Home » Xã hội » “Lẽ ra lạm phát phải thấp hơn 7%”
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phùng Quốc Hiển cho rằng, lạm phát lẽ ra phải ở mức thấp hơn 7% mới hợp lý. Theo ông, với các nước, lạm phát chỉ 3% đã được coi là có vấn đề, trong khi lạm phát của ta đã cao nhiều năm.

Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của Chính phủ cho biết, trong số 21 chỉ tiêu đề ra cho năm 2010, có 16 chỉ tiêu sẽ đạt và vượt. Tuy nhiên, trong phiên thảo luật về báo cáo này chiều 2/10, các ủy viên Thường vụ Quốc hội vẫn còn “băn khoăn” với không ít vấn đề.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách, Phùng Quốc Hiển cho rằng, chúng ta đang ở thời kỳ lao động vàng (với lực lượng lao động đông đảo), chúng ta có những chủng loại tài nguyên để phát triển đất nước, chúng ta cũng có ổn định về chính trị… nhưng so sánh với các nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, biểu đồ tăng trưởng của chúng ta thấp hơn, không kể những nước tăng trưởng vượt bậc như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cũng theo ông Hiển, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ngày càng cao, nhưng hiệu quả đầu tư lại thấp. Chỉ số ICOR (tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm) đạt 2 là hiệu quả mà chúng ta lại lên đến… 6.

Về vấn đề lạm phát, ông Hiển cho rằng, câu hỏi “tăng trưởng để làm gì khi lạm phát cứ 7 – 8%” là rất đáng lưu tâm. Theo ông Hiển, chỉ số giá tiêu dùng của chúng ta lẽ ra phải thấp hơn 7%.

“Với các nước, việc chỉ số giá tăng 3% đã là có vấn đề, còn ta đặt ra 7% cho năm tới mà lại nói hợp lý, không hiểu hợp lý như thế nào. 5 năm liên tiếp, CPI của chúng ta đều cao thế này thì ta phải tính toán”, ông Hiển phân tích.

Giá tiêu dùng tăng cao liên tục những năm gần đây (Ảnh: PLTP)

Chuyển sang vấn đề bội chi, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách cũng cho rằng, thực tế chúng ta đã có những cơ hội “vàng” để giảm bội chi ngân sách trong các năm 2008, 2009, 2010. Cụ thể, có năm vượt thu đến 50.000 tỷ đồng, nhưng rồi vẫn không kìm hãm được bội chi.

Chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiền bổ sung thêm, bội chi ngân sách năm nay dự kiến 5,9%, nhưng nếu tính cả trái phiếu Chính phủ còn lớn hơn như vậy. Cho rằng không thể yên tâm với bội chi hiện nay, ông Hiền đề nghị phải cương quyết giảm thông qua việc nâng cao chất lượng đầu tư, giảm đầu tư công, cắt giảm các dự án chưa cấp bách, giảm chi tiêu công…

Ủng hộ quan điểm của Chủ nhiệm hai UB, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, phải “tiến nhanh” đến con số bội chi như những năm trước khủng hoảng kinh tế.

Một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm nữa là nợ công, với con số UB Tài chính – Ngân sách đưa ra cho năm 2010 là trên 56% GDP và năm 2011 là trên 57% GDP. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai cho rằng, bà cảm thấy “hơi lo” khi UB Tài chính – Ngân sách  đề nghị Chính phủ trình Quốc hội khống chế nợ công khoảng 60% GDP trong giai đoạn 2011 – 2015.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển “giải thích”, hết năm 2011 con số nợ công có thể tiến sát đến 60% và việc phấn đấu để khống chế nợ công khoảng 60% GDP là cả một nỗ lực. “Tôi sợ chúng ta không giữ được và con số đó sẽ không phải dài hạn, trung hạn mà là ngắn hạn thôi”, ông Hiển nhấn mạnh.

Không đi sâu vào các vấn đề cụ thể về kinh tế, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội, Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá về đời sống nhân dân, về phân hóa giàu nghèo. “Ta nói 16/21 chỉ tiêu vượt kế hoạch, nhưng quan trọng nhất đời sống của nhân dân ra sao”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng đề nghị phân tích rõ hơn xung quanh các vấn đề, tội phạm tăng nhiều hơn, tai nạn giao thông tăng nhiều hơn… Trước đó, báo cáo Thẩm tra của UB Kinh tế đã nhận định, tình trạng bạo lực xã hội diễn biến ngày càng phức tạp, bạo lực không chỉ diễn ra ngoài đường phố mà ngay cả trong gia đình và trường học, nhiều trường hợp xâm hại trẻ em, người già một cách thô bạo đã trở thành vấn đề nhức nhối…

Theo dantri

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc