Home » Tiêu Điểm, Xã hội » Nghịch lý hạn hán khốc liệt giữa… mùa mưa
Trong khi tại các tỉnh Miền Trung nhân dân đang phải đối mặt với lũ lụt thì tại Tây Nguyên, năm nay mùa mưa lại đến muộn hơn 1 tháng so với cùng kỳ các năm, nền nhiệt độ khu vực luôn ở mức cao. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực dự báo, mùa khô năm nay Tây Nguyên sẽ xảy ra hạn hán khốc liệt.

Lượng mưa từ đầu mùa mưa ở Tây Nguyên đến nay đạt thấp hơn từ 20% đến 40% so với các mùa mưa trước, tại các địa phương: Đak Tô (Kon Tum) lượng mưa chỉ đạt 42% so với trung bình nhiều năm, TP. Pleiku (Gia Lai) chỉ đạt 60%. Mực nước trên các hệ thống sông lớn ở các tỉnh Tây Nguyên như: sông Đồng Nai, Sê San, sông Ba, Sê-rê-pôk thấp hơn so với trung bình các năm trước từ 0,5m đến 1m.

Nghịch lý hạn hán khốc liệt giữa... mùa mưa
Đang mùa mưa nhưng người dân vẫn ra sông suối chở từng can nước về dùng

Cá biệt, vùng hạ lưu sông Ba, mực nước thấp hơn từ 1,5 m đến 1,8 m, có đoạn đến cả trẻ em cũng có thể lội từ bên này sang bên kia sông. Nguyên nhân sông Ba đột ngột cạn nước một phần do lượng mưa ít, một phần nữa là do thủy điện Đak Srong 2, Đak Srong 2A (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) và công trình hồ chứa nước Thủy điện An Khê – Ka Nak (thuộc Ban quản lý thủy điện 7) tổ chức chặn dòng, tích nước nên mực nước sông giảm xuống nhanh chóng.

Từ trung tuần tháng 9 đến nay, chính quyền và ngành chức năng ở các huyện phía đông Gia Lai đã huy động nhân dân ra be bờ, ngăn nước phục vụ bơm tưới cho cây lúa và nhiều cây hoa màu khác. Nhưng do mực nước thấp nên các trạm bơm: Ia Kdăm, Plei Toan, Kim Tân 2 và Chư Mố 1 (huyện Ia Pa, Gia Lai) đã ngừng hoạt động và nhiều địa phương khác cũng bị ảnh hưởng do thiếu nước.

Ông Lữ Phúc Phong – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa cho biết: Đây là hiện tượng chưa bao giờ xảy ra đối với sông Ba. Khoảng 350 ha lúa các xã phía Nam của huyện Ia Pa trong thời kỳ trổ bông đang đứng trước nguy cơ khô hạn giữa mùa mưa.

Người nông dân đang vật lộn với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Tỉnh Gia Lai vừa tổ chức 3 đoàn kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của diễn biến thời tiết phức tạp đối với sản xuất nông nghiệp do khô hạn trên diện rộng.

Nghịch lý hạn hán khốc liệt giữa... mùa mưa
Mực nước sông Ba giảm sút nghiêm trọng


Toàn tỉnh có hơn 23.200 ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó mất trắng gần 17 nghìn ha, giảm năng suất (từ 30 đến 70%), ước tính thiệt hại hơn 40 tỷ đồng. Trước tình hình này, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định hỗ trợ 20 tỷ đồng để nông dân khắc phục thiệt hại do nắng hạn (trong đó ngân sách địa phương 4 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 16 tỷ đồng). Cùng với sông Ba, lưu lượng nước trên hệ thống sông Sê San chỉ bằng 20% so với năm ngoái, và các hồ thủy điện lớn như Ia Ly, Plei Krông đang thiếu nước trầm trọng.

Ông Tạ Văn Luận – Giám đốc Công ty Thủy điện Ya Ly cho biết, đến nay hồ chứa của thủy điện Plei Krông chỉ đạt 537m, trong khi mực nước dâng bình thường là 570m (thấp hơn cùng kỳ 33m), còn hồ chứa Nhà máy Thủy điện Ia Ly chỉ đạt 494m (thấp hơn cùng kỳ 20m) – cả hai hồ chứa đã sát với mực nước chết.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty Thủy điện Ia Ly chỉ mới đạt sản lượng 2,7 tỷ kWh, trong khi kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao là 5,5 tỷ kWh, chưa đến 50% kế hoạch.

Trong khi đó, ở thời điểm này năm ngoái, lưu lượng nước trên hệ thống sông Sê San đạt trên 1.000 m3/giây, nhưng hiện tại chỉ đạt 200 m3/giây, chỉ đáp ứng được từ 1/3 đến 1/2 công suất tối đa của 2 nhà máy, dẫn đến nguy cơ thiếu điện giữa mùa mưa là không tránh khỏi.

Nghịch lý hạn hán khốc liệt giữa... mùa mưa
Hạn hán làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng

Ông Luận cho biết thêm, không chỉ ở Tây Nguyên mà hầu hết các nhà máy thủy điện phía Nam như Thác Mơ, Trị An, Hàm Thuận – Đạ Mi, Đa Nhim, Đại Ninh… cũng đang trong tình trạng tương tự; lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về chỉ đạt khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, từ giờ đến đầu mùa khô, Tây Nguyên có rất ít mưa, khi nào có bão và không khí lạnh thì mới có mưa cho khu vực này. Vì vậy, mùa khô tới sẽ là một mùa hạn hán khốc liệt đối với toàn bộ khu vực Tây Nguyên.


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc