Home » Xã hội » Chuyện cô học trò nhỏ mê sáng chế
Cô học trò nhỏ mang tên giống con trai Nguyễn Lê Hoàng Vương đã có một bộ các sản phẩm nghiên cứu khoa học ứng dụng do chính tay cô bé làm.

Cô học trò dành dụm tiền học bổng làm sáng chế

Trong lần thử nghiệm đầu tiên cho sản phẩm bàn là sạc điện, Nguyễn Lê Hoàng Vương đã lấy áo sơ mi của ba ra thử nghiệm và ngay lập tức làm… cháy áo. Đó là một trong những thất bại nhớ đời của cô học trò nhỏ trước khi hoàn chỉnh sản phẩm có tính ứng dụng cao của mình…

 Học sinh trường THPT chuyên Long An (tỉnh Long An) không chỉ biết đến cô học trò nhỏ có cái tên rất con trai – Nguyễn Lê Hoàng Vương (lớp 12T) bởi thành tích học tập đáng nể, mà còn bởi em sở hữu một “bộ sưu tập” các sản phẩm nghiên cứu khoa học đồ sộ. Khi mới là học sinh lớp 5, Vương đã có sản phẩm nghiên cứu đầu tay với đề tài “Nước chín sạch an toàn cho chúng em”, đạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo khoa học thanh thiếu niên toàn tỉnh. Từ đó, năm học nào Vương cũng có sản phẩm tham gia cuộc thi cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Đề tài nghiên cứu “Bàn là sạc điện cảm ứng điện từ đốt nóng bằng dòng điện Fu-cô (Foucault)” của Vương mới đây nhất đã xuất sắc giành được giải 3 tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc và được hội đồng giám khảo đánh giá rất tốt. Để có được thành công đó, ít ai biết rằng Vương đã tự mình dành dụm số tiền học bổng 2 năm học lớp 10 và 11 của trường để lấy làm kinh phí thực hiện.

Mỗi lần nhận được những suất học bổng khuyến khích học tập là em đều giữ lại để lấy làm kinh phí cho đề tài mà em ấp ủ từ lâu”- cô học trò nhỏ chia sẻ.

sang-che
Cô học trò mê sáng chế Nguyễn Lê Hoàng Vương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nói về niềm đam mê với khoa học của mình, Vương kể: “Cuộc sống cần có sự sáng tạo và những cải tiến thì sẽ luôn tốt hơn. Với em, khi đã bước vào con đường nghiên cứu khoa học là phải biết chấp nhận thất bại, biết vượt qua khó khăn. Đây là đề tài mà em đã tự bỏ kinh phí của mình ra để thực hiện, qua đó rèn luyện đức tính tự lập trong làm khoa học”.

Lúc mới trình bày ý tưởng với bạn bè, Vương gặp rất nhiều sự phản đối. Bạn bè khuyên Vương dừng đề tài vì hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bàn là có chất lượng cao. Nếu sản phẩm của Vương có thành công đi nữa liệu có cạnh tranh được với các sản phẩm ngoài thị trường không? Băn khoăn với những lời khuyên từ phía bạn bè, Vương đã mất thời gian nhiều tháng lưỡng lự, phân vân. Nhưng đến giờ phút cuối vào thời gian đăng ký sản phẩm dự thi cấp tỉnh, Vương vẫn kiên quyết với ý định ban đầu của mình.

Quá trình thực hiện của Vương hoàn toàn độc lập, không hề có thầy cô hướng dẫn. Các thầy cô trong tổ Vật lý chỉ cung cấp cho em tài liệu lý thuyết để em lấy cơ sở thực hiện.

Trong 6 tháng trời, mỗi khi không có giờ học chính khóa, Vương hầu như “đóng đô” ở phòng thí nghiệm vật lý của trường. Vương cặm cụi với các thiết bị điện làm thí nghiệm nhiều đến mức các thầy cô, bạn bè tìm em là tới phòng thí nghiệm.

Kể về những khó khăn phải trải qua, Vương cho biết: “Có những thí nghiệm thất bại, em phải làm đi làm lại đến hàng chục lần. Số tiền để dành làm kinh phí thực hiện thí nghiệm cũng “bay” luôn theo những lần thất bại đó. Thật may mắn là ba mẹ luôn ở bên cạnh động viên em và hỗ trợ thêm kinh phí cho em mua thiết bị thực hiện. Vì điều đó mà em không bao giờ nản chí, quyết tâm thực hiện thành công”.

Sau nhiều tháng “nếm mật nằm gai” ở phòng thí nghiệm vật lý, sản phẩm bàn là sạc điện cảm ứng điện từ đốt nóng bằng dòng điện Phu-cô của Vương cuối cùng cũng hoàn thành.

Sản phẩm này sử dụng kiến thức trong chương trình Vật lý lớp 11 về ứng dụng hiện tượng cảm ứng điện từ để phát sinh dòng điện Phu-cô trong vật dẫn kim loại, làm nóng vật dẩn kim loại rất nhanh mà tiêu tốn rất ít năng lượng điện.

sang-che-2

Bàn là sạc điện cảm ứng điện từ đốt nóng bằng dòng điện Phu-cô của Hoàng Vương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mô hình bàn là của Vương gồm các cọc sắt hàn dính với mặt ủi của bàn là (bàn ủi). Khối kim loại nếu được đặt trong một từ trường biến đổi có từ thông biến thiên (được tạo ra bởi một cuộn dây đồng có dòng điện xoay chiều đi qua) sẽ phát sinh ra hiện tượng cảm ứng điện từ trong vật dẫn kim loại đặc. Từ đó, làm sản sinh dòng điện xoáy phu-cô khiến các khối kim loại nóng lên, truyền nhiệt cho mặt bàn là, đạt tới nhiệt lượng ủi thẳng quần áo.

Sản phẩm này có 2 ưu điểm chính: Bàn là sạc có thể tiện dụng mọi lúc mọi nơi, không lo ngại cúp điện. Bàn là sạc dùng năng lượng điện của bình acquy hoặc pin điện sạc Li-ion, do đó không gây nguy hiểm như điện giật nếu có chập mạch như các bàn là thông thường khác.

giai-thuong

Bộ sưu tập các giải thưởng trong lĩnh vực khoa học như là phần thưởng cho những cố gắng không mệt mỏi của em. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Sau khi làm mô hình thành công, em bắt đầu tiến hành sử dụng sản phẩm của mình. Do lần đầu thử nghiệm, độ nóng của đế bàn là quá lớn nên em lỡ làm cháy mất chiếc áo sơ mi của ba. Đến giờ ăn cơm em mới thú thật với ba và hứa là nếu dự thi có giải em sẽ mua lại cái áo khác. Ba chỉ cười và động viên, con gái yêu khoa học như vậy là ba vui rồi” – Vương kể.

Hà Thế An
Theo khampha.vn
Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc