Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Ngày nhà giáo VN 20/11: những ước vọng của giáo viên
Năm 2013 sắp kết thúc với những sự kiện được cho là “đau lòng” trong ngành giáo dục ở VN khiến niềm tin và sự tôn trọng đối với những “kỹ sư tâm hồn” bị sa sút trầm trọng. Nhân ngày Nhà giáo VN, 20/11, Hòa Ái tìm hiểu những nỗi niềm ưu tư cũng như ước vọng của những người chọn con đường “gỏ đầu trẻ” để dấn thân.
truong hoc

Học sinh trường trung học Trần Phú – Hoàn Kiếm ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 15/09/2011.

Tự hào hay tủi thân?

Thêm 1 ngày lễ nhớ ơn thầy cô giáo, ngày Nhà giáo VN 20/11, lại đến với các sinh hoạt chộn rộn diễn ra ở khắp các ngôi trường từ Bắc tới Nam. Những lời chúc tụng ngọt ngào, những bó hoa tươi thắm, những món quà biết ơn của phụ huynh và học sinh gửi đến quý thầy cô trong ngày lễ cao quý này. Tuy nhiên đa số giáo viên lại không tỏ vẻ vui mừng đón nhận. Một cô giáo, 30 năm trong nghề chia sẻ với đài ACTD:

“Ngày 20/11 lúc trước thì cảm thấy vui và hạnh phúc lắm vì học trò kính trọng, phụ huynh tôn trọng. Còn bây giờ ngày 20/11 đối với cô không có ý nghĩa gì hết mà cô còn cảm thấy làm sao, cô không diễn tả được. Mình cảm thấy tủi, nhục hay tự hào?”

Vì sao những người chọn cho mình cái nghiệp “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” lại không thể tự hào mà cảm thấy tủi thân hay thậm chí nhục nhã? Một số giáo viên trên khắp miền của đất nước đều cho biết nguyên nhân cốt lõi là do đồng lương không đủ sinh tồn đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong ngành giáo dục. Từ việc dạy thêm để tăng thu nhập của giáo viên cho đến những vụ tham nhũng, tiêu cực lớn nhỏ xảy ra hằng ngày hay thậm chí những vụ việc truyền thông trong nước phanh phui như thầy giáo gạ tình nữ sinh đổi điểm, cô giáo mẫu mực bị bắt vì môi giới mãi dâm và tin về Phó Viện trưởng của 1 trường Đại học kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra tòa được đăng tải trên mặt báo 1 ngày trước ngày lễ truyền thống Nhà giáo VN năm 2013 khiến cho uy tín của ngành giáo dục VN đang tụt dốc thê thảm.

Quà tặng thầy cô bày bán nhân ngày 20/11

Quà tặng thầy cô bày bán nhân ngày 20/11

Trong số những thế hệ học trò qua các thập niên gần đây không thi vào ngành sư phạm bởi vì các thanh niên thiếu nữ mười tám đôi mươi không nhận lãnh được sự “truyền lửa” đam mê yêu nghề nào của thầy cô giáo trong suốt 12 năm học phổ thông. Bộ GD&ĐT ra quyết định có những ưu đãi cho ngành giáo dục trong tuyển sinh với mục đích tuyển mộ được nhiều tài năng cho sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Thế mà những nỗ lực này lại tạo ra tác dụng ngược. Các bạn trẻ chọn con đường dạy học chỉ đơn giản là chọn 1 cái nghề. Để được đứng trên bục giảng, họ phải trả một cái giá không nhỏ từ vật chất cho đến tinh thần. Và với 1 tháng lương hai ba triệu đồng, phần nhiều trong số họ phải “làm tình làm tội” phụ huynh và học sinh.

Một cô giáo dạy học 30 năm, hết lòng tâm huyết với nghề, không những chỉ dẫn về kiến thức mà còn chỉ dạy điều hay lẽ phải cho học trò lại nhận được sự khinh rẻ của cả phụ huynh và học sinh chỉ vì cô giáo này không dạy thêm, không dạy cho học trò cách học vẹt:

“Tới giờ cô dạy thì học trò quậy cô. Cô nghĩ 1 tiết học có 45 phút đồng hồ mà nếu dừng lại để rầy la, xử lý những em quậy thì không đủ giờ. Cho nên cố gắng dạy thì các em lại càng quậy phá. Cô vào lớp dạy, học trò liệng dép lên bục giảng, liệng lá lên, định lây cây đánh lén cô. Đủ trò hết. Cô buồn hết sức. Có phụ huynh nhắn tin trong điện thoại di động của cô là ‘mày đừng phạt con tao nữa’. Mình dạy con người ta học, mình muốn con người ta nên người, mình rầy dạy từng ly từng chút mà nhắn tin vậy đó”.

Hy vọng chính phủ quan tâm

Đa số những giáo viên trẻ ngày nay không chọn cách dạy học như cô giáo vừa rồi. Họ chọn phương cách thực tế như một kiểu “bán và mua” kiến thức mà họ đã từng là người phải chi trả rất nhiều trong những tháng ngày còn đi học. Họ nghiễm nhiên tự cho phép bản thân mình hài lòng với tư cách 1 nhà giáo “sòng phẳng” trong giao dịch mua bán này. Vì vậy, họ cũng không cảm thấy chua chát, xót xa khi họ không được phụ huynh học sinh kính trọng. Dù tuổi trẻ xông xáo, năng động, có thể tạo cho mình cuộc sống khá tốt với đồng lương chết đói của nghề dạy học nhưng trong tâm tưởng họ vẫn mong mỏi không phải sống với nghề theo cách như hiện tại. 1 giáo viên trẻ 5 năm trong nghề cho biết:

“Hy vọng các cấp quan tâm hơn để nâng cao mức sống, lương bổng cải thiện ổn định để đời sống của giáo viên được đảm bảo, để yên tâm công tác”.

Trao đổi với Hòa Ái về niềm mơ ước nào cho giáo viên, thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói rằng chỉ biết mong muốn 1 ngày nào đó tình hình sẽ đổi khác. Cái xấu trong ngành giáo dục sẽ giảm bớt. Sự trong sáng sẽ được tôn vinh. Đây là thời điểm cái xấu ở khắp nơi đang được ‘tuyên dương’, lấn át cái tốt. Hiện nay, hầu như sự băng hoại của đồng tiền ít nhiều cám dỗ mỗi một thầy cô giáo. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa bày tỏ hy vọng khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển lên, chuyện nghĩ đến việc “móc túi” của phụ huynh học sinh làm thu nhập cho giáo viên giảm đi thì ngành giáo dục sẽ lấy lại được sự trong sáng và uy tín của ngành. Thế nhưng, niềm hy vọng này bao giờ sẽ thành hiện thực? Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói:

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nói trên báo chí rằng hết thế kỷ 21 này không biết VN có xây dựng được CNXH hay không. Thế thì phải chờ đợi như thế trong trong cả trăm năm nữa cho nên ngành giáo dục sẽ thay đổi trong chốc lát thì không có đâu. Tôi không hy vọng sẽ có sự thay đổi trong thời gian ngắn tới”.

Không biết tới bao giờ sự trong sáng của ngành giáo dục ở VN được phục hồi? Đến bao giờ thầy cô giáo được yên lòng với cuộc sống thường nhật? Đến bao giờ những bài học nơi bục giảng chắp cánh bay bổng cho những ước mơ? Đến bao giờ những ánh mắt trẻ thơ ánh lên niềm tin cậy tuyệt đối khi được cặp sách đến trường? 1 nền giáo dục được thay đổi cách ngoạn mục hay tương lai của VN sẽ là 1 bức tranh tụt hậu?

Chắc rằng những người đang nắm vận mệnh đất nước trong tay biết rõ câu trả lời.

Hòa Ái

Phóng viên rfa

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc