Home » Xã hội » Người mang quan tài lên đường cao tốc: “Chúng tôi chết đói đến nơi rồi…”
Luật sở hữu đất đai như hiện nay khiến người dân không được bảo vệ, và họ phải tìm mọi cách để tự bảo vệ tài sàn của mình, khiến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền vẫn kéo dài.
Sau 2 lần làm việc, anh Đoàn Văn Tịnh vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Ảnh chụp ngày 10/11. (Ảnh: nld.com.vn)

Sau 2 lần làm việc, anh Đoàn Văn Tịnh vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Ảnh chụp ngày 10/11. (Ảnh: nld.com.vn)

“Ba tôi đang bệnh rất nặng, mảnh đất đó là cả gia tài. Chúng tôi chết đói đến nơi rồi, sao chính quyền mãi không chịu giải quyết”.

Cho rằng xã đã sai khi chứng nhận đất của anh Đoàn Văn Tịnh (SN 1974, ngụ thôn Trà Lang, xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ) là không có tranh chấp và thuộc quyền sử dụng của gia đình, chính quyền TP Tam Kỳ (Quảng Nam) vẫn chưa giải quyết đền bù như đã hứa cách đây gần một tháng.

Tin trước: Vụ “người dân mang quan tài lên đường cao tốc”: Chính quyền hứa trả tiền trong tháng 11

Ngày 5/12, UBND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã có buổi làm việc với anh Đoàn Văn Tịnh để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng sau khi anh tiếp tục gửi đơn kêu cứu lên chính quyền để được chi trả, theo báo Vnexpress đưa tin.

Anh Tịnh là người đã cùng nhiều hộ dân xã Tam Ngọc mang quan tài lên đường cao tốc để phản đối chuyện đền bù giải phóng mặt bằng mà chính quyền đã thất hẹn nhiều lần, vào tháng 11 vừa qua.

Tại buổi đối thoại ngày 11/11, ông Nguyễn Ngọc Trai – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất (đơn vị làm công tác bồi thường) đã trực tiếp xin lỗi anh Tịnh đồng thời hứa sẽ giải quyết, chi trả gấp tiền đền bù vào ngày 12/11. Tuy nhiên, gần một tháng trôi qua, sự việc vẫn chưa được thực hiện như đã hứa.

tam-ky
Ngày 10/11, ông Trần Nam Hưng – Phó bí thư Thành ủy Tam Kỳ hứa sẽ chi trả tiền cho ông Tịnh trong tháng 11. Tới nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. (Ảnh: nld.com.vn)

Lý giải về việc này, Phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ – ông Bùi Ngọc Ảnh cho rằng mảnh đất trên có 4 hộ dân khác đang tranh chấp, nên chưa thể giải quyết.

Phản ứng về việc này, anh Tịnh đã đưa ra bằng chứng là giấy chứng nhận của xã Tam Ngọc, đồng thời hỏi tại sao xã Tam Ngọc đã chứng nhận đất này không có tranh chấp và thuộc quyền sử dụng của gia đình ông nhưng nay lại nói có 4 hộ tranh chấp. Ông Ảnh cho hay, chính quyền xã Tam Ngọc đã làm sai quy trình khi đo đạc và cấp chứng nhận sử dụng đất cho ông Tịnh.

“Người dân nói là đúng, bởi có xác nhận của xã. Xã đóng dấu đỏ thì dân tin là đúng. Quá trình kiểm tra, việc xác minh nguồn gốc đất làm không chính xác, cán bộ xã phải chịu trách nhiệm. Sau khi xảy ra sự việc thành phố đi kiểm tra thấy việc xác nhận nguồn gốc đất không đúng thì có quyền bác xác nhận của xã Tam Ngọc trước đó vì đã làm không đúng quy trình”, báo Người Lao Động dẫn lời ông Ảnh.

“Mặc dù xã đã chứng nhận nhưng thành phố là cấp trên, có quyền bác bỏ chứng nhận đó”, ông Ảnh nói.

Theo thông tin trên báo Vnexpress, buổi làm việc phải kết thúc sớm khi anh Tịnh và một số viên chức mất bình tĩnh, lớn tiếng qua lại. “Tôi sẽ kiện ra tòa”, anh Tịnh nói lớn trước khi rời khỏi phòng.

Theo anh Tịnh, ngày 22/11/2011, gia đình anh nhận được thông báo của UBND TP Tam Kỳ về việc kiểm tra đất để lập hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Qua kê khai và đo đạc, mảnh đất được xác nhận có diện tích 2.015 m2, chứng nhận đây là đất sử dụng ổn định, không tranh chấp từ trước ngày 1/7/2004.

Tại thời điểm này, nhân viên làm công tác đền bù xác định mảnh đất này trước đây là mương thủy lợi nên chỉ đền bù hoa màu trên hơn 1.000 m2 đất mà đường cao tốc chỉ đi qua. Hộ anh Tịnh đồng ý nhận số tiền bồi thường hơn 40 triệu đồng.

Một thời gian sau, anh Tịnh làm đơn khiếu nại vì biết được theo quy định, mảnh đất của gia đình phải được đền bù chứ không chỉ bồi thường hoa màu trên đất, vì gia đình đã khai hoang trước thời điểm 1/7/2004.

“Sau khi kiểm tra lại, chúng tôi mới biết đất này hộ anh Tịnh khai hoang hơn 10 năm trước. Theo quy định không còn thuộc sở hữu của chính quyền, người dân được nhận tiền đền bù”, báo Vnexpress dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Trai.

Đồng thời, anh Tịnh cũng yêu cầu đền bù phần diện tích còn lại. Vì theo anh, trên phần đất tuyến đường không đi qua nhưng hoa màu, cây cối vẫn bị tàn phá, ảnh hưởng trong quá trình thi công.

Ngoài trường hợp của anh Tịnh, nhiều hộ dân khác trong xã cũng thắc mắc về việc đền bù, bồi thường. Sau nhiều lần không được giải quyết, sáng 10/11, anh Tịnh đã mặc áo tang, cùng hàng chục người dân khiêng quan tài lên đường cao tốc đang thi công, ‘gây áp lực’ yêu cầu chính quyền trả tiền.

Theo thông tin trên báo Vnexpress, anh Tịnh nói lớn tại buổi làm việc hôm 5/12: “Ba tôi đang bệnh rất nặng, mảnh đất đó là cả gia tài. Chúng tôi chết đói đến nơi rồi, sao chính quyền mãi không chịu giải quyết”.

Phan A tổng hợp

Theo daikynguyenvn.com

https://daikynguyenvn.com/viet-nam/nguoi-mang-quan-tai-len-duong-cao-toc-chung-toi-chet-doi-den-noi-roi.html

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc