Home » Xã hội » Bác sĩ làm ‘đao phủ’: Bộ Y tế không chấp nhận!

Ngày 15/12, trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Y tế khẳng định, nếu việc tiêm thuốc độc tử hình do nhân viên y tế thực hiện thụ động là tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch tử tù thì đây là việc không thể chấp nhận được bởi trách nhiệm của nhân viên y tế là chăm sóc sức khỏe người dân và cứu chữa người bệnh.

 

Tin đã đăng: Bác sĩ bức xúc bị ‘lừa’ đi tiêm cho tử tù

 

Cũng theo ý kiến của vị đại diện Bộ Y tế này, nhân viên y tế chỉ có trách nhiệm hỗ trợ cán bộ thi hành án xác định tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình.

Phía Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp đủ số lượng và hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc theo quy định để phục vụ thi hành án tử hình.

Các cơ quan nghiệp vụ, bệnh viện, cơ sở đào tạo y tế cũng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Quốc phòng đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật chuyên ngành y tế có liên quan đến việc thi hành án tử hình cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

Ý kiến này của Bộ Y tế đưa ra khi nhận được thông tin vào ngày 11/12, một số bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên bị ép làm “đao phủ” khi Hội đồng thi hành án Đắk Lắk yêu cầu họ xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào người phạm nhân để thi hành án.

 

Một tử tù thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc.
Một tử tù thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc.

 

Sự việc này đã khiến cho các bĩ, điều dưỡng bị sốc nặng. Một trong những bác sĩ trực tiếp tham gia vào buổi thi hành án hôm đó chia sẻ: “Sáng 11/12, khi tiến hành thi hành án tử hình đối với phạm nhân, tôi tiếp tục từ chối việc xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm. Sau đó Hội đồng thi hành án yêu cầu nên tôi hỗ trợ cho điều dưỡng đưa kim tiêm vào tĩnh mạch tử tù.

Từ lúc đó đến giờ, tôi và điều dưỡng T. bị sốc rất nặng, lúc nào khuôn mặt tử tù cũng ám ảnh trong đầu tôi. Tôi làm nghề y để cứu người chứ sao lại ép tôi làm trái với chức năng nghề nghiệp. Nếu biết trước phải làm như vậy, chắc chắn tôi sẽ không đi”.

Một điều dưỡng viên khác cũng tham gia vào buổi thi hành án hôm đấy nói thêm: “Khi được phân công đi công tác, tôi không biết đi theo đoàn để làm gì. Tôi không ngờ họ yêu cầu chúng tôi tham gia tử hình phạm nhân. Từ đó đến nay, lúc nào đầu óc tôi cũng rất căng thẳng, hoang mang”.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BV Đa khoa Phú Yên xác nhận: “Từ khi đi về, tinh thần hai anh em đó hoảng lắm. Anh em trong BV đều rất bức xúc! BV giao nhiệm vụ bác sĩ cứu người chứ đâu phải để giết người”.

Cũng theo ông Trúc cho biết, trong công văn của TAND tỉnh gửi bệnh viện Phú Yên ngày 9/12 không nói rõ các bác sĩ, điều dưỡng đi công tác để làm nhiệm vụ gì. Chỉ đến khi gặp Hội đồng thi hành án thì các bác sĩ và điều dưỡng trong đoàn công tác mới biết mình phải tham gia vào việc thi hành án tử hình nên bị sốc.

Hiện Bộ Y tế đã có ý kiến yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên làm báo cáo lên Bộ về sự việc này để giải quyết.

 

 

 

theo datviet


01 ý kiến dành cho “Bác sĩ làm ‘đao phủ’: Bộ Y tế không chấp nhận!”

  1. loi dinh tu 22/12/2013

    Việc làm của bác sĩ trên toàn thế giới là cứu người thậm chí cứu mạng kẻ thù. Việc thi hành án tử là của các cơ quan pháp luật. Bác sĩ của ngành công an cũng không được giết người, thậm chí còn cứu mạng tử tù khi họ chưa thọ án tử. Không ai được ép bác sĩ giết người, bất kể đó là tử tội

    Reply

Ý kiến bạn đọc