Home » Khám Phá, Khoa học » Mặt trời, nước biển biến sa mạc thành ốc đảo
Thành phố biển khô cằn Aqaba của Jordan sẽ trở thành một ốc đảo nhờ dự án đầy tham vọng của Sahara Forest Project, tổ chức công nghệ môi trường tại Na Uy.

Dự án ốc đảo tại Aqaba - Ảnh: Sahara Forest Project

Theo chuyên san Science, khu vực rộng 20 ha sẽ được áp dụng 2 công nghệ vượt trội: các nhà kính tiêu thụ nước biển cùng thiết bị chuyển hóa năng lượng mặt trời để trồng trọt và khử muối trong nước biển bơm từ Hồng Hải. Dự án này đã được chính quyền Jordan thông qua và sẽ hoạt động trong năm sau.

Vào năm 2009, Sahara Forest Project đã giới thiệu ý tưởng lạ lùng trên trong Hội nghị Môi trường Copenhagen của Liên Hiệp Quốc. Sau đó, nhóm đã được tiếp kiến vua Abdullah II của Jordan. Được thuyết phục rằng dự án đó đáng được thử nghiệm tại nước mình, nhà vua cho phép xây dựng ốc đảo nhân tạo đầu tiên tại đặc khu kinh tế Aqaba.

Theo đó, một hệ thống nhà kính sẽ tận dụng năng lượng mặt trời dồi dào tại Jordan để chưng cất nước biển thành nước ngọt. Trong lúc quá trình này diễn ra, một môi trường mát mẻ và ẩm ướt một cách tự nhiên sẽ được tạo ra, thuận lợi cho việc trồng trọt. Năng lượng cung cấp cho toàn bộ khu này đến từ nhà máy sử dụng hệ thống gương để tập trung ánh sáng vào các ống chất lỏng. Chất lỏng này bị đun nóng, hơi nước thoát ra sẽ chạy các turbin phát điện.

Ngoài việc xây dựng các ốc đảo dọc theo bờ biển, dự án tương tự cũng có thể được triển khai sâu trong đất liền. Một số vùng khô cằn trong sa mạc

Sahara thấp hơn mực nước biển, nên có thể không cần dùng máy bơm để chuyển nước vào trong ốc đảo để sử dụng. Chẳng hạn như vùng đất trũng Qattara tại Ai Cập thấp hơn mực nước biển hơn 132m.

Hạo Nhiên

Theo maivoo


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc