chúng không mơ hồ, mà càng lúc càng trở nên rõ ràng.

Liên tục từ đầu năm 2016 tới nay, nhiều thông tư bắt đầu có hiệu lực và các dự thảo thông tư được công bố cho thấy sự bất cập về quyền lực đã và sẽ được thực thi căn cứ trên các văn bản đó. Từ nội dung thông tư CSGT được trưng dụng tài sản, đến dự thảo thông tư về quyền “được ưu tiên” đối với xe của “cán bộ cao cấp” liên quan tới TNGT, từ quy định phạt người đi bộ vi phạm luật lệ giao thông đến quy định ô tô chưa lắp bình cứu hỏa không được đăng kiểm… dù còn ở dạng dự thảo hay đã có hiệu lực, chúng đều có một điểm chung là làm dấy lên nỗi lo trái luật và lạm quyền.

Do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ công luận, dự thảo thông tư cho phép CSGT giải quyết “cho đi nhanh” đối với xe của “cán bộ cao cấp” liên quan tới TNGT hiện đã được thông báo sẽ sửa đổi. Đối với nội dung thông tư cho phép CSGT được trưng dụng tài sản, Bộ Công an nhận sai khi ngày 4/2 phải phát đi Công văn số 525/C67-P9 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ghi rõ lực lượng CSGT chỉ được thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Như vậy, một dự thảo và một thông tư chưa tới ngày có hiệu lực (15/2) đã kịp được chỉnh sửa, bổ sung trước khi chúng có giá trị thực thi trong đời sống. Nhưng trước đó, hai quy định bất hợp lý đã được lực lượng nắm quyền hành pháp áp dụng, dẫn tới nhiều tổn thất cũng như làm lộ những lỗ hổng cho thấy quyền lợi của người dân dường như bị xếp sau quyền lực của một nhóm cá nhân trong xã hội.

Quy định bắt buộc phải có bình cứu hỏa trên xe được ví von giống như “gài bom” trên xe ôtô

Thông tư 57/2015 có hiệu lực từ ngày 6/1/2016 của Bộ Công an quy định ôtô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC). Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi như, trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ hoặc không đồng bộ theo quy định, không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định. Thẩm quyền xử phạt thuộc về lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát PCCC và chủ tịch UBND cấp xã, phường.

Sau khi quy định được công bố và có hiệu lực, liên tiếp hàng chục vụ phát nổ bình cứu hỏa trên xe ôtô xảy ra. Những bình cứu hỏa mới mua 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng đều tự động phát nổ gây ‘chấn động’ tinh thần người dùng, phá hủy nội thất ôtô.

binh-cuu-hoa-no
Một vụ phát nổ bình cứu hỏa mini trên xe ôtô nhãn hiệu Nissan Bluebird của anh Vi Văn S. (Lạng Sơn) ngày 13/2/2016. Toàn bộ kính phía sau bị vỡ vụn. (Nguồn: soha.vn)

Trong khi giới hạn nhiệt độ mà bình cứu hỏa có thể chịu là từ 0 đến 60 độ C, thì mức nhiệt trong xe ô tô đậu giữa trời nắng nóng, không người ngồi có thể đạt đến 70 độ C. Chưa kể tình trạng của xe (xe đời cũ, hệ thống cách nhiệt và tản nhiệt đã hư hại), tình trạng của bình cứu hỏa (bình giả, bình kém chất lượng, hết hạn hoặc có dấu hiệu hư hỏng) và điều kiện đường xá xấu gây rung lắc khi di chuyển… Tất cả những yếu tố trên đều có thể khiến cho bình có thể nổ bất cứ lúc nào.

Ông Phạm Văn Tài – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải nhìn nhận, đối với các loại ôtô ít chỗ ngồi, khi cháy thì việc thoát thân là quan trọng nhất chứ không phải là lo chữa cháy, theo Người Lao động. Thậm chí thông tư trên còn trái với quy chuẩn đăng kiểm Việt Nam tại Thông tư 70/2015/TT-BGTVT ngày 9/11/2015 của Bộ GTVT khi quy định ôtô chưa lắp bình cứu hỏa không được đăng kiểm.

Đến chiều 13/1, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) – Đại tá Đoàn Hữu Thắng cho biết đã hoãn xử phạt lỗi thiếu bình chữa cháy trên xe ôtô. Vậy là một thông tư soạn từ ngày 26/10/2015, có hiệu lực từ ngày 6/1/2016, đã tạm dừng hiệu lực chỉ sau một tuần áp dụng.

Cho thuê không gian đi bộ và phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông

Từ 1/2, Hà Nội chính thức phạt tiền đối với người đi bộ vi phạm luật lệ giao thông. Theo Điều 9 Nghị định 171/2013/NĐ – CP, đối với người đi bộ không tuân thủ luật giao thông như đi không đúng làn đường, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường… áp dụng mức xử phạt từ 50.000 đồng đến 120.000 đồng.

Trên thực tế, nghị định này đã có hiệu lực từ 2 năm trước. Trao đổi với Vnexpress, thượng úy Nguyễn Minh Đức – Đội phó Đội CSGT số 1 cho biết vì ít bị xử lý nên người đi bộ vi phạm ngày càng nhiều, do đó, đội CSGT “tăng cường xử lý những người vi phạm nhằm răn đe và giúp người dân chấp hành tốt Luật giao thông”.

vach-son
Anh Đỗ Văn Quỳnh (Hưng Yên) làm nghề đánh giày bị CSGT lập biên bản xử phạt khi băng qua đường không đúng vạch sơn, ngày 1/2/2016. (Nguồn: vnexpress.net)

Liền sau đó, những con số thống kê số vụ tai nạn do người đi bộ sang đường phạm luật được đưa ra. Theo thống kê của Phòng CSGT – Công an TP, trong năm 2015, tại Hà Nội xảy ra 1.696 vụ TNGT, trong đó 112 vụ liên quan người đi bộ, 33 vụ do người đi bộ gây ra. Năm 2013 có 80 người, năm 2014 có 92 người và năm 2015 có tới 102 người chết vì đi bộ không chấp hành các quy định của Luật GTĐB.

Thế nhưng, trước đó, tháng 11/2015, Quốc hội thông qua Luật Thuế và Lệ phí cho phép thu phí sử dụng lòng đường, hè phố, dù nhiều đại biểu cho rằng việc thu loại phí này là phản văn minh, dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm thu của phường, quận, tiếp tục dẫn đến tình trạng lấn chiếm không gian đi bộ, gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự. Truyền thông phản ánh, tháng 12/2013, những hàng quán kinh doanh trên vỉa hè đóng “thuế” cho “bảo kê” sau đó mua bán, sang nhượng hay cho thuê chỗ ngồi với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Người đi bộ sai phần đường vẫn bị phạt, những vấn đề liên quan như cầu vượt bị bỏ hoang, đèn ưu tiên sang đường không sử dụng được… khiến người đi bộ mất an toàn khi tham gia giao thông thì không được nhắc đến.

Sau hơn 2 tuần thực hiện việc xử phạt, Phòng CSGT CATP Hà Nội công bố tính đến ngày 17/2 đã xử lý 423 trường hợp người đi bộ vi phạm quy định về giao thông. Nhưng sau “đợt tăng cường” xử phạt lại rơi vào im lặng, và tất cả lại diễn ra y như cũ.

o-to
Xe ôtô đỗ thành dãy dài tràn xuống lòng đường trên phố Quang Trung, tháng 2/2016. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Những người bị xử phạt đầu tiên là mấy người đánh giày, học sinh qua đường, người già đi tập thể dục… – những người dường như yếu ớt để có sức lập luận phản kháng. Trong khi đó, hàng quán vỉa hè, chiếm vỉa hè, tràn xuống lòng đường đẩy người đi bộ đi ra giữa đường vẫn ngổn ngang. Ngay dưới gầm cầu Long Biên, Đội CSGT số 1 vẫn chiếm dụng một góc đường làm bãi đỗ và trông giữ xe. Phía trước trụ sở Công an phường Hàng Bạc, xe vẫn xếp thành dãy, choán gọn vỉa hè. Và còn nhiều nữa những sai phạm từ gốc được dung dưỡng để giới chức thu lợi ngoài luồng, trong khi kiểu dùng luật để thị uy như trên vẫn được tô màu mẫn cán.

Chỉnh đốn lại thói quen vi phạm luật của người tham gia giao thông là điều cần thiết. Nhưng chỉnh đốn không phải là thị uy. Dùng luật để chỉnh sửa hành vi khác với việc đẩy người ta vào tình cảnh đã rồi để phạt. “Cắt” vỉa hè ra “bán” thì vỉa hè ở đâu để tạo thói quen đi bộ đúng làn cho người đi đường?

lan-chiem-long-duong
Người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường, hình ảnh trên phố Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, tháng 3/2016. (Ảnh: atgt.vn)

Lời nào bào chữa cho sự vô cảm trong xã hội?

Những văn bản dưới luật xa rời thực tiễn như thế vẫn được ban hành, khi được áp dụng ảnh hưởng đến đời sống người dân. Khi sự bất hợp lý đã trở nên quá rõ ràng thì liền sau là một vài phát ngôn sẽ tiếp nhận góp ý, hoãn thực thi, hay người soạn thảo chưa có điều kiện thăm dò tình hình thực tế của xã hội trong nước.

Sự “tự do” của những văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) khiến chữ “lạm quyền” liên tục được nhắc đến trong các bài phân tích báo chí. Một xã hội được quản lý bằng những thứ quyền lực vô lý, thì xã hội đó sẽ dần biến thành gì? Nếu không có những tiếng nói phản biện, chẳng phải đó là một sự kiểm soát tinh thần tràn lan dựa trên việc biến sai thành đúng, biến vô lý thành có lý hay sao?

di-cham
Trách nhiệm xã hội không tới từ đâu xa, chúng đến từ sự thành tâm lo lắng cho an nguy của những người xung quanh. Hình ảnh một du khách nước ngoài cố gắng ra hiệu cảnh báo và yêu cầu mọi người đi chậm lại trên phố Tạ Hiện (Hà Nội).

Nỗi lo lạm quyền khiến người dân dần hình thành một tư duy cảnh giác trước mọi quy định. Bởi vậy, mới có câu chuyện đi phân tích vào từng chữ trong nghị định đã có hiệu lực từ 2 năm trước như trên. Người dân không bất lực, tiếng nói của công luận vẫn khiến những quy định vô lý phải dừng hiệu lực. Nhưng tới chừng nào người dân tìm thấy sự tôn trọng đối với tiếng nói của mình, không chỉ trước những văn bản sau luật, mà đối với văn bản luật, với nhóm giới lập pháp, thì câu chuyện lạm quyền và sự bất lực mới có lối rẽ. Tới chừng nào người làm luật và thực thi luật coi cuộc sống của chính mình là nằm chung trong cuộc sống của hơn 90 triệu người, thì câu chuyện về trách nhiệm xã hội mới có đáp án.

Những quy định không phù hợp trên làm trầm trọng hơn câu chuyện về một xã hội mất niềm tin. Khi mà tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu không chỉ dừng lại ở phạm vi một vài cá nhân mà hiện hữu thành quy định, thì cái sai, cái xấu ấy đang dần bị biến thành điều đương nhiên trong xã hội này. Như câu chuyện cái sai lâu ngày thành cái đúng, hoặc, người ta sẽ dần không phân biệt được đúng sai, hoặc sẽ vì cảnh giác mà dần trở nên nghi ngờ ngay cả đối với những điều thiện, điều đúng mà lẽ ra nên lên tiếng trong xã hội này. Khi đã mất niềm tin vào những điều tốt đẹp trong xã hội dễ dẫn đến sự vô vô cảm, nghi kỵ và cảnh giác lẫn nhau.

Phan A

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc