Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Nhà vệ sinh tiền tỷ – rõ ràng tham nhũng, sao vẫn “ỉm” đi?
“Chuyện nhà vệ sinh tiền tỷ ở Quảng Ngãi, đơn giá thực tế rõ ràng thấp hơn nhiều. Vậy là tham nhũng chứ còn gì nhưng sao vụ việc như vậy nếu báo chí không vào cuộc cũng sẽ tiếp tục bị “ỉm” đi?” – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến đặt câu hỏi.

>> Những nhà vệ sinh “ngốn” bạc tỷ ở Quảng Ngãi trông thế nào?

>> Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ “nhà vệ sinh 600 triệu đồng”

>> Chuyện toilet “dát vàng” và ngân hàng khó tiêu tiền

Ngày 4/9, UB Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra để thẩm tra báo cáo giám sát “việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ” năm nay.

Báo cáo giám sát tiếp tục nêu nhận định tình hình tham nhũng vẫn ở mức phổ biến, nghiêm trọng; tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp; nhiều vụ việc chủ yếu chỉ được phát hiện và xử lý từ thông tin trên báo chí hoặc trong dư luận chứ không phải từ các cơ quan kiểm tra, thanh tra…

Không hài lòng với những thông tin, đánh giá đã thành “mô-típ”, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga thắc mắc, thực chất, các vụ tham nhũng lớn đúng là khó để phát hiện vì “tội phạm ẩn”, “có trình độ”, “thủ đoạn tinh vi, phức tạp”… Nhưng rõ ràng các vụ tham nhũng vặt cũng… đầy đường, chỉ cần chú tâm quan sát hiện tượng, hành vi… ở một vài cơ quan hay giao tiếp với dân là sẽ dễ dàng thấy ngay. Bà Nga dẫn chứng hiện tượng phong bì lót tay trong bệnh viện, tiền “chung chi” cho CSGT… không khó để “mục sở thị”.

csgt

csgt

Không khó để phát hiện tham nhũng vặt kiểu “chung chi” CSGT, phong bì lót tay trong bệnh viện (ảnh minh họa).

Đồng ý hướng đặt vấn đề này, ủy viên thường trực UB Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường rót thêm băn khoăn khi những vụ việc từ nhỏ đến lớn được phát hiện trong những năm qua chủ yếu là do báo chí, dư luận quan tâm, đấu tranh, phát giác. Các vụ việc tham nhũng do nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị tự phát hiện hay cơ quan kiểm tra phanh phui rất ít.

“Nguyên nhân do nghiệp vụ phát hiện dấu hiệu tham nhũng có vấn đề, hay do bất cập ở khâu nào? Có sự nể nang nào ở đây không?” – ông Cường đặt câu hỏi.

Bức xúc nối tiếp với phát biểu của Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Hiến (ủy viên UB Tư pháp). Ông Hiến dẫn lại vụ nhà vệ sinh tiền tỷ ở Quảng Ngãi báo chí phản ánh trong kỳ họp Quốc hội đầu năm. Ông Hiến cho biết, sau khi đọc thông tin, ông đã hỏi lại những người bạn làm xây dựng về đơn giá xây dựng hiện tại và rõ ràng thực tế chi phí thực hiện công trình thấp hơn rất nhiều.

Ông Hiến day dứt: “Vậy thì xây nhà vệ sinh tiền tỷ là tham nhũng chứ còn gì nhưng sao vụ việc như vậy nếu báo chí không vào cuộc cũng sẽ tiếp tục bị “ỉm” đi?”. 

Tiếp tục những nội dung “nhay đi nhay lại”, báo cáo giám sát cũng nhấn mạnh, tình trạng nương nhẹ khi xử lý tội phạm tham nhũng. Khi xử án tham nhũng, tòa án vẫn cho bị cáo phạm các tội về kinh tế, chức vụ hưởng mức hình phạt thấp hơn khung hình phạt truy tố. Việc áp dụng nhiều lần các tình tiết giảm nhẹ cũng khiến số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đang chiếm tỷ lệ cao. Nhiều nơi, việc tuyên án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt chiếm tới 80%, thậm chí có nơi chiếm tỷ lệ cao đến 100%. 

Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung với các vụ án tham nhũng, chức vụ còn nhiều. Có những vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần mà vẫn chưa thống nhất được tội danh, hình phạt, đường lối xử lý, làm kéo dài thêm quá trình giải quyết. Một số vụ sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung thường được chuyển sang tội danh khác có khung hình phạt nhẹ hơn, hoặc thậm chí là miễn trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong nhân dân. 

Cơ quan giám sát cho rằng, đây là biểu hiện của việc xét xử chưa nghiêm minh, chưa phúc đáp được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị là phải xử lý thật nghiêm minh với loại tội phạm này… Nhất là trong tình hình tham nhũng đang rất nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay. 

Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập việc có nhiều vụ tuy đủ căn cứ để khởi tố, xử lý hình sự nhưng kết cục vẫn chỉ xử lý kỷ luật hành chính. Đây là dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm. 

Góp ý kiến thêm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường kể lại, đi giám sát dưới địa phương vừa rồi mới phát hiện ra có những tỉnh như Ninh Bình, 2 năm xử được 9 bị cáo về tội tham nhũng thì 8 người được hưởng án treo. Nhiều vụ tương đối nghiêm trọng song tòa án vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự… để làm cơ sở để cho những người phạm tội được hưởng án treo.

Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nga cung cấp thêm số liệu có những tỉnh trong 2 năm xử 3 vụ tham nhũng, và 2 trong số đó là… treo. 

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng bày tỏ bức xúc vì nếu không phải án treo thì các hình thức xử phạt khác cũng tương đối nhẹ nhàng, có phần nương tay. Ông Học chỉ rõ, nhiều vụ việc chỉ xử lý hành chính hoặc nếu có chuyển sang hình sự thì cách xử lý cũng rất nhẹ. 

Ngoài ra, ông Học cũng phàn nàn tình trạng “hễ đụng đến án tham nhũng là hồ sơ trả qua, trả lại, có chuyện nể nang, né tránh”. Nhiều vụ việc, theo ông Học, diễn biến theo kiểu “đầu khủng long, đuôi… thạch sùng”, ban đầu nghiêm trọng, phức tạp mà rồi khi xử lý lại thành đơn giản, nhẹ nhàng. 

Báo cáo giám sát thường niên này sẽ được tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào kỳ họp tới. 

P.Thảo

Theo dantri

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc