Home » Khám Phá, Khoa học » Sứ mệnh “nhỏ mà không nhỏ” của UNESCOSat
Một cuộc thí nghiệm bằng vệ tinh sẽ kiểm tra xem vi khuẩn trong phân người tồn tại ra sao trong không gian và liệu chúng có thể là một nguồn năng lượng cho các sứ mệnh chinh phục vũ trụ hay không, theo MSNBC.

Ngay cả "sản phẩm phụ" của phi hành gia cũng có thể đắc dụng - Ảnh: Telacrente.org

Dự án do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Florida, Mỹ, chủ trì này sẽ tập trung vào một vi khuẩn có tên Shewanella có khả năng chuyển đổi phân thành hydrogen để sau đó có thể được sử dụng trong pin nhiên liệu.

Câu hỏi đầu tiên là liệu vi khuẩn có thể tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt của vũ trụ hay không.

Donald Platt, Giám đốc Chương trình Khoa học Không gian của Viện Công nghệ Florida cho biết: “Đây là một phương pháp tiềm năng, có thể được vận dụng để thu chất thải và phát điện trong một số sứ mệnh đi sâu vào không gian của con người”.

Các nhà nghiên cứu dự định kiểm tra khả năng chịu đựng của Shewanella, vi khuẩn sẽ bay với vai trò là một trong hai thí nghiệm phụ trong sứ mệnh UNESCOSat của Liên Hiệp Quốc (LHQ), dự kiến được phóng vào năm tới.

Thí nghiệm phụ còn lại là kiểm tra các nhánh vũ trụ của một quần thể vi sinh vật để xem chúng có thể tồn tại được hay không khi di cư từ Trái Đất đến Sao Hỏa hoặc ngược lại.

Cả hai thí nghiệm được đặt trong hai vệ tinh nhỏ, hoạt động độc lập gọi là CubeSat, có trọng lượng gần một kg và kích thước mỗi bên hơn 10 cm. “Phóng các vệ tinh CubeSat luôn là điều không dễ dàng. Chúng ta không có nhiều cơ hội”, ông Platt nói.

Nga đề xuất sứ mệnh giáo dục của LHQ để kỷ niệm 50 năm chuyến bay của Yuri Gagarin, phi hành gia đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ vào ngày 12.4.1961.

UNESCOSat chủ yếu là một camera cảm biến từ xa vốn sẽ được vận hành bởi các sinh viên, đặc biệt là những người đến từ các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, vùng biển Ca-ri-bê và một số nước khác thuộc Thế giới thứ ba.

“Chúng tôi muốn vươn đến những vùng nông thôn”, Laszlo Baksay, giám đốc dự án của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO) phát biểu. UNESCO là tổ chức thúc đẩy khoa học và công nghệ ở các khu vực kém phát triển của thế giới.

Nga đã cam kết cung cấp tên lửa đẩy và khung cho UNESCOSat. Ngoài CubeSat của Viện Công nghệ Florida, Nga dự kiến sẽ chọn lựa một hoặc một vài thí nghiệm khoa học không gian để bay “quá giang” cùng vệ tinh của LHQ.

UNESCOSat dự kiến sẽ lưu lại trên quỹ đạo trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm. Vi khuẩn trên các vệ tinh CubeSat có thể sẽ có đủ thức ăn để duy trì trong vài tuần.

“Nếu có điều gì xảy ra, nó sẽ xảy ra tương đối nhanh. Có rất nhiều đặc điểm độc đáo của không gian. Chúng ta không biết liệu những vi khuẩn này có tồn tại và sống khỏe được hay không. Đó là thứ để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhưng trong không gian, nhiều hệ thống sinh học thay đổi, hoặc tốt hơn hoặc xấu đi”.

Theo maivoo


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc