Home » Xã hội » CSGT phải mật phục, không thưởng Tết
Theo đại diện Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt, dịp Tết này, lực lượng CSGT sẽ tổ chức hoá trang, mật phục trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Đồng thời tăng cường giám sát nội bộ để chống tiêu cực.

Báo NĐT dẫn tin, hiện nay, lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt đã đi kiểm tra công tác triển khai tại công an các địa phương trong việc bố trí lực lượng, phương án phân luồng giao thông.

Cục cũng đã tăng cường thêm 6 đội tuần tra kiểm soát, cùng với trang thiết bị kỹ thuật như máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn, camera giám sát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm như: Quốc lộ 1, 3, 5, 18, 51 và các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác.

Trong đợt giao thông cao điểm Tết năm nay, CSGT sẽ huy động 100% lực lượng cùng với Cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113 tham gia phối hợp làm nhiệm vụ.

Được biết, vào mỗi dịp Tết, lực lượng cảnh sát chia ca trực 100%, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ – đường sắt (CSGTĐBĐS) cho biết: “Anh em không có tiền để thưởng Tết, còn làm đêm thì chỉ được 100 nghìn/ca như ngày thường. Tôi xin khẳng định là không có thưởng Tết”. 

Trao đổi với VnExpress, ông Tuyên cho hay, trước đây, theo Nghị định 89, tiền bồi dưỡng cho các chiến sĩ được trích từ tiền phạt vi phạm giao thông, nên người cao nhất được 1,5 triệu và thấp nhất được được 700.000 đồng một tháng. Tuy nhiên, quy định này đã bị cắt từ năm 2011 vì nhiều lý do. 

Theo ông, căn cứ vào Nghị định 137 mới đây, “mỗi ca trực đêm của chiến sĩ được thêm 100.000 đồng, số tiền này chưa đủ để mua nước lọc”. 

“Hiện nay, cấp bậc thiếu úy, trung úy cũng chỉ được 5 – 6 triệu đồng, không đủ tiền xăng xe, đi lại… huống chi là việc nuôi vợ nuôi con và đủ sức để tuần tra, kiểm soát. Lực lượng CSGT mong nhận được sự ủng hộ chia sẻ của người dân và Chính phủ”, ông Tuyên nói. 

giao thong

CSGT vẫn phải hóa trang, mật phục đảm bảo ATGT dịp Tết nguyên đán

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho hay, do thiếu lực lượng tuần tra nên nếu chia bình quân, mỗi cảnh sát giao thông phải phụ trách 70 km quốc lộ.

“Đứng một chỗ không được, cảnh sát phải tuần tra rất căng thẳng. Nhiều khi dự luận hiểu không rõ, tưởng phạt nhiều CSGT được nhưng số tiền này, theo quy định phải nộp về Bộ Tài chính. Mỗi ca trực anh em cũng chỉ đủ mua thêm cái bánh mỳ”, Bộ trưởng Quang giải thích. 

Bộ trưởng Quang gợi ý cách chia: “Nếu cảnh sát nào có ca trực, phải đi tuần tra, kiểm soát thì được bồi dưỡng, làm vậy sẽ giảm được bớt tiêu cực. Phần tiền còn lại sẽ thực hiện theo cơ chế khoán mua xăng xe, điện thoại, trang bị thêm camera, xe tuần tra…phục vụ kiểm soát giao thông”. 

Năm 2013, số tiền phạt CSGT thu được là hơn 2.000 tỷ đồng, nên Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng cần có cơ chế tiếp tục bồi dưỡng cho cảnh sát làm việc trong ngày nghỉ, ngoài giờ. Đề xuất này được một số thành viên Chính phủ đồng thuận. 

Trước đây, 70% tiền thu phạt được trích cho công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, 30% còn lại cho thanh tra giao thông, ủy ban ATGT địa phương, nhưng theo quy định mới, từ ngày 1/7/2013 toàn bộ các khoản tiền phạt vi phạm hành chính phải nộp vào ngân sách nhà nước. Do đó, ông Thăng đề nghị Bộ Tài chính sớm có biện pháp giải quyết tình trạng này. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đang nghiên cứu theo hướng số tiền phạt nêu trên vẫn để lại địa phương 30%, còn 70% đưa lên Trung ương và chi cho công an. 

Thái Linh

Theo baodatviet

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc