Home » Danh nhân, Tiêu Điểm, Văn hóa » Trang Tử luận về kiếm
Triệu Văn Vương rất ham mê kiếm thuật, ông chiêu mộ rất nhiều kiếm sĩ, họ ngày đêm múa kiếm tỷ võ mua vui, mỗi năm tử thương đến cả trăm người.

trang tu

Trong ba năm, Triệu vương thích thú không chán, thế nước suy bại, các chư hầu đều âm mưu tấn công. Thái tử Khôi là con của Văn vương rất lo lắng, liền gọi thủ hạ đến truyền rằng: nếu như có ai khuyên can được vua cha sẽ ban thưởng cho người đó ngàn vàng. Các thủ hạ đều cho rằng chỉ có Trang Tử mới làm được.

Thái tử truyền đem vàng tới tặng Trang Tử, Trang Tử không nhận, chỉ đi theo sứ giả đến yết kiến mà nói rằng:

“ Thái tử muốn tôi trừ tuyệt sự ham mê của quốc vương. Giả sử lời khuyên trên của tôi trái ý quốc vương, dưới không hơp ý thái tử ắt thân tôi phải chịu chết thảm, tôi lấy vàng để làm gì? Giả sử như lời khuyên của tôi trên thì thuyết phục được đại vương, dưới thì mãn ý thái tử thì tôi cần gì trong nước mà chẳng được?”

Thế rồi bọn họ chuẩn bị trang phục kiếm sĩ cho Trang tử. Ba ngày sau, Thái tử dẫn ông vào điện yết kiến quốc vương. Trang Tử chậm rãi bước vào, nhìn thấy quốc vương nhưng không bái lạy, quốc vương hỏi:

“Ngươi có tài cán gì định chỉ giáo mà nhờ thái tử dẫn vào bệ kiến?”

Đáp: “Tôi nghe nói đại vương yêu thích kiếm thuật, nên xin lấy kiếm thuật bệ kiến đại vương”.

Vương hỏi: “Kiếm thuật của ngươi có gì hay?”

Trang tử Đáp: “Kiếm thuật của tôi có thể mười bước giết một người, suốt ngàn dặm không ai ngăn cản được”.

Vương vô cùng cao hứng, bèn an bài cho các kiếm sĩ tỷ thí với nhau suốt bảy ngày, tử thương hết sáu bảy mươi người mới chọn ra được năm, sáu người giỏi nhất cho họ ôm kiếm đứng dưới điện rồi gọi Trang Tử đến.

Vương nói: “Kiếm của thầy dùng dài ngắn ra sao?”

Trang tử Đáp: “Kiếm của tôi dài ngắn đều được. Nhưng tôi có ba loại kiếm, tùy đại vương sử dụng, xin cho tôi nói trước rồi tỷ thí”.

Vương bảo: “Mong được nghe ba loại kiếm ấy”.

Trang tử nói: “Đó là thiên tử kiếm, chư hầu kiếm và bình dân kiếm”.

Vương hỏi: “Thiên tử kiếm là thế nào?”

Trang tử Đáp: “Thiên tử kiếm thì mũi nhọn là Yên Khê, Thạch Thành, lưỡi kiếm là của nước Tấn, sống kiếm là nước Vệ, cán là của nước Chu, nước Tống, chuôi kiếm là của nước Hàn, nước Ngụy, bao kiếm là của tứ di (bốn dân tộc quanh Trung Hoa). Dùng ngũ hành khống chế, dùng hình phạt đức lý mà xử, tùy âm dương biến hóa mà bắt đầu, tùy xuân hạ mà tiếp tục, tùy thu đông mà hành động. Loại kiếm này khi múa thì như không có vật gì, có thể phù trợ chư hầu, khiến thiên hạ quy thuận, ấy là “Thiên tử kiếm”.

Văn vương hoang mang thất thần: “Thế còn chư hầu kiếm?”

Trang tử đáp: “Chư hầu kiếm, dùng trí của kẻ sĩ là mũi kiếm, dùng thanh liêm làm thân kiếm, dùng hiền lương làm sống kiếm, dùng trung hiền làm miệng kiếm, dùng hào kiệt làm cán kiếm. Loại kiếm này học theo trời tròn mà thuận ứng theo ‘nhật, nguyệt, tinh tú’, học theo đất vuông mà thuận ứng ‘xuân, hạ, thu, đông’, trong vòng bốn cõi không ai không quy thuận quân vương, đó là chư hầu kiếm.

Văn vương hỏi: “Còn bình dân kiếm ra sao?”

Trang tử đáp: “Bình dân kiếm, tóc tai thì bù xù, tóc mai dựng đứng, dây mũ to thô, áo trên cực ngắn, hai mắt mở trừng, miệng nói ú ớ, khi đấu với nhau, trên thì chém cổ, dưới thì thì đâm gan ruột, đó là bình dân kiếm, so với chọi gà chẳng có gì khác, một khi mất mạng đối với quốc gia chẳng có chỗ dùng. Hiện nay, đại vương ở ngôi thiên tử mà lại đi yêu thích bình dân kiếm, tôi thấy tiếc cho đại vương lắm. Tôi đã nói hết kiếm thuật cho ngài rồi đó.”

Ba tháng , Văn vương thẹn không dám bước ra cửa cung, bọn kiếm sĩ cũng xấu hổ mà tự sát ngay tại đó.

Theo tinhhoa


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc