Home » Khám Phá, Khoa học » Lần đầu tiên phi thuyền bay quanh sao Thủy
Tối qua một tàu vũ trụ của Mỹ đã bay vào quỹ đạo sao Thủy, hành tinh nhỏ và kỳ lạ nhất trong hệ Mặt Trời.

Hình minh họa tàu Messenger bay quanh sao Thủy. Ảnh: solarsystem.ie.

AP cho biết, Messenger, phi thuyền của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), tới sao Thủy tối qua sau cuộc hành trình kéo dài 6 năm rưỡi. Trong quá trình vượt qua quãng đường 4,9 triệu km, nó luôn phải chống trả sức hút từ phía mặt trời. Như vậy, sao Thủy là hành tinh thứ năm trong Thái Dương Hệ được phi thuyền của Mỹ theo dõi.

“Messenger bay cách bề mặt sao Thủy khoảng 190 km. Đó là khoảng cách hoàn hảo”, Eric Finnegan, trưởng nhóm kỹ sư của tàu Messenger, phát biểu.

Chẳng những khó tiếp cận, sao Thủy còn là hành tinh có khí hậu kỳ lạ nhất trong hệ Mặt Trời. Mức chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm trên hành tinh này lên tới 1.100 độ C. Khi sao Thủy gần mặt trời nhất, nhiệt độ bề mặt lên tới 800 độ C. Nhưng bên dưới những hố lớn, nơi ánh sáng mặt trời không tới, nhiệt độ thường dưới mức – 300 độ C.

NASA từng phóng tàu Mariner lên sao Thủy trong thập niên 70, song phi thuyền này chỉ chụp được ảnh của một hòn đá nhỏ trên đó.

Robert Strom, một nhà khoa học tham gia dự án phóng tàu Messenger, nói rằng việc phi thuyền bay vào quỹ đạo hình elip của sao Thủy là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Do tín hiệu từ tàu mất 8 phút để tới trái đất, các kỹ sư không thể thay đổi các thông số của tàu ngay lập tức nếu có sự cố ngoài dự kiến.

Được chế tạo với chi phí 446 triệu USD, Messenger bay lên vũ trụ vào năm 2004. Tháng tới nó sẽ bắt đầu gửi ảnh về trái đất và thám hiểm từ trường, cấu tạo vật chất của sao Thủy. Hành tinh này chứa đựng nhiều bí ẩn mà giới khoa học muốn khám phá. Có tuổi đời tương đương sao Kim, trái đất và sao Hỏa, song sao Thủy có rất nhiều điểm khác biệt với ba hành tinh kia.

Theo tin180


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc