Home » Danh nhân, Tiêu Điểm, Văn hóa » Thần cơ thương pháo của nhà Hồ đối đầu với 80 vạn quân Minh: (P2) bài học lịch sử còn nguyên vẹn

Hai quân cánh quân Minh tầng tầng lớp lớp tập kết gần thành Đa Bang rồi đốt đuốc, thổi tù và làm hiệu, lập tức quân Minh nhất loạt xông vào tấn công.

>> Thần cơ thương pháo của nhà Hồ đối đầu với 80 vạn quân Minh: (P1) vũ khí “nhất thiên hạ”

quân Minh

Quân nhà Minh. (Ảnh từ motthegioi.vn)

Thần cơ thương pháo nhả đạn, quân phương bắc kinh hồn bạt vía

Hồ Nguyên Trừng cho đội Thần cơ thương pháo nhả đạn, quân Minh cứ lớp này ngã xuống thì lớp khác lại xông lên liên tục, dựa vào quân đông nên quân Minh hết lớp này đến lớp khác xông lên đến chân thành rồi dùng thang vân thê để leo lên.

Quân nhà Hồ dùng súng Thần cơ loại vác vai bắn vào quân Minh khiến quân Minh chết vô số, xác chất đầy dưới chân thành.

Quân Minh cũng cho đại bác chuyên phá thành bắn vào thành nhưng loại súng này cũng nhanh chóng bị Thần cơ thương pháo tiêu diệt.

Trong thành Đa Bang Thần cơ thương phá liên tục nhà đạn khiến quân Minh chết vô số, binh lính  kinh hoàng, các tướng nhà Minh chưa bao giờ được chứng kiến uy lực mạnh mẽ của loại vũ khí này, nhưng các tướng nhà Minh vẫn thúc quân ào ào xông lên. Quân Minh dù kinh hoàng bạt vía trước uy lực của Thần cơ thương pháo cũng không dám rút lui vì sẽ bị xử chém theo quân lệnh.

Thành Đa Bang phút chốc đầy rẫy xác quân Minh chồng lên nhau, nhất là dưới chân thành xác chất cao gần đến mặt thành.

Súng thần công. (Ảnh từ kienthuc.net.vn)

Súng thần công. (Ảnh từ kienthuc.net.vn)

Sai lầm khiến Thần cơ thương pháo không thể nhả đạn

Trong lúc đó là tướng nhà Hồ là Nguyễn Tông Đỗ cho voi ra xông trận, quân Minh thấy voi thì bất ngờ lúng túng. Trương Phụ liền cho đội kỵ binh có vẽ hình sư tử chụp lên đầu ngựa nhằm dọa voi, rồi cho bắn đại bác và tên có đốt lửa ở đầu.

Voi của quân nhà Hồ không được huấn luyện kỹ, nghe tiếng đại bác nổ thì hoảng sợ bỏ chạy vào thành, quân Minh liên chạy theo núp bên cạnh voi để theo vào thành.

Thấy quân Minh núp sau đội tượng binh kéo vào, Thần cơ thương pháp không thể nhả đạn, bởi lẽ nếu bắn quân Minh cũng đồng nghĩa với bắn cả vào quân mình.

Tình huống bất ngờ này quân nhà Hồ không lường tính trước, quân Minh cũng không ngờ lại có được may mắn bất ngờ để tràn vào trong thành, đánh mở toang cổng thành cho đại quân tiến vào. Vì tính chất quan trọng của cuộc chiến này, quân tướng nhà Hồ đã cố gắng đánh đến cùng.

Các tướng Lương Dân Hiến, Thái Bá Nhạc cùng quân lính quyết đánh đến cùng đã tử trận cùng thành. Các cánh quân Hồ đóng dọc theo sông Hồng thì tranh luận tới lui về việc có nên cứu viện thành Đa Bang hay không, vì quân Minh tập trung đánh thành rất đông, tranh luận tới lui mãi không quyết được.

Ở trong thành Hồ Nguyên Trừng không còn lựa chọn nào khác đành cho quân rút khỏi thành Đa Bang, các cánh quân dọc sông Hồng cũng rút lui theo.

Quân Minh chiếm được thành Đa Bang thì cho gửi Thần cơ thương pháo về nước để người Minh nghiên cứu uy lực loại vũ khí này.

súng Thần Cơ

Minh họa súng thần cơ loại nhỏ vác vai. (Ảnh từ kienthuc.net.vn)

“Mất nhà” mới biết bụng giặc

Quân Minh theo sông Phú Lương tràn vào thành Đông Đô, nơi đây tập trung dân chúng lánh nạn, vì thế quân Minh tha hồ cướp bóc, tích trữ lương thảo, nhiều người bị bắt làm nô lệ, trai tráng khỏe mạnh thì bị bắt để làm ngụy quân.

Trước sự tàn bạo này, nhiều người mới nhìn rõ dã tâm của quân Minh, đây là một cuộc xâm lược cướp bóc, chứ không phải vì diệt nhà Hồ nhằm đưa nhà Trần lên ngôi như đã hức hẹn trước đó.

Thành Thăng Long

Thành Thăng Long. Ảnh dẫn từ quehuongonline.vn

Thần cơ thương pháo bất khả chiến bại

Dò biết quân nhà Hồ ở Hoàng Giang, tướng Mộc Thạnh đưa quân đến đánh, quân nhà Hồ thua to phải rút về giữ cửa Muội Hải (thuộc Giao Thủy, Nam Định, cửa biển xưa, nay đã bị lấp). Quân Minh đuổi theo nhưng thuyền quân nhà Hồ nhỏ nên đi nhanh hơn, nên khi quân Minh đuổi đến Muội Hải thì quân nhà Hồ đã tập hợp ổn định sẵn sàng đánh trả.

Mộc Thạnh cho quân tập kết đợi thêm các cánh quân Minh đến để tấn công Muội Hải.

Tại căn cứ cửa biển Muội Hải, Hồ Nguyên Trừng củng cố lực lượng và thành lũy. Đây là địa hình ven biển có nền đất bùn lầy ảm ướt nên hạn chế được sức mạnh kỵ binh và bộ binh của quân Minh.

Hồ Nguyên Trừng cho đúc thêm súng Thần cơ các cỡ lớn nhỏ đặt trong thành lũy phòng thủ. Như Vậy Thần cơ thương pháo có thêm cơ hội đối mặt với quân Minh.

Trương Phụ và Mộc Thạnh tập trung đại quân đến Muội Hải, lúc đó nước thủy triều cao, tướng Ngô Thành Nhân của nhà Hồ tận dùng chiều gió đem chiến thuyền đột kích quân Minh và giành được thắng lợi, quân Minh thua chạy. quân nhà Hồ đuổi theo, nhưng dù quân ít hơn tướng Nguyễn Thành Nhân lại cho quân đuổi theo rất xa, đến tận Giao Thủy.

Trương Phụ, Mộc Thạnh cho quân chạy tách ra 2 hướng đến bờ sông, đợi thuyền quân Hồ đuổi đến thì quân từ 2 bên bờ đổ ra đánh. Quân nhà Hồ thua to, tướng Ngô Thành Nhân bây vây hãm và tử trận cùng binh sỹ.

Quân Minh lại kéo đến và tấn công Muội Hải, Thần cơ thương pháo lại nhả đạn khiến quân Minh choáng váng, binh sỹ tử trận rất nhiều mà không sao chiếm được căn cứ này.

Thần cơ thương pháo

Thần cơ thương pháo của Hồ Nguyên Trừng. (Ảnh từ xuthanh.net)

Sau hơn nửa tháng tổng tấn công Muội Hải, quân Minh bị thiệt hại nặng nề nhưng không chiếm được. Trương Phụ nhận thấy rằng cứ đà này thì có nướng hết quân cũng không thể làm gì được, đồng thời nhận thấy quân nhà Hồ chỉ mạnh khi dựa và thành lũy kiên cố và vũ khí phòng thủ, chứ không giỏi tấn công, vì thế Trương Phụ cho quân rút lui về cửa Hàm Tử (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), để cho quân nhà Hồ đem quân ra tấn công rồi sẽ tiêu diệt.

Hồ Nguyên Trừng cho quân ngược sống Hồng đánh chiếm lại căn cứ Hoàng Giang. Các cánh quân nhà Hồ tập trung ở Hoàng Giang được 7 vạn, quyết định chuẩn bị tấn công quân Minh ở Hàm Tử.

Trận Hàm Tử

Tại Hàm tử quân Minh có mười mấy vạn quân, lại tìm cách bắt trai tráng trong dân vào quân ngũ nên quân số cũng tăng thêm.

Quân Minh tại Hàm Tử đông hơn nhiều quân nhà Hồ, tuy nhiên Hồ Nguyên Trừng vẫn cho quân thủy bộ cùng tấn công dù không nắm chắc phần thắng.

Quân nhà Hồ còn rất nhiều chiến thuyên tiến đến Hàm Tử, các chuyến thuyền chắn ngang kín cả con sông kéo dài suốt 10 dặm.

Tuy nhiên quân nhà Hồ kỷ luật kém, các tướng thiếu kinh nghiệm khi tấn công. Việc tấn công muốn thắng đòi hỏi phải bí mật nhằm tạo bất ngờ. Nhưng các chiến thuyền của quân Hồ cứ xông đến, không có thuyền đi trước thăm dò tình hình quân Minh, khi thuyền quân Hồ đang tiến thì quân do thám của Minh đã phát hiện ra cuộc tấn công này và báo về cho chủ tướng.

Vì thế quân Minh đã bố trí mai phục sẵn hai bên bờ sông, quân nhà Hồ tiến vào trận địa mai phục, quân Minh đổ ra đánh khiến quân nhà Hồ thiệt hại nặng nề, máu đỏ khắp cả mặt sông.

Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép tình cảnh thời bấy giờ “Quân bộ của nhà Hồ không thể đối địch được, cùng nhau trốn chạy, gặp phục binh nhà Minh, đều quay giáo, nhảy xuống sông chết”.

Sau cuộc chiến này quân nhà Hồ bị thiệt hại quá nhiều và không còn lực lượng để chống quân Minh nữa. Cha con Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương đều bị bắt giải về Minh triều.

Quân Minh tế súng phải tế Hồ Nguyên Trừng

Tại nước Minh, biết Hồ Nguyên Trừng là người chế tạo ra Thần cơ thương pháo, ông được vua Minh đổi xử rất trọng hậu. Vì để bảo đảm tính mạng cho cha và em mình không bị sát hại, ông buộc phải chế tạo Thần cơ thương pháo cho nhà Minh.

Tại nước Minh Hồ Nguyên Trừng được phong làm Công bộ Thượng thư, Minh sử đánh giá cao công lao của Hồ Nguyên Trừng “đánh thắng địch là dựa vào súng thần”. Sau khi ông qua đời, vua nhà Minh sắc phong làm “Thần hỏa khí”, mỗi khi tế súng đều phải tế Hồ Nguyên Trừng.

Lê Quý trong “Vân đài loại ngữ” có ghi chép rằng “quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng”

Sau khi đánh thắng nhà Hồ, quân Minh đã đưa về nước hai nhân tài kiệt xuất người Việt:

  • Hồ Nguyên Trừng làm ra “Thần cơ thương pháo” – vũ khí được xem là “nhất thiên hạ” lúc bấy giờ.
  • Nguyễn An: Tổng công trình sư và là Kiến trúc sư trưởng của Tử Cấm Thành. Công trình này đến nay vẫn được xem là niềm tự hào của người Trung Hoa.
Bài học cho hậu thế

Lịch sử người Việt đã chứng kiến 2 lần có được vũ khí mạnh nhất lúc đó, đó là Nỏ Thần thời An Dương Vương, đây là dạng nỏ liên châu có thể bắn một phát ra 10 mũi tên. Dù có vũ khí mạnh bậc nhất nhưng An Dương Vương thất bại do mất cảnh giác, bài học này vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.

Thần cơ thương pháo được xem là vũ khí “nhất thiên hạ” lúc bấy giờ cũng không giúp nổi nhà Hồ giữ được Giang Sơn do đã để mất lòng dân. Quân lính dao động khi ra trận khi không còn tin phục vào nhà Hồ.

Ngày nay trước mối đe dọa của Trung Quốc, thể hiện rõ nhất là trên biển, Việt Nam vẫn lo mua sắm vũ khí hiện đại cho quân đội, trong khi đó lại không củng cố được lòng tin của người dân.

Trong nước nhập khẩu hàng hóa và công nghệ của Trung Quốc rất nhiều, dẫn đến phụ thuộc vào hàng Trung Quốc. Các nhà thầu Trung Quốc cũng trúng thầu hầu hết các dự án.  

Trung Quốc cũng được thuê những khu đất ở vị trí chiến lược, thời gian lên đến 50 – 70 năm, lao động người Trung Quốc ở những nơi này có thể lên đến nhiều sư đoàn.

Vũ khí dù mạnh nhất vẫn thất bại khi mất cảnh giác và không được lòng dân, bài học lịch sử của cha ông để lại vẫn còn đó.

Trần Hưng

Theo trithucvn.net


Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc