Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Luyện thành “cao thủ hacker” để… cai game cho con

Khi ngành công nghiệp game online đang bùng nổ và tấn công mạnh mẽ vào giới trẻ, nhiều bậc phụ huynh đành bất lực nhìn con mình bỏ bê học hành, tự biến thành “nô lệ” cho thế giới ảo.

Mấy ngày qua, đã có những cảnh cười ra nước mắt khi bố bắt con bò lê ngoài đường hàng km, chú bắt cháu đeo biển trước bàn dân thiên hạ “Tôi là thằng ăn cắp” chỉ vì tội…mê game sinh trộm cắp, khó bảo. Thực tế, xã hội cũng đã từng chứng kiến, nhiều vụ án mạng xảy ra mà thủ phạm là những “sát thủ” tuổi teen, giết người cướp của chỉ để có tiền chơi game.

Đoạn trường cai game cho con

Anh Bùi Minh Hưng, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cai nghiện game cho cậu con trai cấp 3 của anh bằng cách trộm tài khoản trong game Võ lâm truyền kỳ của chính con mình. “Bởi vì nó hay chơi game ở nhà nên, Cường- con trai tôi hay để chế độ tự động nhớ mật khẩu. Chính vì thế, tôi nghe mấy người bạn mách là chỉ cần tiêu diệt nhân vật trong game nó sẽ chán ngay.

Với trẻ nghiện game, nhiều bậc phụ huynh cho biết, “cai” game cho trẻ còn khó hơn… cai nghiện ma túy

Hôm trước, nhân lúc nó không có nhà, tôi vào máy hack tài khoản game của con rồi đổi mật khẩu. Khi phát hiện ra mất tài khoản nằm trong top ten (tốp 10 tài khoản có thứ hạng cao nhất – PV) mà tốn bao nhiêu tiền của để cày, nó khóc ròng mấy hôm rồi bỏ chơi game từ đó”. Vợ chồng anh Hưng đang vui mừng tưởng rằng con trai mình đã cai nghiện thành công thì sau thời gian khóc lên khóc xuống, cu cậu lại tiếp tục lập tài khoản khác để “cày”. Đòn roi, doạ nạt đều không có công dụng, anh Hưng đang đi xin tư vấn cai nghiện game của các chuyên gia tâm lý.

Nhiều bậc phụ huynh nghĩ ra trăm phương nghìn kế nhưng vẫn phải bất lực nhìn con cái của họ bỏ bê học hành, ăn uống, mặt mày xanh xao để đâm đầu vào thế giới ảo. Nhiều trường hợp, học sinh hoá thân vào game đến nỗi ăn nói, cử chỉ hành động giống như nhân vật. Bác Huệ ở Từ Liêm (Hà Nội) giật mình khi đứa cháu gái16 tuổi cắt tóc như đàn ông, ăn mặc quần áo kinh dị.

Sau này bác Huệ mới biết, quần áo mà đứa cháu nội đang mặc là của các nhân vật trong game Audition. Cứ về đến nhà, cô bé lại vùi đầu vào máy vi tính chơi game. Bực mình, bác Huệ tịch thu tất cả quần áo dị cất vào tủ rồi khoá trái. Nhưng mấy hôm sau, không biết từ đâu, đứa cháu gái lại khiêng về một đống trang phục còn dị hơn. Không cản được, bác Huệ quyết định gửi đứa cháu trên chùa Đình Quán (Từ Liêm) để… “tu” trong thời gian hè nhằm cách ly cô cháu gái khỏi game.

Chuyên gia tâm lý hiến kế… giải nghiện

Các chuyên gia tâm lý đều nhận định, dù là những game “sạch”, lành mạnh nhưng cứ chơi từ ngày này qua ngày khác thì cũng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ chưa nói đến những game bạo lực độc hại, có hình ảnh phản cảm xâm phạm chuẩn mực đạo đức văn hoá xã hội. Nếu học sinh ham mê chơi game mà bỏ bê học hành tự biến mình thành “nô lệ” của nó, phải đi ăn cắp ăn trộm, thậm chí cướp của giết người để có tiền chơi game thì đó là hệ luỵ không mong muốn.

Chuyên gia tâm lý, bác sỹ Vũ Minh Phượng (chương trình Cửa sổ tình yêu của VOV) cho biết:“Nói nhẹ không được thì đôi khi cũng phải “nói nặng”. Tuy nhiên nếu dùng roi vọt để trừng trị con cái, khiến nó sợ mà không dám chơi game thì đó là điều khó. Các bậc phụ huynh thường bận rộn với công việc tuy nhiên cũng nên dành thời gian để thủ thỉ tâm sự với con, phân tích những cái được và cái chưa được của việc chơi game để chúng hiểu ra vấn đề từ đó có hướng đi cho phù hợp”.

Chuyên gia Minh Phượng cũng cho rằng, chúng ta cấm trẻ chơi game thì cũng cần tạo ra sân chơi khác cho chúng hoạt động. Rõ ràng sân chơi lành mạnh hạn chế thì trẻ em giải trí bằng game là điều hoàn toàn dễ hiểu. Còn theo TS. Trịnh Hoà Bình, bên cạnh sự nỗ lực của các gia đình cũng cần sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước. Cần quản lý nghiêm giờ đóng mở cửa của các cửa hàng Internet. Không cho học sinh chơi game trong giờ học thì cũng hạn chế được phần nào

Nếu trẻ nghiện nặng quá thì theo TS. Xã hội học Trịnh Hoà Bình cần phải đưa trẻ đến với bác sỹ tâm lý để tư vấn. Đồng thời hướng trẻ đến những hình thức vui chơi giải trí khác. Hoặc hướng trẻ đến những hoạt động thể thao, rèn luyện thân thể, võ thuật… để cho trẻ không bị rối nhiễu về mặt tâm trí không bị u mê trong phòng nhỏ đầy rẫy máy tính. Hoặc đưa trẻ đến các trung tâm giải nghiện game. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra một con số đáng lo ngại, có đến 7,1% người chơi game bị nghiện. Muốn giải nghiện cho những thành phần này cần có biện pháp riêng, theo từng giai đoạn.

theo nguoiduatin


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc