Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Đầu năm học mới: Giáo dục thừa các loại phí nhưng thiếu chất lượng
Bắt đầu năm học 2015 – 2016, rất nhiều gia đình đã phát hoảng khi nhận số tiền phải đóng cho con em mình, trong đó tiền bảo hiểm y tế (BHYT) tăng gần gấp đôi. Các sinh viên vào đầu năm học cũng hoa mắt không nhớ hết các loại phí

Áp lực tiền BHYT

Ngay từ đầu năm học mới, nhiều phụ huynh bất ngờ khi học sinh gửi về nhà giấy thông báo đóng số tiền BHYT lên đến 543.700 đồng, số tiền này tăng gần gấp đôi so với những năm trước.

Nhiều gia đình nghèo khó phải nuôi hai trẻ đi học, thì riêng tiền BHYT đã hơn 1 triệu đồng, chưa kể còn phải đóng các khoản khác.

Bà Trần Thị Ngọc Ánh ở quận Phú Nhuận Sài Gòn chia sẻ khó khăn của mình trên báo Tuổi Trẻ: Hai con gái của tôi năm nay vào lớp 2 và lớp 12, vừa rồi tôi đã đóng BHYT cho hai con hơn 1 triệu đồng.

Thu nhập của cả gia đình chật vật vì chỉ trông nhờ vào xe bán bún, vì vậy số tiền bỏ ra đóng BHYT cho hai con là một gánh nặng, rồi mấy bữa nữa còn tiền học phí, tiền học thêm, sách vở, chưa kể tiền thuê nhà trọ của cả nhà là 3 triệu đồng/tháng…

Năm ngoái, nhà trường thông báo tiền đóng BHYT hai đứa tổng cộng khoảng 700.000 đồng nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi đã làm đơn miễn đóng. Năm nay, tôi lo không mua BHYT lỡ có chuyện gì xảy ra nên bấm bụng mua.

Tôi không hiểu tại sao mức đóng lại cao như vậy. Những gia đình khác khó khăn hơn có lẽ khó mà xoay xở mua được. Tiền BHYT năm nay tính ra cũng gần bằng tiền học một học kỳ.

Lúc tôi đóng, thấy nhiều phụ huynh khác cũng than trời. Nhà nước nên xem xét lại mức đóng BHYT cho hợp lý hơn.

tien-hoc

Tiền BHYT tăng gần gấp đôi khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Ảnh: Nguyễn Loan- vnexpress

Các trường công lập tiểu học ở Hà Nội hiện nay mức học phí là 40.000 đồng/tháng, một năm học là 400.000 đồng. Như vậy với mức đóng BHYT này đã cao hơn cả học phí, nhiều giáo viên cho rằng đây chính là nghịch lý

Lý giải cho việc tăng số tiền BHYT này, ông Đỗ Minh Hoàng – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho vnexpress biết: Nguyên nhân tăng phí này là do năm học đầu tiên thành phố thực hiện BHYT đối với học sinh, sinh viên theo Luật BHYT sửa đổi. Theo đó, mức đóng này bằng 4,5% lương cơ sở (1.150.000 đồng) thay vì 3% như những năm trước. Trong đó, học sinh sinh viên đóng 70%, ngân sách nhà nước chi 30%.

Hơn nữa, do đóng theo thời hạn trong năm (đến hết năm 2016) nên học sinh sẽ đóng BHYT cho 15 tháng, tính từ tháng 10 năm nay đến 12/2016, vì vậy số tiền tăng lên.

Việc thu phí BHYT đã được Phó Chủ tịch UBND TPHCM là Hứa Ngọc Thuận ký công văn chuyển đi các nơi, theo đó giao chỉ tiêu đến từng trường học cũng như cơ sở giáo dục phải hoàn thành 100% thu tiền BHYT của sinh viên học sinh.

Nhiều phụ huynh cho rằng do nhà trường bắt đóng BHYT nên buộc phải đóng, chứ không mấy khi khám bảo hiểm, bởi khám bảo hiểm rất qua loa nên không tin tưởng được, mặt khác đi khám bảo hiểm cũng bị phân biệt đối xử.

Nhiều trường học giáo viên phải cố gắng giải thích vì sao tiền BHYT năm nay tăng, và phải vất vả cố thu cho đủ 100% chỉ tiêu đặt ra. Một bên phụ huynh học sinh chất vấn, một bên cấp trên hối thúc phải đạt chỉ tiêu 100% nộp đủ.

Báo Tuổi Trẻ dân lời hiệu trưởng một trường tiểu học ở Sài Gòn cho biết có trường để đạt chỉ tiêu 100% phải nhờ đến mạnh thường quân đóng giúp thêm vào.

Muôn vàn loại phí dành cho sinh viên

Sinh viên vừa bước nào năm học mới đã được đón nhận bằng một loạt danh sách phí mà không phải ai cũng có thể nhớ hết:

Học phí, BHYT, khám sức khỏe, phí làm thẻ sinh viên ,hồ sơ nhập học và sinh hoạt đầu khóa , phí vệ sinh, nước uống, phí chuyển đổi điểm liên thông, phí sử dụng thư viện, phí trả chuyển phát nhanh hồ sơ trúng tuyển, sổ tay sinh viên, phí thay đổi nhân khẩu, phí làm hồ sơ và thẻ ký túc xá, lệ phí kiểm tra tiếng Anh và tin học, phí sử dụng tài liệu, trang thiết bị học tập, phí sinh hoạt đoàn.

Có thể nói là muôn dạng loại phí đến hoa cả mắt, riêng Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) còn có phí “in niên giám 2015” 45.000 đồng.

Giáo dục cần tăng chất lượng chứ không phải tăng phí

Nhìn các khoản phí phải đóng của học sinh, sinh viên Việt Nam nếu so với thế giới thì không phải là cao, nhưng tính mức thu nhập trên đầu người thì các khoản phải đóng ở Việt Nam là rất cao so với thế giới.

Mặt khác giáo dục Việt Nam đang ở mức tụt hậu so với thế giới, vậy nếu xét về “tiền nào của nấy” thì giáo dục ở Việt Nam cũng thuộc hàng đắt đỏ

Riêng tiền BHYT còn cao hơn cả học phí thì đây cũng là một điều kỳ lạ cần phải xem xét lại, BHYT là bắt buộc nhưng chất lượng khám chữa bệnh yếu kém, lại còn bị phân biệt, nhiều người bị bắt buộc phải đóng nhưng không nghĩ là sẽ dùng loại bảo hiểm này.

Việc cần thiết của giáo dục hiện nay là tăng chất lượng giáo dục chứ không phải là tăng phí.

Ngọn Hải Đăng

Theo daikynguyenvn.com


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc