Home » Tiêu Điểm, Xã hội » ‘Trợ cấp cho hộ nghèo quá nhỏ bé so với lạm phát tại VN’
Là một trong những nước có mức trượt giá trung bình năm cao nhất thế giới, lạm phát đang ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống của hơn 3 triệu hộ nghèo VN. Đây cũng là vấn đề được các nhà tài trợ đặc biệt quan tâm tại Hội nghị CG.

Phát biểu chiều 9/6 tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận, với mức lạm phát tăng đến 54% so với năm 2007, đời sống của mọi người dân Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Trong đó, người nghèo và các nhóm thuộc diện bảo trợ xã hội sẽ chịu tác động nặng nề nhất.

Người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi lạm phát leo thang. Ảnh minh họa: Nguyên Khoa
Người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi lạm phát leo thang. Ảnh minh họa: Nguyên Khoa


Theo Thứ trưởng Đảm, những nhóm người nghèo, người sống nhờ vào bảo trợ xã hội hầu như không có thêm bất cứ khoản thu nhập nào khác để chống đỡ với sự gia tăng phi mã của giá cả. Trong khi nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng bức bách khiến cho tất cả các gia đình nghèo đều phải cắt cắt giảm các chi tiêu khác như giáo dục, y tế và những yêu cầu thiết yếu khác.

Thảo luận tại hội nghị, Ông Bruce Campbell, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại VN cho rằng, một số chính sách mà Chính phủ thực hiện gần đây chưa thực sự đến được với người nghèo như giá điện trợ cấp cho người nghèo không đến được với những người lao động di cư tự do, không đăng kí nhân khẩu và thường phải trả tiền điện thông qua chủ nhà trọ. Người lao động không chính thức, người di cư nghèo, người sống chung với HIV và người khuyết tật ít được tiếp cận với an sinh xã hội và các dịch vụ cơ bản…

Đại diện cho các đối tác phát triển, Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Allaster Cox cũng bày tỏ những quan ngại tương tự: “Người nghèo thành thị, nhất là những người làm việc trong khu vực không chính thức bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá của hàng loạt các mặt hàng và các loại dịch vụ”.

Cũng theo Đại sứ Australia, các hộ gia đình ở nông thôn có thể được hưởng lợi từ việc giá lúa gạo tăng cao nhưng chi phí đầu vào cũng cao hơn những lợi ích này. “Đối với những hộ nghèo có đăng kí, mức hỗ trợ điện 50 kWh một tháng là quá thấp và trợ cấp 30.000 đồng cũng là quá nhỏ bé để mang lại tác động đáng kể”, Đại sứ lấy ví dụ.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, chính sách bình ổn giá đang được thực hiện tại các thành phố lớn không mang lại lợi ích cho người nghèo. Người nghèo không mua thực phẩm ở các “cửa hàng bình ổn giá” do giá ở các cửa hàng này không thấp hơn nhiều so với giá thị trường, các mặt hàng nghèo nàn, không được vay nợ – điều này trái ngược với nhiều cửa hàng địa phương. Tại các vùng dân tộc thiểu số, các vùng miền núi cao, lạm phát cao cũng đang tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.

Trước tác động của lạm phát đối với người nghèo, các đại biểu tham dự Hội nghị CG lần này rất muốn Chính phủ Việt Nam sớm đưa ra và hoàn thiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội toàn diện và thống nhất.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 80 và Nghị quyết 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước. Ở vùng nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới đang được thực hiện trên cả nước với mục tiêu đưa nông thôn tiến gần tới thành thị.

Cùng với các giải pháp đảm bảo an sinh của Nghị quyết 11 và sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, Phó thủ tướng cho rằng đời sống của các đối tượng nghèo, dễ bị tổn thương trong xã hội sẽ từng bước được cải thiện trong thời gian tới.

Theo số liệu của IMF, trong tháng 4/2011, mức lạm phát trung bình của VN tăng 17,5 % so với cùng kỳ 2010 và là một trong những nước có lạm phát cao nhất thế giới. Hiện VN có 3,05 triệu hộ nghèo. Trong hai tháng đầu năm 2011, có gần 840 nghìn lượt người thiếu đói, cao gấp đôi hai tháng đầu năm 2010.

Nguyên Khoa

Theo vnexpress

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc