Home » Xã hội » Châu Á tuần này – tâm điểm của thế giới
Chuyến trở lại châu Á công phu của Tổng thống Mỹ lần nữa khẳng định vai trò chiến lược của châu Á với Washington. Vai trò của khu vực tiếp đó lại được tô đậm với hội nghị thượng đỉnh APEC quan trọng và thượng đỉnh G20 lần đầu tiên diễn ra ở đây.
Châu Á tuần này thu hút dư luận thế giới với một loạt sự kiện ngoại giao

Châu Á tuần này thu hút dư luận thế giới với một loạt sự kiện ngoại giao

Mỹ – lần nữa khẳng định vai trò thiết yếu của châu Á

Sau thất bại đã được dự đoán trong cuộc bầu cử giữa kỳ tuần trước, Tổng thống Barack Obama bắt đầu chuyến công du 10 ngày đến một loạt nước lớn trong vùng là Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chuyến thăm của Obama là một bước mới trong nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục vai trò số một của mình trong một khu vực được đánh giá là thiết yếu cho sự an nguy của nước Mỹ.

Chuyến đi nối tiếp theo một loạt các chuyến viếng thăm khu vực của những nhân vật nặng ký trong Chính phủ Mỹ, từ Ngoại trưởng Hillary Clinton cho đến Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates. Ngay trước đó, khi nói chuyện với báo chí, đại diện của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho rằng chuyến đi này nhắm vào mục đích cho thế giới thấy Washington đánh giá cao quan hệ với những nước châu Á-Thái Bình Dương và khẳng định vai trò của mình ở khu vực, để giúp bảo vệ ổn định cho khu vực này và mở rộng trao đổi kinh tế. Chuyến đi được giới phân tích đánh giá là có thể dẫn tới sự chuyển hướng chiến lược rất lớn trong cán cân quyền lực quốc tế.

Tổng thống Barack Obama quyết định ghé thăm Ấn để một lần nữa, xác định với chính phủ Ấn là ông theo đuổi quan hệ hợp tác chiến lược đã được xây dựng từ vị tiền nhiệm là Tổng thống George W. Bush. Ngày 6/11, khi bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày, Obama đã gọi quan hệ Mỹ-Ấn là “một quan hệ đối tác rõ ràng của thế kỷ 21” và tỏ quyết tâm tạo ra một quan hệ thương mại mới với thị trường đang nổi lên nhanh chóng của Ấn Độ. Việc Washington và New Delhi mở rộng các quan hệ thương mại có xu hướng tạo ra ảnh hưởng dây chuyền đến cán cân quyền lực tinh tế của châu Á.

Chặng dừng chân tiếp theo ở Indonesia có thể xem đây là chuyến về thăm nhà của Tổng thống Mỹ, vì lúc còn nhỏ ông Obama đã từng sống ở Indonesia. Nhưng ông chủ Nhà Trắng quan tâm nhiều đến Indonesia không phải vì quan hệ cá nhân như nhiều người lầm tưởng, mà vì đây là một nước mạnh trong khu vực mà Mỹ đã đặt quan hệ đối tác chiến lược. Ông tận dụng chuyến thăm vào mục đích mà ông đã đặt ra ngay từ ngày nhậm chức là xây dựng mối quan hệ hoàn toàn mới với cộng đồng Hồi Giáo thế giới.

Trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ có chặng dừng chân ở Hàn Quốc và Nhật Bản để tham dự các hội nghị cấp cao của G20 và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), và gặp riêng 7 nhà lãnh đạo thế giới. Tại Hàn Quốc, tổng thống Obama sẽ đề cập đến thỏa thuận tự do mậu dịch ký năm 2007 nhưng chưa được thực thi do có nhiều phản đối từ đảng Dân Chủ. Đó là một trong những chủ đề mà Obama hy vọng có thể hợp tác với Đảng Cộng hòa. Tổng thống Mỹ đến Nhật không phải chỉ để dự hội nghị cấp cao APEC, mà còn nhắm vào những mục tiêu chiến lược khác nữa, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh đang xảy ra.

G20 và APEC – châu Á tạo cơ hội tháo gỡ những bất đồng

Đề tài quan trong tại hội nghị G20 trong hai ngày 11 và 12/11 ở Hàn Quốc là tránh một cuộc chiến tranh thương mại có thể đưa kinh tế toàn cầu tới chỗ suy thoái trở lại. Còn Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 18 trong hai ngày 13 và 14/11 ở Nhật Bản tập trung vào phát triển thương mại tại châu Á, khu vực có các nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Đây là Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên được tổ chức tại một nền kinh tế mới nổi, với vinh dự và trách nhiệm dồn lên vai của Hàn Quốc. Hội nghị thượng đỉnh G20 là 1 sự kiện quan trọng để dự báo đường hướng tương lai của nền kinh tế thế giới. Đối với Hàn Quốc, đây là 1 hội nghị ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Toàn cộng đồng quốc tế đang hướng về hội nghị sắp tới, nơi các nhà lãnh đạo sẽ tìm ra biện pháp để đạt được tiến triển đáng kể nhằm chấm dứt cuộc chiến tiền tệ.

Hội nghị G20 cũng được kỳ vọng mang lại những thành quả cụ thể về cái gọi là “Sáng kiến Hàn Quốc” bao gồm các vấn đề phát triển và tăng cường mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. G20 cũng sẽ xét tới việc đặt ra các mục tiêu cụ thể cho cán cân mậu dịch, là điều Mỹ và Hàn Quốc bênh vực, nhưng Trung Quốc, Nhật Bản, và Đức lại hoài nghi. Theo các kinh tế gia và các nhà phân tích chính trị, G20 sẽ được gọi là thành công nếu giải quyết được tranh chấp về tiền tệ và hứa hẹn giảm bớt tình trạng mất cân bằng trong cán cân mậu dịch.

Còn tại Yokohama (Nhật Bản), trước những nhân tố gây bất ổn vẫn còn hiện hữu với kinh tế thế giới, dư luận đang chờ đợi kết quả cuộc họp của các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC và các quyết sách quan trọng mà họ sẽ đưa ra nhằm hỗ trợ tăng trưởng của các nền kinh tế.

Tăng cường hội nhập kinh tế khu vực là một trong những lĩnh vực chính mà APEC tập trung trong năm nay khi các nền kinh tế thành viên được giao nhiệm vụ tìm tòi “các cách khả dĩ” nhằm đạt được Khu vực tự do thương mại Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) như đề xuất. Ngoài ra, Mỹ lại đang ủng hộ một hiệp định thương mại tự do đa phương Châu Á – Thái Bình Dương được gọi là Hiệp định đối tác liên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài vấn đề kinh tế, mối quan tâm dành cho APEC còn gồm cả các quyết sách liên quan đến tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên trong lĩnh vực an ninh và chính trị của khu vực.

Bên lề hai sự kiện này, dư luận còn chờ đợi một loạt cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng. Tokyo từng bày tỏ mong muốn sẽ tiến hành các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan “nhằm tạo những nỗ lực cụ thể để tạo ra những điều kiện và bầu không khí thích hợp nhằm cải thiện và phát triển quan hệ song phương”. Obama cũng sẽ gặp đồng nhiệm Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Seoul và hai bên sẽ tìm cách xoa dịu các bất đồng, sao cho chuyến công du Mỹ vào đầu năm tới của Chủ tịch Trung Quốc diễn ra suôn sẻ.

Theo tin247


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc