Home » Xã hội » Thịt lợn Việt Nam cũng nhiễm độc gây ung thư

Bác sĩ Huỳnh Hữu Thọ, Trưởng trạm Chẩn đoán xét nghiệm – điều trị thuộc Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, trong số gần 500 mẫu thịt lợn đang bày bán tại các chợ, có gần 30% mẫu dương tính với Clenbuterol. Đáng lo là khi có kết quả xét nghiệm này thì toàn bộ số thịt heo trên đã được tiêu thụ hết.

Còn tại miền Bắc, đại diện Bộ Y tế khẳng định, hiện thị trường miền Bắc chưa phát hiện thịt lợn nhiễm Clenbuterol.

Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết, chất Clubuterol đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước, đây là một loại hormone hướng nạc, thường được sử dụng rộng rãi trong ngành chăn nuôi nhằm tạo cho thịt lợn có nhiều nạc hơn, miếng thịt lợn có màu hồng tươi ngon trong một thời gian dài.

Thế nhưng, khi lợn ăn thức ăn có trộn Clenbuterol, chất này sẽ tập trung nhiều ở các cơ quan nội tạng như gan, thận, phổi và làm người ăn lòng lợn mắc bệnh. Nguy hiểm hơn, Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Dư lượng Clenbuterol trong thịt gia súc có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng như biến chứng ung thư, ngộ độc cấp: run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng.

Người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thịt lợn “lành”, đâu là thịt lợn “độc”.  Ảnh: Datviet

Người tiêu dùng khó phân biệt thịt lợn “lành”, đâu là thịt lợn “độc”. Ảnh: Datviet

Thường chất Clenbuterol được người chăn nuôi sử dụng khoảng 21 ngày trước khi xuất chuồng. Đây là chất cực mạnh, có tác dụng nhanh, 1 kg Clenbuterol có thể trộn với 1 tấn thức ăn gia súc. Nếu như trước đây nuôi một con lợn 5 tháng mới được 1 tạ, nay với Clenbuterol, chỉ cần chưa đầy ba tháng là lợn đã đủ tạ. Clenbuterol có thể gây đột biến tế bào.

Trước đó, thông tin từ AP cho hay, 2/2009, 70 người tại Quảng Châu đã phải nhập viện với những triệu chứng đau bụng và tiêu chảy sau khi ăn phải nội tạng lợn nhiễm độc. Năm ngoái tại Thâm Quyến, 13 người cũng đã nhập viện vì ăn phải thịt rắn bị nhiễm độc Clenbuterol.

Hiện nay có rất nhiều trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ ở Trung Quốc trộn “bột thịt nạc” Clenbuterol, loại phụ gia độc hại bị cấm sử dụng từ lâu, vào thức ăn chăn nuôi.

Các chuyên gia cảnh báo, khi nhìn thấy miếng thịt có sắc đỏ khác thường, lớp nạc dính xuống da, bắp vai, bắp đùi có lượng thịt phát triển khác thường, có nhiều cục nạc u lên thì không nên mua.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, thịt lợn tươi ngon có tiêu chuẩn: màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Các thớ thịt đều. Thịt sử dụng nhiều chất kích thích tăng trọng thường tích nhiều nước, thịt có độ săn chắc kém. Nếu thịt ướp hàn the hoặc urê thì khi sờ vào sẽ có cảm giác cứng hơn và không còn độ dẻo dính của thịt tươi.


T.An(tổng hợp)

bee


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc