Trước việc nắp cống gây ra cái chết của một phụ nữ, chủ đầu tư cho rằng “quận Thủ Đức chỉnh trang lại vỉa hè để lòi hố ga ra đường”. Ngược lại, phía quận khẳng định “công ty Thoát nước đô thị thành phố đã làm ngơ yêu cầu chỉnh sửa của quận”.
Ngày 13/10, trả lời về việc để lòi hố ga ra đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP HCM) khiến chị Hà Thị Tuyết Mai (42 tuổi) vướng vào và chết thảm dưới bánh xe tải, ông Bùi Văn Trường – Trưởng phòng quản lý vận hành thoát nước thuộc Công ty Thoát nước đô thị TP cho biết, năm 2007, sau khi hoàn thành xây dựng hệ thống cống thoát nước trên tuyến đường trên, công ty đã bàn giao cho khu Quản lý giao thông đô thị số 2 lòng đường và bàn giao hệ thống thoát nước cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM.
“Lúc bấy giờ, toàn bộ hố ga trên tuyến đường đều nằm trên vỉa hè. Nhưng sau khi UBND quận Thủ Đức thực hiện chỉnh trang lát vỉa hè đã để lòi hố ga ra đường”, ông Trường nói.
Cùng quan điểm với ông Trường, ông Vũ Quốc Khánh – giám đốc xí nghiệp Thoát nước phía Đông (thuộc Công ty Thoát nước đô thị TP) cho rằng nguyên nhân gây ra cái chết của chị Mai là do quận Thủ Đức đã vạt xéo vỉa hè để xe có thể lên xuống làm lộ miệng hố ga ra ngoài.
Tuy nhiên, ông Trương Văn Thống – Chủ tịch UBND quận Thủ Đức đã phản bác những ý kiến trên và khẳng định chính công ty Thoát nước TP – chủ đầu tư làm đoạn đường trên phải chịu trách nhiệm chính. Trước đây, công ty này đã đào đường, xây dựng hệ thống cống hộp nhưng sau đó tái lập mặt đường và bó vỉa hè.
Cũng theo vị Chủ tịch, hệ thống thoát nước đường Kha Vạn Cân – Hoàng Diệu 2 chính thức khởi công vào năm 2005 và hoàn thành năm 2008. Trong quá trình thi công (năm 2006), UBND quận Thủ Đức có công văn gửi Công ty Thoát nước đô thị TP đề nghị xem xét lại một số hố ga sau khi thi công xong đã cao hơn mặt đường nhựa nhưng chủ đầu tư không tiếp thu.
Đến năm 2009, UBND quận Thủ Đức đã cải tạo, làm mới vỉa hè đường Kha Vạn Cân đoạn từ ngã 5 Thủ Đức đến đường số 1 (phường Linh Tây) với chiều dài khoảng 100m. Quận chỉ làm mới phần mặt trên của vỉa hè bằng việc lót gạch con sâu, không gây ảnh hưởng hoặc thay đổi hệ thống thoát nước bên dưới.
“Theo phân cấp quản lý thì hệ thống đường thoát nước nêu trên do Trung tâm Điều hành chống ngập TP quản lý, còn phần mặt đường do khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 quản lý”, ông Thống cho biết.
Ngoài ra, UBND quận Thủ Đức cũng gửi văn bản đến Sở GTVT TP HCM khẳng định quan điểm của mình và cho rằng “phát biểu của ông Bùi Văn Trường là không chính xác và thiếu căn cứ”, đồng thời đề nghị Sở chỉ đạo công ty Thoát nước đô thị TP có văn bản đính chính lại phát biểu của ông Trường.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Đôn Phục – trưởng Ban quản lý dự án các công trình thoát nước và xử lý nước thải, thay mặt ban giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP đã phản bác lại nội dung công văn của UBND quận Thủ Đức.
“Ông Thống nói như thế là bất hợp lý, không chính xác. Công trình đang trong giai đoạn thi công dở thì lấy đâu ra hố ga mà lòi ra đường. Khi công trình hoàn thành, nếu nắp hố ga lòi ra phần đường rải nhựa thì là sai, còn lòi ra phần bó vỉa thì không có quy định đúng hay sai”, ông Phục nói.
Cũng theo ông này, công trình muốn bàn giao thì phải đảm bảo chất lượng tốt. Trước khi bàn giao, đã 2 lần thanh tra bên Sở và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP kết luận công trình có chất lượng tốt.
Như vậy, sau nhiều ngày, đến hôm nay, vẫn chưa có văn bản chính thức bên nào sẽ chịu trách nhiệm trước cái chết thương tâm của chị Hà Thị Tuyết Mai.
Không chỉ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau về vụ trên, đôi bên còn giằng co đổ lỗi về việc xây cống thoát nước ở rạch Cầu Ngang.
Theo chủ trương, việc xây dựng cống thoát nước ở rạch Cầu Ngang (thuộc dự án thoát nước đường Kha Vạn Cân – Hoàng Diệu 2) là để chống ngập cho toàn khu vực thuộc các phường Linh Trung, Linh Tây, Linh Chiểu và vùng lân cận chợ Thủ Đức… Nhưng thời gian qua ở những điểm nêu trên cứ mưa lớn là ngập nặng, có nơi lên đến 60 cm. Hậu quả là cả tuyến đường Kha Vạn Cân xuống cấp nghiêm trọng, gần đây một xe bồn đã bị sụp hố tử thần…
Theo Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, đáng lẽ ra phải đặt cửa xả ở hạ lưu, đặt ở thượng lưu là một sai lầm. Bởi nước thoát ra từ cửa xả đã chắn ngang dòng nước từ phía thượng lưu đổ về gây ngập nặng.
Còn về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Đôn Phục phản ứng: “Họ chả biết gì. Không xây ở đó thì xây ở đâu? Thượng lưu hay hạ lưu thì cũng đổ ra sông”.
Ông này cũng nói thêm, nếu làm theo thiết kế xây cống xả nước ở hạ lưu sẽ vướng công trình ngầm và giải tỏa mặt bằng. Phía bên Sở đang chịu một áp lực phải nhanh chóng giảm ngập cho vùng này, nếu chờ giải tỏa sẽ mất thời gian. Đó là lý do chủ dự án đưa cống xả nước về phía thượng lưu Cầu Ngang. Nguyên nhân ngập ở khu vực này là do rạch này chưa cải tạo chỉnh trang. Hoàn toàn không phải do cống thoát nước xây dựng ở hạ lưu hay thượng lưu. Dự án cải tạo, nạo vét chỉnh trang rạch Cầu Ngang do quận Thủ Đức làm chủ đầu tư nhưng chưa thi công.
Tá Lâm
Theo vnexpress
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!