Cầm cây bút máy nắn nót từng nét, anh Thắng 30 tuổi chăm chỉ viết theo chữ cái mẫu của giáo viên. Hàng chục học viên khác cũng cặm cụi như những học sinh lớp 1 để có được những dòng chữ đẹp.
Là một kỹ sư công trình, anh Thắng cho biết chữ của anh rất xấu. Công việc đòi hỏi có lúc phải viết tay vào biên bản hiện trường hay biên bản họp… mà chữ quá xấu nên anh thường mất tự tin khi đưa văn bản cho người khác đọc, nhất là cấp trên hoặc đối tác.
“Chữ viết rất quan trọng. Người ta thường nói ‘nét chữ nét người’, phần nào thể hiện tính cách con người. Khi vào học lớp này, tôi càng thấy rõ hơn tác dụng của chữ viết. Nhìn một chữ ký, biên bản có chữ viết đẹp chắc chắn đối tác sẽ đánh giá mình cao hơn”, anh Thắng nói.
Thực tế hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin và nhiều yếu tố khác làm cho chữ viết của mỗi người ít nhiều bị ảnh hưởng. Không riêng những em nhỏ mới đi học, nhiều người lớn cũng tự nhận thấy sự quan trọng của chữ viết nên có xu hướng đi luyện lại chữ. Nắm bắt nhu cầu này, Nhà văn hóa thanh niên TP HCM mở một số lớp luyện chữ đẹp, thu hút đông đảo học viên đăng ký.
Chị Minh Thủy, Phó phòng đào tạo Nhà văn hóa thanh niên cho biết, lớp luyện chữ đẹp được mở từ đầu năm 2008. Ban đầu, học viên đa số là các em nhỏ do phụ huynh dẫn đến đăng ký. Nhưng đến nay, ngày càng nhiều người lớn biết đến và cũng theo học. Lớp học được khai giảng mỗi tháng 2 lần và học xen kẽ hầu hết các ngày trong tuần.
“Nhiều sinh viên sư phạm cũng có nhu cầu vì ra trường làm giáo viên mà viết chữ xấu thì không được. Sau khi thăm dò, xác định đây là một nhu cầu có thực, chúng tôi quyết định mở lớp dành cho người lớn”, chị Thủy nói.
Tại những lớp học này có nhiều đối tượng bao gồm: học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng và các vị phụ huynh lớn tuổi. Mỗi học viên có lý do và nhu cầu khác nhau.
Chị Hương Lan là nhân viên ngành viễn thông ở quận 3, đã 35 tuổi. Dù công việc rất bận rộn nhưng buổi tối chị vẫn tranh thủ đi học luyện viết chữ đẹp với lý do “phục thù bạn bè cứ chê chữ của tôi cứ cùn củn như chữ con nít”.
Chị Lan nhớ lại, lúc mới đi xin việc làm chị gặp không ít khó khăn vì.. chữ xấu. Một số cơ quan bắt chị phải viết đơn bằng tay, và chữ viết của chị thường xuyên không gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng. “Đến khi đi làm rồi, mỗi lần viết báo cáo tay đưa cho sếp cũng rất ngại. Tôi hay có tâm lý không tự tin. Hơn nữa là phụ nữ mà chữ viết xấu quá cũng không được”, chị Lan chia sẻ.
Trong khi đó, mục đích đi luyện chữ của bạn Quốc Hào, học sinh lớp 12 trường Hàn Thuyên, quận Phú Nhuận, TP HCM là để đạt điểm số cao hơn trong bài thi. “Em học Văn không đến nỗi tệ, nhưng chữ viết quá xấu nên không bao giờ đạt điểm cao. Em hi vọng đi học luyện chữ để bài thi đại học của mình vào năm tới có kết quả tốt hơn”, Hào bày tỏ. Thêm vào đó, cậu học sinh cho biết, nhờ đi học viết chữ mà cậu còn rèn được thêm tính cẩn thận.
Cô Nguyễn Thị Long, một giáo viên luyện viết chữ đẹp cho biết, hầu hết những học viên đi học lớp này đều mắc phải lỗi chung là không biết cách cầm bút, và tư thế ngồi không đúng nên chữ viết xấu. “Tưởng chừng như việc viết chữ không có gì là khó, nhưng để viết được những chữ đẹp, đúng chuẩn và có hồn là cả một quá trình luyện tập công phu. Người viết phải nắm được điểm đặt bút, độ rộng, nét thanh, nét đậm… của từng chữ như thế nào. Có vậy mới mong viết được những con chữ đúng yêu cầu và đẹp”, cô Long nói.
Nữ giáo viên cũng chia sẻ thêm, những người có đủ kiên nhẫn để rèn chữ đẹp thì cũng rèn luyện được tính cách con người.
Bài và ảnh: Hải Duyên
Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!