Home » Khám Phá, Khoa học, Tiêu biểu sideshow » Phát hiện một hình thái mới của sự sống
Dưới đáy một hồ nước mặn ở California, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra một dạng mới của sự sống : Đó là một loại vi khuẩn có khả năng sống và phát triển nhờ vào chất arsenic – thuờng gọi là thạch tín, một hóa chất tự nhiên cực kỳ độc.

Loại vi khuẩn có khả năng sống nhờ vào chất thạch tín (DR)

Theo một công trình nghiên cứu do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ – NASA tài trợ và được công bố trên tạp chí Sciens, đầu tháng 12 năm nay, thì vi khuẩn này không những sống được trong môi trường thạch tín mà còn thâu nạp nguyên tố hóa học này vào trong gen ADN và tế bào của chúng.

Đây là một phát hiện quan trọng, cho thấy sự hiểu biết của con người còn quá hạn hẹp và cần phải xem xét lại định nghĩa về sự sống. Bởi vì cho đến nay, các nhà khoa học vẫn cho rằng chỉ có 6 nguyên tố cơ bản cần thiết cho sự sống phát triển, đó là các bon, hydrô, nitơ, ô xy, phốt pho và lưu huỳnh.

Thế nhưng, theo bà Felisa Wolfe-Simon, chuyên gia nghiên cứu vi sinh học ở Viện địa vật lý Hoa Kỳ, thì có một vi khuẩn tự phát triển nhờ vào chất thạch tín. Điều này mở ra một khả năng mới nghiên cứu về sự sống ở những nơi khác, ngoài trái đất.

Tất cả bắt đầu qua cuộc thảo luận cách này vài năm về những hình thái của sự sống có thể tồn tại trên trái đất. Vào năm 2009, ba nhà nghiên cứu, bao gồm bà Felisa Wolfe-Simon, giáo sư Ariel Anbar thuộc đại học Arizona và nhà khoa học Paul Davies đã đăng một công trình nghiên cứu đưa ra giả thuyết là arsenic – thạch tín có thể thay thế phốt pho, trong những hình thái ban đầu của sự sống. Trong bản tuần hoàn nguyên tố hóa học, chúng đứng sát nhau, phôt pho – ký hiệu P, số nguyên tử 15 còn lưu huỳnh ký hiệu S có số nguyên tử 16.

Giả thuyết này được chuyên gia Felisa Wolfe-Simon tiến hành thí nghiệm tại hồ Mono, nơi có tỷ lệ muối và thạch tín cao, ở California. Cụ thể là bà lấy mẫu trầm tích của hồ và cho vào lọ có chứa chủ yếu là chất thạch tín và ít phốt pho. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có một loại vi khuẩn sống sót, với tên gốc là GFAJ-1. Giáo sư Anbar giải thích, đó là một loại vi khuẩn đã được biết đến nhưng cho đến nay, không một ai nghĩ rằng chúng có thể sống và phát triển trong môi trường rất độc là thạch tín.

Hơn nữa, vi khuẩn sử dụng thạch tín như một nguyên tố để tự phát triển. Như vậy, so với quan niệm sự sống nhất thiết phải cần đến 6 nguyên tố, thì có thể đây là một trường hợp ngoại lệ. Theo logique này, thì ngoài sự sống trên trái đất, việc một loại vi khuẩn sống và phát triển được trong môi trường thạch tín buộc chúng ta phải nghĩ tới khả năng tồn tại những hình thức khác của sự sống ở những hành tinh mà cho đến nay vẫn được coi là không thể có sự sống.

Mặc dù công trình nghiên cứu nói trên có ý nghĩa to lớn, nhưng theo lời giáo sư Anbar, chưa ai biết là đến khi nào thì có thể phát hiện ra sự sống ở một hành tinh khác ngoài trái đất.

Theo tin rfi

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc