Home » Xã hội » Chính quyền không công nhận đã chết vì còn nợ 1,7 triêu đồng
Người dân ở thôn Chùa, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang bàn tán về việc bà Nguyễn Thị Lê vừa mất, nhưng chính quyền không chứng tử cũng như các thủ tục mai tang, lý do là người đàn bà bị tàn tật này còn thiếu chính quyền địa phương 1,7 triệu đồng chưa đóng đủ.

Theo thủ tục thì khi người dân qua đời, chính quyền địa phương sẽ làm giấy chứng tử, phát loa thông báo cho người dân biết tin, gia đình người đã mất cũng được chính quyền hỗ trợ cho mượn xe tang, kèn trống để tiễn đưa người đã khuất.

Thế nhưng khi bà Lê mất, chính quyền địa phương đã không hỗ trợ cũng như làm bất kỳ thủ tục nào cả, lý do là bà đang còn nợ 1,7 triệu đồng gồm: nợ thuế đất nông nghiệp, tiền đóng góp an ninh quốc phòng, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quỹ bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, hội xuân…

Ông Nguyễn Văn Nam (anh trai bà Lê) cho rằng việc bắt bà Lê phải đóng những khoản tiền này là trái quy định, vì bà Lê là người tàn tật, lại thuộc hộ nghèo, theo quy định thì không phải đóng các khoản tiền này

Ông Nam cho báo Lao Động Thủ Đô biết: “Có lẽ chẳng nơi đâu lại có chuyện như vậy. Em gái tôi bị tàn tật từ nhỏ, thuộc hộ nghèo, lại ở cùng hai người em cũng bị tàn tật. Ấy vậy mà khi qua đời, chính quyền địa phương lại “bỏ rơi” như thế. Việc này không chỉ đi ngược lại với đạo lý làm người mà còn vi phạm pháp luật. Là người tàn tật, thuộc hộ nghèo được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước, nhưng không hiểu lý do gì, mặc dù đã có văn bản của tỉnh, của huyện về việc cấp cho em gái tôi mảnh đất để sinh sống, nuôi hai đứa em bị tật nguyền, nhưng qua nhiều năm, với nhiều văn bản của cấp trên, UBND xã vẫn không thực hiện. Đến khi em gái tôi qua đời, chính quyền thôn cũng không cho nó được chết như người khác chỉ vì một khoản nợ vô cùng vô lý, trái quy định…”

Gia đình bà Lê đang trao đổi với phóng viên. Ảnh laodongthudo

Gia đình bà Lê đang trao đổi với phóng viên. Ảnh laodongthudo

Về sự việc này trưởng thôn Chùa là ông Nguyễn Văn Khúc cho báo Lao Động Thủ Đô biết: “ Gia đình tôi và gia đình bà Lê có quan hệ họ hàng rất gần. Việc này cũng làm tôi mất ngủ và suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, nếu không làm thế thì người dân có ý kiến. Trước khi làm, tôi đã hỏi ý kiến của lãnh đạo cấp trên, họp ‘chi bộ’ thôn và căn cứ vào hương ước của làng. Bà Lê bị tàn tật, thuộc hộ nghèo đã nhận được hỗ trợ của nhà nước, còn nghĩa vụ đóng góp với địa phương, xã hội thì vẫn phải làm. Tổng số tiền bà Lê chưa đóng góp, còn nợ là 1.716.000 đồng. Ở thôn có 11 hộ nghèo cũng đều phải đóng góp đầy đủ những khoản thu ấy…”.

Thế là đám tang của người đàn bà tàn tật này thật đặc biệt, câm lặng không kèn không trống, cũng không được thông báo cho bà con lối xóm.

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, người nghèo và người thất nghiệp đều được hưởng chế độ phúc lợi rất tốt, đặc biệt người tàn tật không phải đóng một khoản tiền nào. Ở Mỹ một người tàn tật được chính quyền trả tiền thuê 2 người đến tận nhà chăm sóc đầy đủ, nếu không đủ người để thuê thì chính quyền sẽ trả tiền đủ nuôi 2 người trong gia đình để họ chăm sóc riêng cho người tàn tật.

Sự việc của bà Lê, phóng viên Báo Đất Việt tìm hiểu và cho biết: Có người bảo rằng lệnh gửi xuống, thôn phải thu cho đủ, thu không đủ thì các quan chức của thôn “mất thành tích, mất thi đua”.

Vậy thế là ngay cả khi người ta chết rồi, chỉ một số tiền nhỏ nhoi 1,7 triệu cũng không tha.

Ngọn Hải Đăng  

Theo daikynguyenvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc