Home » Tiêu biểu sideshow, Xã hội » Núi đổ, đất cựa nứt nhà khi gia chủ đang ăn

Hết gánh “lũ” thủy điện, giờ đường sá Phú Yên lại liên tục gãy đứt. Nhiều gia đình đang ăn, đang ngủ thì núi đổ xuống, đất bỗng cựa nứt nhà, sụp đường,…

Một người bạn bị “nằm” tàu hỏa cả ngày ở ga Tuy Hòa (do núi lở đứt đường sắt tại đèo Cả, giữa Phú Yên-Khánh Hòa), nói với tôi: “Mấy ngày nay, xứ Nẫu Phú Yên đúng là liên tục… kiếp nạn.

Núi đổ, đường sụp

Liên tiếp trong một tuần qua, các điểm sạt lở phía tây núi (đường Lê Trung Kiên), phía bắc núi (đường Tản Đà) đã làm 5 căn nhà bị sập, 10 nhà bị hư hỏng, một cháu bé bị thương nặng vào đầu, hàng trăm hộ dân đang sống trong phấp phỏng lo âu…

Mới đây, chúng tôi lại nhận được tin núi Nhạn tiếp tục lao xuống khu dân cư. Đó là điểm sạt lở rộng phía đông nam núi, rộng khoảng 20m từ độ cao trên 60m, cách Di tích kiến trúc-nghệ thuật quốc gia tháp Nhạn khoảng 50 m; đất đá đổ nhào đang đe dọa hàng trăm hộ dân sống ở khu phố 1, phường 1 (TP Tuy Hòa).

Núi đổ, đất cựa nứt nhà khi gia chủ đang ăn

Núi Nhạn tàn phá công viên ở giữa TP Tuy Hòa.

Nghiêm trọng hơn, cách đó vài chục mét, phía sườn nam vừa xuất hiện một điểm lở núi rộng hơn 20m, từ độ cao 50m, nhiều tảng đá to đổ thẳng xuống một công viên dưới đường kè Bạch Đằng, làm nhiều hộ dân sống cạnh đó thêm một phen hoảng hồn.

Đây là dự án công viên tựa vào chân núi, cùng một con đường mới được xây thêm để lên núi Nhạn từ hướng nam; đang sắp hoàn thành. Đất cùng nhiều tảng đá to vài mét khối đã làm gãy vỡ nhiều trụ đèn, đường đi… tại công viên này và tiếp tục đe dọa hàng chục hộ dân gần đó.

Ông Phạm Phượng (60 tuổi) có nhà (16 nhân khẩu) sống cạnh khu công viên, cho hay: “Những ngày núi Nhạn lở, gia đình tôi không thể nào ngủ yên. Mưa liên miên, núi đổ lúc nào có nghe đâu, sáng ra mới thấy! Hết mưa rồi, núi vẫn tiếp tục lở… Nhà tôi đã được đưa vào kế hoạch di dời, tái định cư nhưng chưa thấy gì…”.

Núi đổ, đất cựa nứt nhà khi gia chủ đang ăn

Theo ông Võ Xuân Lộc, Chủ tịch UBND phường I (Tuy Hòa), có ít nhất 400 nhà dân đang sống lâu đời quanh chân núi Nhạn, trong đó, rất nhiều hộ đang bị “hù dọa” trực tiếp. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời khẩn trên 20 hộ và đang tiếp tục cảnh báo người dân về những nguy hiểm chực chờ từ ngọn núi mộng mơ giữa thành phố này…

Liền đó, quốc lộ 1A… thót tim với cảnh tượng nứt sụt đường trầm trọng tại khu vực thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An. Gần 100m quốc lộ qua đây bỗng nhiên nứt toác, sụp lún từ 2 ngày qua; có đoạn làm sụt lún hơn 1/3 mặt đường. Sự cố nứt sụp đường này đã làm một ngôi nhà bên đường bị hư hại, phải khẩn cấp sơ tán tránh hậu họa. Lực lượng CSGT Phú Yên đang liên tục bám đường để điều tiết giao thông một chiều, chống rủi ro cho dòng xe cộ bắc-nam liên tục dồn ứ hai đầu.

Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, cho biết: đơn vị đã huy động nhân lực mở rộng một bên và đổ đất đá làm đường tránh tạm để phương tiện lưu thông. Biện pháp ổn định nền đường khu vực này vẫn đang làm cơ quan chức năng hết sức bối rối; bởi QL1A qua Cần Lương đã có nhiều vụ sụp đứt, gây tắc đường nghiêm trọng trong các năm qua…

Núi đổ, đất cựa nứt nhà khi gia chủ đang ăn

Lún sụp quốc lộ 1A qua Tuy An-Phú Yên

Lũ cát, nhà gãy

Cũng tại huyện Tuy An, ngày 9/11, lần đầu tiên tại xã An Hải đã xuất hiện tình trạng lũ cát làm hư hỏng nhiều con đường liên thôn, vùi lấp nhiều tài sản, lún sụp nhiều nhà dân. Theo ông Nguyễn Kim Tâm, Trưởng thôn Xóm Cát (An Hải) thì mưa lớn liên tục làm lượng nước cùng cát từ trên các đồi phi lao đổ về… khủng khiếp.

Ban đầu, người dân ở đây cứ tưởng cát ít, nhưng trời càng tối cát xuất hiện càng nhiều. Mọi người phải dầm mưa dùng chà lá, bao cát để chắn cát khỏi chảy vào khu vực nhà mình. Đến chiều tối, nước về nhiều nên dẫn theo cát chảy rông khắp làng. Anh Tâm chưa hết ngỡ ngàng: “Chúng tôi phải huy động toàn thôn ra chắn cát nhưng không cách gì chống xuể, nước và cát về nhiều quá! Đành phó mặc…”.

Có mặt tại Xóm Cát chúng tôi chứng kiến cảnh cả làng xóm ngập ngụa cát, trắng ngập nhiều cây cối, chuồng trại, nhà cửa, chợ búa,…Riêng trong nhà bà Biện Thị Sáng (95 tuổi) đã bị sụn lún một hố sâu khoảng 1,2m, rộng hơn 2m, phía dưới nước chảy rộng tạo thành hầm ếch, rất nguy hiểm… Ra ngoài đường, bước chân đến đâu là cát lún sụn sâu từ 0,3-0,5 m, rất dễ xãy ra tai nạn do… ngập cát.

Núi đổ, đất cựa nứt nhà khi gia chủ đang ăn

Nứt đất từ ngoài đường đến nứt nhà ở An Lĩnh-Tuy An

Núi đổ, đất cựa nứt nhà khi gia chủ đang ăn

Núi đổ, đất cựa nứt nhà khi gia chủ đang ăn

Chống lũ cát ở An Hải-Tuy An

Núi đổ, đất cựa nứt nhà khi gia chủ đang ăn

Ông Ngô Văn Yêm, Chủ tịch UBND xã An Hải, cho hay: Đây là một hiện tượng trước giờ chưa có và cơ quan chức năng đã cử người về nghiên cứu để tìm cách khắc phục.

Ngược lên hướng tây, tại xã An Lĩnh (Tuy An), chúng tôi lại chứng kiến cảnh hàng loạt vết nứt kéo dài từ ngoài đường xông thẳng vào những ngôi nhà như hiện tượng động đất; có vết dài hàng chục mét, sâu rộng đến hơn 1 m.

Ông Phan Chí Linh (ở thôn Phong Thái, An Lĩnh), rùng mình: “Ngay tối mưa lớn 9/11, cả nhà tôi đang ngủ thì bỗng nghe “rắc rắc, ùm ùm”, bật dậy thì biết đó là tiếng vỡ nứt của gạch hoa, tường nhà. Nhiều mảng nền nhà bị lún sụp, trong khi đó có nhiều vết nứt từ đất chạy thẳng lên tường… Hoảng quá, cả nhà phải bỏ của chạy thoát thân…”.

Theo UBND xã An Lĩnh, toàn xã đã có ít nhất 30 nhà bị ảnh hưởng, hư hại do hiện tượng nứt, sụp đất. Điều quan trọng hơn lúc này là việc tìm hiểu, giải thích rõ nguyên nhân và cách “trị” căn cơ để người dân yên tâm sống trên… đất! Trong lúc này, UBND huyện Tuy An đang tập trung giúp dân ứng phó hàng loạt chuyện “lạ, dữ” và phối hợp với cách cơ quan chức năng để tìm giải pháp ứng phó…

Theo Zing.vn


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc