Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Bơi trong lý thuyết kinh tế mù mờ
kinh te vnSau gần ba mươi năm đổi mới đi theo điều gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lần đầu tiên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hàm ý nhận thức về lý thuyết này còn quá mù mờ. Câu hỏi đặt ra là có thể tiếp tục phát triển đất nước khi nền kinh tế phải bơi trong hỏa mù lý thuyết hay không.

Sự vớt vát từ quá khứ?

Mặc dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng nói: “…Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” Nhưng Việt Nam vẫn đang bươn chải với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định:

“Cho tới giờ tôi chưa nghe ông lãnh đạo nào, hay chuyên gia nào định nghĩa định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ thời kỳ 1985 ra chính sách đổi mới Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho đến bây giờ cũng chẳng ai biết được cái định hướng xã hội chủ nghĩa nó là cái gì. Cho nên sắp tới đây các vị lãnh đạo đảng và nhà nước nên nói rõ hơn nữa định hướng xã hội chủ nghĩa là làm sao. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ có nói sơ sơ định hướng xã hội chủ nghĩa là phục vụ cho những công ích xã hội. Nhưng như thế cũng không đủ vì nền kinh tế đâu phải chỉ là để phục vụ công ích xã hội.”

Tại Hà Nội ngày 14/7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò Trưởng ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa 10 về “tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.” Cổng thông tin Chính phủ đưa tin về việc này cho thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ sẽ có bản báo cáo lên Bộ Chính Trị với những vấn đề rất nhạy cảm. Thí dụ như: “ Nhận thức về phạm trù, nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ; chưa có đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường; môi trường kinh doanh, vẫn chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa doanh nghiệp, thành phần kinh tế…”

Những trích dẫn vừa nêu cho thấy lý thuyết kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một áp đặt khác thường do đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, một sự cứu chữa nửa vời trước sự phá sản của nền kinh tế tập trung theo mô hình cộng sản Liên Xô cũ.

Cố Giáo sư Đặng Phong (1939-2010) một chuyên gia kinh tế đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế có uy tín của một số trường Đại học ở Hà Nội, từng nhận định về vấn đề này với Đài ACTD:

“Xã hội chủ nghĩa là sự vớt vát thuộc quá khứ mà mình không thể chấp nhận nó nữa, nhưng mình không thể thẳng thắn tuyên bố giã từ nó cho nên dùng một chữ rất mơ hồ chung chung như vậy. Bây giờ mà mải mê đi tìm xã hội chủ nghĩa thì không bao giờ tìm thấy giá trị thật của nó đâu. Cái nội dung thật của nó là cái gì thì không tìm thấy đâu. Nó là một món nợ của lịch sử. Người Việt Nam chưa bao giờ xây dựng chủ nghĩa xã hội như Liên Xô, nhưng Việt Nam đã đi theo con đường đó mà ngày nay chưa ai dám thẳng thắn tuyên bố rằng con đường đó là sai lầm. Bởi vì tuyên bố như thế rất nguy hiểm về mặt tâm lý xã hội.”

Doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo

Tại cuộc họp ngày 14/7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện thái độ cầu thị, khi ông mạnh dạn lập lại những ý kiến của chuyên gia, nhân sĩ, trí thức của hàng loạt các cuộc hội thảo kinh tế trong ba năm vừa qua. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng đã lưu ý việc tổng kết Nghị quyết cũng cần phải làm rõ thêm một bước về vấn đề Nhà nước và thị trường; Nhà nước làm tới đâu, làm những gì; cái nào là thị trường phải theo quy chế kinh tế thị trường, đồng thời cũng phải làm rõ vấn đề dân chủ trong kinh tế; vấn đề hội nhập quốc tế và độc lập tự chủ.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định về vấn đề liên quan:

“Vừa rồi Thủ tướng nói rất rõ, Nhà nước không có quyền đi ra kinh doanh mà cạnh tranh với nhân dân. Nhà nước tạo ra mọi điều kiện, cơ chế chính sách môi trường để cho dân doanh phát triển làm cho nền kinh tế phát triển. Thủ tướng nói rất rõ nhưng Thủ tướng một mình không quyết định được phải trình lên Bộ Chính trị, tại vì mọi chuyện trên đất nước Việt Nam này phải được Bộ Chính trị quyết định. Thủ tướng có một tư duy rõ ràng về vai trò của Chính phủ trong vấn đề phát triển kinh tế nhưng Thủ tướng không thể một mình quyết định được.”

Theo ông Bùi Kiến Thành Đảng và Nhà nước Việt Nam cần thay đổi tư duy một cách tích cực, nếu không muốn đất nước tụt hậu so với khu vực và thế giới. Ông nói:

“Các vị lãnh đạo đi ra nước ngoài cũng vẫn nói Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, yêu cầu Mỹ yêu cầu Châu Âu và khắp mọi nơi mà các vị đến, yêu cầu công nhận chúng tôi là nền kinh tế thị trường. Như vậy rõ ràng chúng ta muốn hội nhập vào nền kinh tế thị trường của thế giới. Nhưng mà nó có sự không ăn khớp tức là doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Vấn đề này tư duy chưa rõ ràng, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì làm gì có nền kinh tế thị trường được. Mong rằng trong những tháng, năm tới các lãnh đạo nhà nước có một tư duy rõ ràng hơn nữa thì nền kinh tế mới phát triển được.”

30 năm mở cửa, áp dụng kinh tế thị trường nửa vời với cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng của giai đoạn ngăn sông cấm chợ, lạm phát 800%. Đất nước đã tự túc lương thực và dư thừa để xuất khẩu, nhưng một nền kinh tế thị trường nửa vời đã chỉ có thể giúp Việt Nam thoát nghèo chứ không thể giàu lên được. Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình, trong khi kinh tế các nước trong khu vực vốn dĩ đã cách biệt khá xa với Việt Nam sẽ tiếp tục tiến lên đẩy lùi Việt Nam về phía sau.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành nói với chúng tôi, sẽ là thảm họa cho Việt Nam nếu đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam không sớm thay đổi tư duy, chấp nhận cải tổ dân chủ và áp dụng nền kinh tế thị trường thực sự.

Nam Nguyên

Theo rfa

Chuyên đề: , ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc