Home » Khám Phá, Khoa học, Tiêu biểu sideshow » Tìm thấy côn trùng cổ 50 triệu năm tuổi ở Ấn Độ
Hơn 700 mẫu vật của động thực vật thời cổ đại lần đầu tiên được biết tới, sau khi các nhà khoa học tìm thấy chúng trong một khối hổ phách ở Ấn Độ.
Hóa thạch nhện trong hổ phách

Hóa thạch nhện trong hổ phách

Theo tính toán của các nhà khoa học, khối hổ phách nặng 150 kg được tạo bởi một rừng nhiệt đới cổ ở Ấn Độ. Loại hổ phách này được gọi là hổ phách Cambay, được tìm thấy trong một mỏ than nâu ở Cambay Shale, thuộc bang Gujarat, miền tây Ấn Độ.

Theo thuyết về sự hình thành lục địa thì thuở sơ khai, trên trái đất chỉ có hai siêu lục địa. Một nằm ở phía bắc được gọi là Laurasia và một nằm ở phía nam được gọi là Gondwana. Khi Gondwana tách ra thành nhiều mảnh nhỏ hơn vào giữa kỷ Jura, khoảng 160 triệu năm trước, thì hầu hết các mảnh này đều nằm ở nam bán cầu, một số bắt đầu trôi dạt về bắc bán cầu.

Hành trình này kéo dài ít nhất 100 triệu năm bởi mỗi năm chúng chỉ tiến thêm khoảng 15-25 cm trên đại dương. Nhưng cuối cùng, một trong số chúng đã va chạm với châu Á và trở thành một tiểu lục địa Ấn Độ được biết tới ngày nay. Và trong quá trình này, dãy Himalaya cũng đã được hình thành.

Trong khối hổ phách lưu trữ rất nhiều mẫu côn trùng vẫn còn khá nguyên vẹn và có tuổi thọ hơn 50 triệu năm. Đa số trong chúng chưa từng được tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Điều đó cho thấy, tuy Ấn Độ trong thời cổ đại là một hòn đảo trôi nổi trên đại dương, nhưng hệ sinh thái ở đây đã cực kỳ phát triển.

Từ lâu các nhà khoa học đã tin rằng, quá trình trôi dạt và bị cô lập hoàn toàn của tiểu lục địa Ấn Độ đã góp phần tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho rất nhiều loài động thực vật chỉ có ở đây phát triển.

Tuy nhiên có một lỗ hổng trong giả thuyết này đó là, điều kiện khí hậu nhiệt đới của Ấn Độ gây cản trở cho việc bảo tồn, hủy hoại các hóa thạch khiến các nhà khoa học tìm thấy rất ít bằng chứng chứng minh cho giả thuyết của họ về những sinh vật “đặc hữu” của khu vực này.

Những hóa thạch của động vật có xương sống được phát hiện từ trước tới nay cũng có rất ít tính riêng biệt. Còn hầu hết các phát hiện gần đây cũng cho thấy, loài côn trùng hiện đại ở Ấn Độ cũng có nét tương đồng với những loài côn trùng sống hàng triệu năm trước đây ở các phần khác nhau trên thế giới như châu Á, Úc, và Nam Mỹ.

Để giải thích cho hiện tượng này, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết về “cầu nối”. Có thể đã có một hòn đảo nhỏ hình trước trước cuộc va chạm giữa châu Á và Ấn Độ trong thế Eocen (cách đây 39-58 triệu năm), từ đó các loài côn trùng đã di chuyển sang hai phía.

Một số khác cho rằng trong quá trình trôi nổi hàng triệu năm trên đại dương, trên tiểu lục địa Ấn Độ có một số côn trùng biết bay, giúp chúng có thể vượt đại dương một vài km hay đôi khi những loài nhỏ bé chỉ đơn giản di chuyển bằng cách thả mình theo gió.

Nhưng trong khám phá mới, thì hổ phách Cambay được tìm thấy là loại hổ phách có nguồn gốc từ các rừng mưa nhiệt đới cổ đại. Hổ phách này được hình thành từ loài cây gỗ cứng có hoa gọi là Dipterocarpaceae sống từ thế Eocen.

Ngày nay, chúng vẫn còn sống rất phổ biến trong các khu rừng nhiệt đới thuộc khu vực Đông Nam Á. Điều đó có thể giúp các nhà khoa học xác định chính xác hơn tuổi của các rừng mưa châu Á bởi từ trước tới nay, các nhà khoa học tin rằng, các rừng mưa nhiệt đới trên toàn Đông Nam Á mới chỉ hình thành từ thế kỷ Miocen khoảng 20-25 triệu năm trước.

Theo lời ông David Grimaldi từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ cho biết: “Những gì chúng tôi tìm thấy ở Ấn Độ là bằng chứng hóa thạch đầu tiên của một loại rừng mưa nhiệt đới cổ đại thuộc họ cây dầu Dipterocarpaceae ở châu Á”.

Bên cạnh độ tuổi đáng kinh ngạc của rừng mưa này, khám phá mới còn chỉ ra một số lượng đáng kinh ngạc các mẫu vật côn trùng cổ đại vẫn còn được bảo quản rất hoàn hảo, mà đa số trong đó chưa từng được tìm thấy từ trước tới nay.

Hổ phách Cambay nhẹ hơn so với các loại hổ phách khác giúp các nhà khoa học có thể dễ dàng sử dụng dung môi toluene và chloroform chiết xuất xác các loài côn trùng cổ, thực vật và nấm ra khỏi nó một cách nguyên vẹn. Các mẫu hóa thạch được xác định có tuổi thọ vào khoảng 52 triệu năm.

Theo tin180


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc