Home » Kinh doanh, Tiêu Điểm » Đừng để doanh nghiệp như “cá nằm trên thớt”
Để tăng nguồn thu và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cần có sự xử lý và vận dụng linh hoạt các quy định về thuế, hải quan.

doanh nghiepTheo khảo sát của Bộ Tài chính, 9 tháng qua, trong hơn 450.000 doanh nghiệp của cả nước, có 66% số doanh nghiệp đang lỗ hoặc có lãi nhưng chưa bù được lỗ của năm trước. Ngân sách đang mất cân đối 63.000 tỷ đồng, chỉ tiêu thu ngân sách của năm chắc chắn là không đạt.

Để tăng nguồn thu và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cần có sự xử lý và vận dụng linh hoạt các quy định về thuế, hải quan. Về lâu dài, một số điểm trong chính sách thuế cần được điều chỉnh, bổ sung. Đó là những vấn đề đặt ra qua Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với các doanh nghiệp khu vực phía Nam diễn ra sáng 5/11 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Trần Thị Phượng có nhiều năm làm Kế toán trưởng cho Trung tâm kinh doanh An Thịnh- Liksin thuộc Tổng công ty Công nghiệp-in-bao bì Liksin cho biết đã rất vất vả với các thông tư, quy định về thuế của nhà nước được điều chỉnh liên tục. Các Chi cục thuế quận, huyện đã khiến công ty vẫn vả trong việc kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế khi liên tục bị hạch hỏi. Chính sự hạch hỏi này đã khiến doanh nghiệp bị ách tắc trong sản xuất, kinh doanh. 

Bà Phượng bức xúc: “Doanh nghiệp như “cá nằm trên thớt”, ngành thuế nói gì không dám cãi. Tại các hội nghị bao giờ cũng nói ngành thuế hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người nộp thuế nhưng với các Chi cục thiệt tình chỉ làm chúng tôi “xanh mặt”, hành hết cái này đến cái nọ. Chúng tôi mong rằng, thông tư, chế độ phải rõ ràng, ai đọc cũng hiểu chứ đừng người này hiểu thế này, người kia hiểu thế khác, gây rắc rối cho doanh nghiệp. 

Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc có quá nhiều văn bản dưới luật được ban hành thường xuyên trong hướng dẫn doanh nghiệp. Sắp tới, để chính thức khởi động cho Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương- TPP, Bộ này đã rà soát và thống kê, trong lĩnh vực Thuế- Hải quan, có đến 27 vấn đề phải sửa đổi, bổ sung. Nhưng đây là yêu cầu của sự hội nhập, phát triển nên phải thực hiện. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị trong cùng ngành Hải quan hoặc Thuế phải có cách đánh giá, ghi nhận hàng hóa thống nhất với nhau, thực hiện hoàn thuế sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Minh Luân ở thành phố Hồ Chí Minh kinh doanh mặt hàng thuộc đối tượng “tạm nhập tái xuất” được hoàn thuế nhập khẩu, kiến nghị: “Để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó, giảm bớt thiệt hại và đảm bảo quyền lợi chính đáng, tránh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn thống nhất cho loại hình này, giải quyết hoàn thuế ngay cho doanh nghiệp đối với những lô hàng tạm nhập máy móc nông nghiệp về tân trang, sửa chữa đã tái xuất ra khỏi Việt Nam”. 

Còn rất nhiều quy định khác trong lĩnh vực thuế, hải quan chưa rõ ràng hoặc còn bất cập cũng cần được giải thích rõ để doanh nghiệp thực hiện hoặc sửa đổi cho phù hợp hơn. Với nhiều doanh nghiệp nhập nguyên liệu và xuất sản phẩm có chu kỳ sản xuất dài thì quy định của Hải quan là “chuyển nguyên vật liệu” chỉ được từ hợp đồng thứ nhất sang hợp đồng thứ 2 đã thực sự gây khó khăn. Điều này chính lãnh đạo Bộ Tài chính khi đối thoại với doanh nghiệp cũng thừa nhận là bất hợp lý, cần sửa đổi. 

Riêng trong lĩnh vực bất động sản, hầu hết các doanh nghiệp yêu cầu Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ, tức là “bán đến đâu, nộp đến đó” theo giá thời điểm nộp. Bởi thực tế hiện nay, doanh nghiệp phải nộp cùng lúc tất cả tiền sử dụng đất và đây là một khoản tiền lớn trong thời điểm bất động sản đóng băng. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: “Thuế sử dụng đất ở, chúng tôi đề nghị bổ sung thành một sắc thuế. Và như vậy thay vì gọi là tiền sử dụng đất thì là thuế sử dụng đất ở mà do chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp thành đất ở làm tăng giá trị sử dụng đất và có thuế xuất. Tiền sử dụng đất có thể nộp theo tiến độ bán hàng. Chứ nộp tiền sử dụng đất theo cách tính như hiện nay là gần như chúng tôi mua đất một lần nữa”. 

Bên cạnh đó, cũng vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế và các thủ tục hải quan. Có những vướng mắc thuộc về chủ quan của ngành Thuế, Hải quan, doanh nghiệp, nhưng cũng có những điểm thuộc về chính sách. Do đó, cách tốt nhất là giữa doanh nghiệp và các ngành này phải tăng cường đối thoại để tháo gỡ khó khăn, đồng thời đưa ra những kiến nghị hợp lý để sửa đổi, bổ sung chính sách. 

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói: “Chúng ta phải tăng cường đối thoại thực chất ở cấp Cục, Bộ. Các Cục Thuế cũng phải tăng cường đối thoại ở cấp Chi cục để đưa ra các giải pháp cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có ý kiến phải hồi, phải có trách nhiệm nghiên cứu kỹ… Tóm lại, phải làm để ngành Thuế, hải quan thực sự đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”.

Trước mắt, các ngành chức năng cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế, vừa là biện pháp tốt nhất để đẩy mạnh thu ngân sách, vừa góp phần vực dậy nền kinh tế./. 

Minh Hạnh/VOV

 

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc