Home » Kinh doanh » Mất tiền mua iPhone 3GS rởm
Lời chào bán chiếc iPhone 3GS loại 32GB còn mới 99% với đầy đủ phụ kiện khá hấp dẫn, khiến anh Thương không đắn đo khi bỏ ra 5,6 triệu đồng để mua. Thanh toán tiền rồi, anh mới phát hiện mình mua phải hàng rởm.

Anh Thương kể, cách đây vài ngày, tình cờ đọc trên trang bán hàng rao vặt, anh đọc được mẩu quảng cáo đăng bán chiếc điện thoại iPhone 3GS 32GB với giá 5,6 triệu đồng.

Nhìn chiếc iPhone 3GS này thật khó ai nghĩ đây lại là chiếc điện thoại “nhái”. Ảnh: sohoa.net.

Người bán có tên là Tùng, số điện thoại 0938xxxxxx cho biết chiếc điện thoại này là hàng xách tay được bà cô xách về từ bên Mỹ. Mới dùng có một tháng nhưng cần tiền nên phải bán. Máy mới 99% không một vết xước nhỏ, với camera chụp ảnh, sóng mạnh, nghe gọi to rõ, Wifi ầm ầm, kết nối từ 3G đến HSDPA, pin tốt xài 3 ngày tha hồ lướt web và nghe nhạc… Ngoài ra, người bán tên Tùng còn quảng cáo, chiếc iPhone 3GS vẫn còn nguyên phụ kiện còn zin kèm theo máy như cáp, sạc, tai nghe.

Anh Thương thấy bản tin rao bán được đăng ngày 19/3 với hơn 140 người vào đọc. Bên cạnh đó, mức giá 5,6 triệu đồng cũng không quá cao so với những gì anh biết về cơn số giá iPhone tại Việt Nam. Do vậy, anh hẹn gặp người có tên là Tùng để thực hiện giao dịch.

Đúng hẹn, Tùng cùng một cậu thanh niên khác đi chiếc xe Novo đời cũ đến để giao hàng. Thấy người đàn ông này có nhiều vết xăm ở trên tay, anh Thương chột dạ cũng định muốn xem máy cẩn thận trước khi giao tiền. “Thế nhưng chẳng biết lý trí của tôi biến đi đâu mất. Mà thú thực tôi cũng chẳng biết là hàng có xịn không vì chưa dùng sản phẩm này bao giờ”, anh Thương kể.

Người đàn ông tên Tùng đưa cho anh Thương chiếc iPhone 3GS. Khi anh chưa kịp kiểm tra thì cậu thanh niên đi cùng Tùng quát lên: “Không mua thì thôi, tao về đi học”. Thấy thế, anh Thương đôi co một hồi để rút tiền xuống còn 5,5 triệu đồng. Giao tiền xong, 2 thanh niên nhảy lên xe phòng thắng. “5 phút sau, định thần lại, tôi kiểm tra kỹ thì phát hiện chiếc iPhone 3GS mà tôi vừa mua với giá 5,5 triệu đồng này là hàng Trung Quốc. Sản phẩm này nếu bán trên thị trường chỉ có giá trên dưới 1 triệu đồng”, anh Thương than thở.

Biết mình bị lừa, anh Thương gửi thư đến VnExpress.net để mong qua câu chuyện này có thể cảnh báo tới những người tham gia mua hàng trên mạng và không có điều kiện kiểm tra kỹ hàng hóa.

Những ngày qua, trên các diễn đàn mạng cũng xuất hiện ngày càng nhiều lời phàn nàn về chuyện mua nhầm iPhone hỏng, hoặc hàng Trung Quốc. Anh Quốc Trịnh mới đây cũng tin vào lời quảng cáo iPhone 3GS giá rẻ hàng xách tay từ Mỹ mà mất oan 4 triệu đồng. “Khi giao hàng, tôi không có cơ hội vào mạng để kiểm tra Wifi và lướt web. Đến khi về nhà kiểm tra thì phát hiện máy không có cảm ứng cũng chẳng có Wifi. Nói chung đừng ai ham rẻ mà mua phải hàng rởm như tôi”, anh Trịnh than vãn.

Theo giới sành dế hiện nay, iPhone 3GS đã dùng rồi có chất lượng từ 97-99% bản 8 GB có giá khoảng 8,5 đến 9,5 triệu đồng, loại 16 GB có giá khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, loại iPhone bản quốc tế có giá đắt hơn iPhone phải bẻ khóa khoảng một triệu đồng. Những mẫu iPhone 3G mới 100% bán tại Việt Nam có giá khoảng 14 triệu đồng. Do vậy, những lời chào mời giá rẻ hàng xịn, mới 99% được cho là “có vấn đề”, người mua cần kiểm chứng.

Giám đốc trang bán hàng trực tuyến Vatgia.com – Vũ Ngọc Điệp, cho rằng thời gian qua, chuyện người tiêu dùng tham gia mua hàng trên chợ ảo và “nếm trái đắng” không hiếm. Bởi người mua thường không thể “mục sở thị” sản phẩm trực tiếp mà chủ yếu dựa vào niềm tin đối với những người bán hàng không quen biết trên mạng. Chính vì thế, trên chợ ảo đã xuất hiện nhiều trường hợp người bán hàng đã lợi dụng niềm tin đó để gian lận, lừa đảo hoặc bán hàng kém chất lượng, hàng không giống như mô tả.

Ông Điệp cho rằng việc giao dịch mua bán, trao đổi hàng hóa trên mạng chỉ thực hiện bằng niềm tin thôi thì chưa đủ. Các doanh nghiệp thương mại diện tử cần phải có những biện pháp để người mua có thể tự bảo vệ mình và hạn chế tối đa rủi ro cho họ. Một trong những cách hiệu quả nhất là tạo ra một khu vực mua sắm an toàn cho người mua. “Hiện nay chỉ một số web bán hàng trực tuyến là có chế độ bảo hiểm giao dịch cho người mua. Nếu chẳng may mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng không đúng chất lượng, khách hàng sẽ được hoàn tiền. Trong đó, Vatgia là trang tiên phong thực hiện công việc này”, ông Điệp cho biết.

Theo ông, trong bối cảnh phần lớn các website mua bán, rao vặt ở VN hiện nay chỉ có tính chất làm cầu nối giữa người mua và người bán. Khách hàng lên mạng tìm thông tin rồi thực hiện giao dịch thỏa thuận với người bán bằng cách chuyển tiền trực tiếp hoặc chuyển khoản ngân hàng. Những giao dịch kiểu này không đủ ràng buộc về mặt pháp lý và tạo nhiều kẽ hở cho nạn gian lận tung hoành và cũng khó xử lý hậu quả nếu chẳng may gặp rủi ro.

“Do vậy, lời khuyên cho khách hàng là khi thực hiện các giao dịch trực tuyến thì người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin về người bán, mức độ uy tín, cũng như tên, địa chỉ và các thông tin liên hệ, chính sách vận chuyển, chính sách bảo hành…”, ông Điệp khuyến cáo.

Hồng Anh

Theo vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc