Home » Khoa học, Tiêu biểu sideshow » Bí ẩn cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng

Xưa nay, tại Hoa Lư, vào ngày giỗ Đinh Tiên Hoàng, khi mổ trâu, bò, dê, lợn làm lễ cúng, tất cả lòng đều bỏ đi, không dùng làm cỗ. Đó là tục kị nhắc đến món lòng tẩm thuốc độc đã làm hại vua.

Đinh Tiên Hoàng bị giết hại thế nào?

Sau khi dẹp được “loạn 12 sứ quân”, Đinh Tiên Hoàng, người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là Hoa Lư, Ninh Bình), lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Đinh.

Vào một đêm mùa đông của tháng 10 năm Kỷ Mão (979) Đinh Tiên Hoàng sau yến tiệc, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình. Một viên quan hầu cận là Đỗ Thích vốn nuôi sẵn ý đồ thoán đoạt đã lẻn vào giết chết ông. Sử sách không cho biết rõ Đỗ Thích giết hại vua như thế nào mà chỉ chép ngắn gọn rằng: “Mùa đông, tháng 10, Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết vua ở sân cung đình… Nhân vua ăn yến ban đêm, say nằm ở trong sân, Thích bèn giết, lại giết cả Nam Việt vương Liễn” (Đại Việt sử ký toàn thư).

d
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư, Ninh Bình

Theo dã sử và giai thoại ở Hoa Lư thì Đinh Tiên Hoàng bị đầu độc, trước đây Đỗ Thích xuất thân thấp hèn nhưng vì có công cứu vua thoát nạn trong một trận đánh thời dẹp loạn 12 sứ quân nên sau khi nên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã cho Đỗ Thích làm Chi hậu nội nhân lo việc phục vụ ăn nghỉ của vua. Vì biết Đinh Tiên Hoàng sinh thời thích ăn lòng lợn nên khi cho rằng thời cơ cướp ngôi đã đến, Đỗ Thích dâng lên vua một đĩa lòng lợn rất ngon có tẩm thuốc độc cực mạnh, vua ăn xong trúng độc mà mất. Chính vì câu chuyện này mà từ đó đến ngày nay, tại Hoa Lư, vào ngày giỗ Đinh Tiên Hoàng, khi mổ trâu, bò, dê, lợn làm lễ cúng, tất cả lòng đều bỏ đi, không dùng làm cỗ. Đó là tục kị nhắc đến món lòng tẩm thuốc độc đã làm hại vua.

Tên tục của một số vị vua

Theo quan niệm dân gian, tên tục là tên do cha mẹ đặt lúc mới sinh, chỉ gọi lúc còn bé, thường dùng từ Nôm xấu xí, tuy nhiên cũng có tên không phải là quá xấu. Sử liệu, dã sử cũng cho biết tên tục của một số vị vua nước ta.

Ví như Mai Hắc Đế tên hồi nhỏ là Phượng (một loài chim), vua Trần Thái Tông xuất thân từ gia đình làm nghề chài lưới nên có tên tục là Lành Canh (một loài cá), Lê Chiêu Tông có tên tục là Huệ (một loài hoa).

Khi sinh vua Lê Hy Tông, mẹ ông bị ghẻ lạnh. Bà phải về quê ngoại sống như dân thường, phải mò cua, bắt ốc, hến để kiếm sống và đã đặt tên con là Cáp (nghĩa là con hến), khi lên làm vua, Lê Duy Cáp mới đổi tên là Lê Duy Hiệp. Vua Quang Trung hồi nhỏ tên là Thơm (nghĩa là mùi hương) còn đối thủ của ông sau này lập ra nhà Nguyễn là vua Gia Long có tên tục là Noãn (trứng). Hoàng tộc nhà Nguyễn có lệ gọi cả con trai, con gái đều là mụ (mệ) cho dễ nuôi vì thế các vua hồi nhỏ đều có tên tục, như vua Dục Đức lúc nhỏ được gọi là mệ Tríu, vua Hiệp Hòa là mệ Mến, vua Bảo Đại là mệ Vững…

Vua lấy nô tỳ làm vợ:

Những người được chọn làm vợ vua hầu hết đều xuất thân từ gia đình cao quý, con cháu quan lại, một số người từ tầng lớp dân thường do may mắn mà một bước lên bậc phi tần, vương hậu. Tuy nhiên vì những cơ duyên đặc biệt có phụ nữ ở thân phận nô tỳ, địa vị thấp hèn nhất trong xã hội nhưng lại trở thành vợ vua. Người thứ nhất là bà Nguyễn Thị Cẩn, vợ vua Lê Hiến Tông, bà quê ở Đông Ngàn (nay thuộc Bắc Ninh) vốn mồ côi, nghèo khổ phải đi làm người ở, sau bị bắt làm nô tỳ phục dịch trong cung, vì có sắc đẹp mà bà được vua Lê Hiến Tông lấy làm vợ, phong làm phi, bà chính là mẹ đẻ của vua Lê Uy Mục.

Người thứ hai là một bà phi họ Lê (không rõ tên), quê ở xã Sa Lung, châu Minh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vì gia đình mắc tội, bị bắt làm nô tỳ nhưng xinh đẹp, rất thông minh nên được Lê Uy Mục đón vào cung phong làm phi. Sách Đại Việt thông sử cho biết bà “hầu như độc chiếm tình yêu của vua”.

Chuyện cha con vua Lê Hiến Tông, Lê Uy Mục đều lấy nô tỳ làm vợ thật là chuyện lạ hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam.

Vua Minh Mạng hai lần bị người phương Tây ám sát

Là vị vua thứ 2 của nhà Nguyễn, khác với cha mình là vua Gia Long, Minh Mạng không mấy thiện cảm với người phương Tây do nghi ngại sự nhòm ngó với ý đồ xâm lược, bên cạnh đó những việc buôn bán thuốc phiện, truyền đạo Thiên chúa của người Tây càng khiến chính sách của vua với những người tóc vàng, mắt xanh gay gắt hơn.

Có lẽ vì thái độ này, đặc biệt là chủ trương cấm đạo của vua mà Minh Mạng trở thành đối tượng cần “loại trừ” của người phương Tây; không rõ có bao nhiêu âm mưu hãm hại vua, nhưng trong sách Quốc sử di biên cho biết một đại thần là Hà Tông Quyền đã 2 lần cứu ông thoát chết: “Lúc bấy giờ khách buôn Tây dương dâng áo gấm, giá đáng nghìn vàng. Quyền tâu nói rằng của lạ ngoại quốc không nên vội tin, xin cho tên tử tù hãy mặc thứ áo ấy. Khi tên tù mặc áo ấy, cài cúc vừa xong thì hỏa phát, áo cháy, tên tù bị chết cháy. Vua kinh hãi quá ban khen Quyền. Sau, lại có người nước Hoa Lang (Hà Lan) dâng một đôi cây sáp lớn vẽ tứ linh. Quyền tâu xin cắt ngang một cây ra, thấy có chứa đạn súng và thuốc hỏa mù. Vua càng lấy làm lạ về tài thực của Quyền”.

Lê Thái Dũng

Theo bee


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc