Home » Danh nhân, Tiêu Điểm, Văn hóa » Hồ Điệp Tình Nhân: Một cái nhìn về Romeo và Juliet

LiangZhu-676x450

Bức tượng “Hồ điệp tình nhân” về Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài đặt tại Verona, Italy. (Courtesy of Garrow)

Giống như sự yêu mến của chúng ta đối với các cặp tình nhân bất hạnh trong tiểu thuyết Shakespeare, người Trung Quốc xưa cũng không lạ gì với những chuyện tình bi thương. Truyền thuyết “Hồ điệp tình nhân” hay còn gọi là “Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài” vốn được lưu truyền hơn một ngàn năm nay, là một trong tứ đại truyền thuyết dân gian của Trung Quốc.

Tuy cốt truyện và thông điệp gửi gắm có chút khác nhau, nhưng truyền thuyết “Hồ điệp tình nhân” và vở kịch “Romeo và Juliet” lại có nhiều điểm tương đồng. Truyền thuyết Trung Quốc hàm chứa những khát vọng của tình yêu đôi lứa và bị hạn cuộc bởi chuẩn mực, phép tắc và sự bảo thủ truyền thống. Những cuộc đấu tay đôi và chất độc trong các câu chuyện tình bốc đồng của Shakespeare đã nhường chỗ cho sự cải trang, ẩn dụ và những sắp đặt khó vượt qua từ phía gia đình.

Nhân vật chính trong truyền thuyết là Chúc Anh Đài – một thiếu nữ  là người con thứ chín trong gia đình và cũng là người con gái duy nhất. Cha cô không chỉ thương yêu cô mà còn dạy cô biết đọc biết viết. Thông qua các tác phẩm kinh điển, cô rất ngưỡng mộ những người phụ nữ anh hùng trong lịch sử Trung Quốc.

Ở Trung Quốc thời đó, nữ giới không được đi học. Do vậy, Chúc Anh Đài phải cải trang thành nam nhi để đến xin học tại một ngôi trường ở Hàng Châu, nơi cô có thể thực hiện ước mơ của mình.

Tại trường học, Chúc Anh Đài đã gặp Lương Sơn Bá và chẳng bao lâu hai người kết nghĩa huynh đệ, cùng nhau học tập, chơi đùa và sống chung tại trường. Họ thường làm thơ, câu đối và đàm luận về lịch sử, triết học.

Ba năm trôi qua, Chúc Anh Đài đã yêu Sơn Bá. Tuy nhiên, Sơn Bá chưa bao giờ nghĩ Anh Đài là con gái, càng không hề biết cô đã yêu anh. Mặc dù Anh Đài đã bao lần cố gắng thể hiện tình cảm của mình, nhưng Sơn Bá đều hiểu lầm.

Được tin cha bị bệnh, Chúc Anh Đài phải rời trường trở về nhà.

Sơn Bá tiễn cô một đoạn dài gần 9 cây số (chừng 8,8 km). Nỗi buồn chia ly làm những bước chân trở nên nặng nề. Khi họ đến gần một dòng suối, Anh Đài thấy một cặp chim uyên ương quấn quýt trên mặt nước. Cô ném một cành cây vào chúng. Nhìn những con chim hoảng hốt bay theo các hướng khác nhau, Anh Đài quyết định mở lời.

“Bá huynh, hôm nay chia tay, biết ngày nào gặp lại? Chúng ta chẳng giống như những đôi uyên ương ấy sao, tách biệt nhau mỗi người một hướng”.

“Này tiểu đệ” – Sơn Bá đáp – “Kể cả khi chúng ta không phải huynh đệ, sao đệ có thể so sánh chúng ta như phu thê vậy được”?

Theo quan niệm của người Trung Quốc, cặp uyên ương đại diện cho tình yêu đôi lứa. Lời gợi ý cuối cùng này đã không có hiệu quả, Sơn Bá vẫn không hiểu. Vì vậy, tất cả những gì Anh Đài có thể làm là mong Sơn Bá đến thăm cô một ngày nào đó. Cuối chặng đường, họ nói lời từ giã trong nước mắt.

Không ngờ rằng trước khi rời trường, cô đã tiết lộ bí mật của mình với Sư nương và nhờ bà chuyển lời tới Sơn Bá. Tình cảm của cô cuối cùng đã đến được với anh.

Nhưng số phận thật nghiệt ngã. Sơn Bá vội vàng rời khỏi trường, đuổi theo Anh Đài để cầu hôn cô mà không biết có chuyện gì xảy ra ở nhà cô.

Anh Đài được tất cả mọi người ở nhà chào đón. Cha cô đã khỏi bệnh và vui mừng thông báo cho cô về cuộc hôn nhân sắp tới của cô với Mã Anh Tài – một vị công tử tài giỏi và là con trai của một viên quan giàu có, quyền lực trong vùng.

Người Trung Quốc cho rằng, hôn nhân không phải chỉ đơn giản là sự gắn kết giữa người chồng và người vợ, mà còn là sự gắn kết của hai gia đình. Chúc gia và Mã gia đã có hôn ước từ trước, cả hai đều là danh gia nên chuyện hủy bỏ hôn ước là không thể.

Vì vậy, mặc dù gặp lại, Sơn Bá và Anh Đài không thể đến với nhau. Tình yêu thuần khiết và chân thành của họ đã kết thúc trong im lặng.

Sơn Bá dành hết tình cảm của mình cho Anh Đài và việc không lấy được người mình yêu là nỗi đau tột cùng đối với anh. Suy sụp tinh thần, anh sớm ngã bệnh và chết.

Biết tin, Anh Đài đau xé lòng. Trái tim cô đã định chỉ dành riêng cho Sơn Bá và chỉ mình anh mà thôi. Nhưng hôn ước của cô với công tử Mã lại là thể diện của gia đình cô. Con người thời ấy không chỉ đơn giản là sống theo ý thích bản thân.

Cuối cùng, cô đồng ý kết hôn với Anh Tài, nhưng có điều kiện là đoàn rước dâu đi qua mộ Sơn Bá và cô được cầu nguyện cũng như cúng tế trước mộ của anh. Sau đó, cô sẽ ngoan ngoãn về làm dâu nhà họ Mã.

Thông qua thư từ, vị công tử họ Mã nhận thấy Anh Đài là một thiếu nữ cá tính rất mạnh mẽ. Cô ấy sẽ không từ bỏ tình yêu của mình đối với Sơn Bá. Vốn là một công tử có học, Anh Tài không trách cô vì điều đó.

Vào ngày cử hành hôn lễ, Anh Đài mặc đồ trắng. Khi đoàn rước dâu đi qua mộ Sơn Bá, trời đột nhiên nổi trận cuồng phong. Trong mưa, Anh Đài khóc trước mộ anh và bày tỏ rằng sự sống hay cái chết đều không thể chia cắt họ.

Đúng lúc đó, sấm sét rung chuyển trời đất, phần mộ của Sơn Bá đột nhiên tách mở ra. Anh Đài đi vào trong đó và rất nhanh chóng, ngôi mộ lại trở lại nguyên trạng.

Khi hai gia đình đang nỗ lực giải cứu Anh Đài, trời đất bỗng tươi sáng trở lại. Từ trong mộ, một đôi bướm lớn màu sắc rực rỡ bay ra, quấn quýt nhau bay về trời. Liệu đôi bướm đó có phải là cặp tình nhân bất hạnh, giờ đây họ được tái ngộ ở thế giới bên kia?

Sau đó Mã Anh Tài và phụ thân đã bẩm báo sự việc với hoàng đế. Biết chuyện, hoàng đế khen ngợi Anh Đài là một thiếu nữ đức hạnh phi thường và đã lưu danh cô trong sử sách.

Câu chuyện của Lương Sơn Bá – một trang nam tử dành cả cuộc đời cho tình yêu thuần khiết, và Chúc Anh Đài – người thiếu nữ hy sinh thân mình để giữ trọn lời thề, là biểu hiện của các chuẩn mực đạo đức truyền thống mà người xưa tự câu thúc bản thân.

Theo vietdaikynguyen


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc