Home » Xã hội » Đề nghị giữ án tử hình vụ Vinalines
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đề nghị tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án tử hình đã tuyên với cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng và đồng phạm Mai Văn Phúc.
Các bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình vì tội 'Tham ô' liên quan đến ụ nổi 83M

Các bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình vì tội ‘Tham ô’ liên quan đến ụ nổi 83M

Trong ngày thứ hai của phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND Tối cao nói không có cơ sở cho các bị cáo, gồm ông Dũng, Mai Văn Phúc cùng những người khác xin giảm án.

Tòa sơ thẩm đã tuyên án tử hình với hai ông, Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐQT tổng công ty Hàng hải Việt Nam, và Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Vận tải

Cũng trong ngày thứ hai của phiên tòa phúc thẩm vụ Vinalines, đại diện Bộ Tài chính cho biết cơ quan giám định liên ngành đã thống nhất nhận định ụ nổi 83M không phải tàu biển, báo trong nước đưa tin.

Ông Trần Thái Sơn cũng khẳng định Chi cục hải quan Vân Phong đã làm đúng quy trình trong việc xử lý hồ sơ nhập khẩu ụ nổi 83M.

Hồi năm ngoái, kết luận của cơ quan điều tra nói mặc dù biết ụ nổi 83M là tàu biển, Chi cục hải quan Vân Phong vẫn làm thủ tục thông quan, cho phép nhập khẩu.

Vì được sản xuất từ năm 1965, ụ nổi 83M nếu bị xem là tàu biển mà vẫn được phép nhập đồng nghĩa với việc Chi cục hải quan Vân Phong đã vi phạm quy định về điều kiện nhập khẩu tàu biển trong nghị định 49/2006/NĐ-CP của chính phủ.

Ông Sơn cũng cho biết “hải quan chỉ làm thủ tục hải quan, không liên quan đến việc đăng ký sau này”, theo báo Pháp Luật, và “việc nhập khẩu sản phẩm về không đăng ký, đăng kiểm thuộc trách nhiêm của Vinalines”.

“Thời điểm 2008 hoàn toàn không có danh mục của các cơ quan chuyên ngành quy định mặt hàng ụ nổi là cấm nhập khẩu hoặc phải nhập khẩu có điều kiện,” ông nói.

“Vì vậy, việc hải quan Vân Phong cho nhập khẩu như hàng hóa thông thường là không sai,” ông Sơn khẳng định.

Chất lượng ụ nổi

Chất lượng của ụ nổi 83M cũng là vấn đề được đưa ra chất vấn tại phiên tòa ngày 23/4.

Báo Dân Trí dẫn lời đại diện Cục đăng kiểm có mặt tại tòa cho biết “những ụ nổi đã 60-70 tuổi vẫn hoạt động bình thường và đủ điều kiện hoạt động thì cơ quan quản lý vẫn phân cấp.”

Tuy nhiên lời giải thích này đã bị chủ tọa bác bỏ vì cho rằng việc đăng kiểm viên Lê Văn Dương (lãnh án 7 năm tù ở tòa sơ thẩm) khi đi giám định phát hiện ra 3 máy phát điện của ụ nổi không hoạt động mà vẫn kết luận các thiết bị vận hành bình thường là không đúng trách nhiệm.

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 12 năm ngoái, cả hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều bị tuyên án tử hình vì tội ‘Tham ô tài sản’ liên quan đến số tiền lại quả 1,66 triệu đôla thu được từ việc mua ụ nổi 83M.

Trong phần chất vấn sáng 22/4, hai bị cáo này đều cho rằng mình không phạm tội ‘Tham ô tài sản’ và bác bỏ việc nhận tiền lại quả từ bị cáo Trần Hải Sơn, theo báo trong nước.

Khắc phục tội danh nào?

Trước phiên phúc thẩm, gia đình ông Dương Chí Dũng đã nộp cho Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội 4,7 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả cho vụ án Vinalines, báo Pháp luật Việt Nam ngày 19/4 đưa tin.

Gia đình bị cáo Mai Văn Phúc cũng đã nộp được 3,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong phiên tòa sáng 22/4, ông Dũng không nói rõ khoản tiền này là để khắc phục hậu quả cho tội danh nào, theo các báo trong nước.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, cho biết nếu Dương Chí Dũng vẫn không nhận tội ‘Tham ô’ thì khoản tiền này không thể xem là để khắc phục hậu quả cho tội danh đó được.

“Không có tội thì không thể nộp phạt,” ông nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 22/4.

“Tại phiên tòa sơ thẩm thì Dương Chí Dũng đã nhận một phần trách nhiệm trong tội ‘Cố ý làm trái’. Như vậy khoản tiền 4,7 tỷ đồng có thể xem như là một tình tiết giảm nhẹ cho tội danh này.”

Theo bbc


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc