Home » Khoa học » Triệu phú hoang dã

Anh vươn lên thành triệu phú từ đôi tay trắng. Tên tuổi anh gắn liền với con vật hoang dã như: “Đại baba”, “Đại kỳ đà”… Thành công của anh Phạm Trọng Đại (xã Phướng Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai) bắt đầu từ những ngày “tha phương cầu thực”, ăn rau lang trừ cơm…

Trang trại 2 hecta và ngôi biệt thự khang trang giữa rừng cây xanh này ngày xưa là vùng “đất chết”. Sau khi lập gia đình, nghèo khó vây quanh nên anh nghĩ đến chuyện tìm đất mới đổi đời. Những ngày đầu khăn gói vào Nam lắm gian nan vì không nghề, không tiền. Anh cùng vợ tìm đến mảnh đất hoang trồng trọt kiếm ăn qua ngày, nhiều lúc phải ăn rau lang trừ cơm. “Mảnh đất này hơn 20 năm trước là vùng trũng phèn mặn, ai đến cũng bỏ đi, nhiều lúc tôi cũng nản chí” – anh Đại nhớ lại. Nhưng rồi anh vận động bà con cùng nhau dẫn nước ngọt từ một con suối tận rừng sâu về trồng lúa, hoa màu. Cây lúa bén đất, anh nghĩ đến chuyện chăn nuôi gà vịt, đào ao thả cá…

Mô hình VAC anh làm rất thành công, đến khi phong trào nuôi baba rộ lên, anh nhanh chân học hỏi. Nhiều người trắng tay vì baba nhưng anh may mắn thành công. Anh còn thành công trong mô hình nuôi cá thâm canh, với diện tích 3.000 m2 mặt nước, mỗi năm anh thu hoạch trên 20 tấn cá trê, lóc, tai tượng…

Nhiều người biết đến anh với biệt danh “Đại kỳ đà”. Một dịp tình cờ, anh mua lại 4 con kỳ đà khi một thương lái đem bán cho nhà hàng. Chỉ sau một năm nuôi, kỳ đà tăng trọng 2 – 3 kg/con trong điều kiện chăm sóc bình thường, thức ăn dễ kiếm. Anh bắt đầu mở rộng đàn và gây giống.

Anh Đại cho biết, kỳ đà rất dễ nuôi và mau lớn trong điều kiện nuôi nhốt. Chú ý làm chuồng cao (xi-măng, lưới sắt) để kỳ đà không cắn phá bò đi. Trong tự nhiên, kỳ đà sống rất đơn giản trong hốc đá, gốc cây, bụi đất… Kỳ đà rất ưa thức ăn có mùi thối như ruột heo, bò, gà, vịt, cá ương… Chúng cũng ăn ếch, nhái, chuột, côn trùng… Trong chuồng cần bố trí ống nhựa nước loại lớn để kỳ đà chui vào nghỉ ngơi, bố trí chỗ tắm và nơi uống nước cho chúng cũng như bãi đất, đá cao. Giống kỳ đà anh Đại đang nuôi là kỳ đà khô, con trưởng thành có thể dài trên 3 m, nặng khoảng 10 kg, sinh sản mỗi năm khoảng 10 – 15 trứng, chúng không ấp trứng.

Anh Đại cho rằng, nuôi kỳ đà không khó nhưng khó nhất là tạo ra con giống. Kỳ đà ăn trứng lẫn nhau rất nhanh, nhiều lúc anh chưa kịp lấy trứng thì đã không còn. Trứng ấp trong cát nhưng tỷ lệ nở con không cao, do đó nguồn con giống khan hiếm. Hiện anh Đại đang nghiên cứu cách nuôi kỳ đà bố mẹ hướng đến sinh sản tạo ra nhiều con giống phục vụ sản xuất và cung cấp cho người nuôi.

Thịt kỳ đà rất ngon và được cho là có giá trị dinh dưỡng kỳ đà còn là vị thuốc, thị trường tiêu thụ triển vọng. Tỷ lệ thịt cao, phần xương bỏ đi không nhiều. Kỳ đà được xếp vào dạng động vật hoang dã như cá sấu, nhưng thịt kỳ đà ngon hơn thịt cá sấu, giá trị sinh học, y học cũng hơn hẳn. Nuôi kỳ đà mở ra hướng mới cho người chăn nuôi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn bảo tồn loài bò sát quý. Giá trị kỳ đà cao nhưng con giống khó tìm mua. Chính vì vậy việc thuần dưỡng và nhân nuôi loài bò sát này cần được chú trọng.

Theo y học cổ truyền, thịt, trứng, da, huyết, mật và lưỡi của kỳ đà là những sản phẩm quý hiếm. Về mặt dược liệu, huyết của kỳ đà có tác dụng làm giảm mệt mỏi, tráng dương bổ thận, tăng cường sinh lực; mật và lưỡi của kỳ đà dùng để ngâm rượu hoặc sấy khô làm thuốc để chữa bệnh động kinh, hen suyễn, nhức mỏi, đau bụng, kiết lỵ… hiệu quả rất tốt. Da kỳ đà là nguyên liệu quý hiếm để làm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức được nhiều người ưa chuộng.

Kỳ đà cung cấp cho thị trường hiện còn khan hiếm, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Theo thời giá hiện nay, kỳ đà trưởng thành, dài 2,5 m, nặng 7 – 8 kg, có thể bán 400.000 đ/kg. Mật kỳ đà 300.000 đ/cái, da kỳ đà 100.000 đ/bộ…


Theo khoahocphothong

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc