Home » Văn hóa » Biết xin lỗi, vừa văn hóa lại vừa tốt lành
Vâng, có thể nhận lỗi, xin lỗi, đó cũng là nét văn hóa, không những thế còn có thể hóa giải hận thù, xua tan bực tức, quả thực là điều tốt lành.

Không gì tốt đẹp hơn khi chúng ta biết “dĩ hòa vi quý”. Nếu một bên “cương” thì bên còn lại phải biết “nhu”. Thế thì mâu thuẫn mới không có cơ hội bùng lên thành bạo lực!

Một hôm tình cờ đi trên đường, tôi đã bắt gặp một thanh niên trẻ tuổi. Cậu ta chỉ vô tình chạm nhẹ vào bờ vai một người đàn ông trung niên. Vậy mà ngay sau đó, cậu đã vội vàng quay người lại, xin lỗi và nở một nụ cười thân thiện trên môi.

Tôi chợt thấy ấm lòng vì thái độ và hành động xin lỗi của người thanh niên đó. Hành động nhỏ bé mà ý nghĩa của của cậu ấy rất cần được nhân rộng trong cuộc sống hối hả gần như “tuyệt chủng” văn hóa xin lỗi này.

Thực tế là hai tiếng “Xin lỗi” ngày càng ít được sử dụng hơn. Nó như một từ “đại kị” của những người nghĩ mình không bao giờ sai. Phải chăng nhiều người lo sợ khi thốt ra những lời xin lỗi, tầm vóc mình sẽ nhỏ bé hơn và vô hình chung tự nhận mình là người thua thiệt?

Xin lỗi cũng là văn hóa! - Ảnh 1

Giá mà người ta biết ‘‘xin lỗi’’ thì đã chẳng xảy ra những vụ ẩu đả. Ảnh: Dân Việt.

Bài học về chữ “Nhẫn”, đạo lí “Tương thân tương ái”, phương châm sống“Một sự nhịn chín sự lành” mà ông cha ta đã đúc rút từ ngàn xưa nay dường như bốc hơi đâu mất.

Thay vào những đạo lý đầy nhân nghĩa đó lại là những cái “tôi” khổng lồ, là những con người luôn “nóng tính”, “nóng mặt”, là cách cư xử bằng nắm đấm đầy bạo lực!

Có thể thấy, dạo gần đây, báo chí nói rất nhiều về những vụ xô xát rất đáng tiếc. Thậm chí người ta sẵn sàng truy sát, chém giết, thanh toán lẫn nhau chỉ vì những va quẹt nhỏ trên đường mà chẳng ai biết đến hai chữ: Xin lỗi!

Đơn cử như dịp Tết Bính Thân vừa qua, số người nhập viện do ẩu đả tăng cao đã gióng một hồi chuông báo động về văn hóa cư xử giữa người và người.

Giá mà lúc mâu thuẫn mới nảy sinh, ta biết kiềm chế cơn nóng giận, biết vị tha, sẵn sàng bỏ qua cho nhau thì chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ có những bi kịch đau lòng ấy. Có lẽ, không gì tốt đẹp hơn khi hai bên cùng “dĩ hòa vi quý”. Một bên đã “cương” thì bên còn lại phải biết “nhu”. Làm được như vậy thì chắc chắn việc mâu thuẫn sẽ chẳng có dịp bùng lên thành bạo lực!

Nhân vô thập toàn, chẳng có ai sinh ra là toàn diện, hoàn hảo và không bao giờ mắc lỗi. Đôi khi, lỗi lầm không hề quan trọng, quan trọng là ở việc chúng ta nhận thức được mình sai ở đâu, sai thế nào và biết thành khẩn nhận lỗi.

Theo nguoiduatin

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc