Home » Xã hội » Cây sứ trăm tuổi ở Đại nội Huế bị mang đi tặng “sếp”?
Một cây sứ cổ thụ tại quần thể di tích bị đào và đưa ra khỏi khuôn viên trong đêm. Việc làm này diễn ra nhiều lần trước đó khiến nhiều người nghi ngờ.

Nếu chuyển cây trăm tuổi vào vườn nhà ‘quan’ là tham ô tài sản công

Nếu đúng cây cổ thụ trong khu di sản vào nhà “quan chức” là trái quy định của pháp luật, cần phải xử lý nghiêm.

Như Người Đưa Tin đã đưa, gần đây dư luận tại Thừa Thiên – Huế cho rằng, có việc mang cây cổ thụ trong khu di sản biếu ‘sếp’ làm quà.

Để làm rõ những đồn đoán này, quá trình đi tìm cây sứ trong Đại nội Huế chở đến “vườn ươm”, PV bất ngờ bắt gặp một khu “vườn thượng uyển”. Nơi đây, xuất hiện hàng trăm loại cây cảnh quý hiếm, có giá trị.

Một góc biệt phủ.

Những bonsai độc đáo trong “vườn thượng uyển”.

Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên – Môi trường Việt Nam nhận định: “Đại nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào ngày 11/12/1993.

Vì thế, tất cả các loại cây trong khu tích này chỉ được chăm sóc và phát triển lên, việc di dời cây xanh ra khỏi khu di tích này phải được xin phép, chứ không thể đào xới, di chuyển một cách tùy tiện được”.

Trước sự việc Báo Người Đưa Tin phản ánh, GS.TS. Phạm Ngọc Đăng thẳng thắn nói: “Việc di chuyển các cây hàng trăm năm tuổi trong khu di sản bị người dân nghi ngờ để trồng vào vườn nhà “sếp” cần kiểm tra rõ ràng.

Nếu đúng cây đó vào nhà “quan chức” là trái quy định của pháp luật, cần phải xử lý nghiêm. Đó là hành vi vi phạm tài sản công, tham ô tài sản công- biến của công của xã hội thành của tư (quan chức, đại gia – PV)”.

GS.Đăng đặt câu hỏi, ai định giá cây hàng trăm năm tuổi? “Những loại cây này là vô giá, tôi tin rằng, những loại cây này có giá trị và hình dáng đẹp thì mới được di chuyển đi”, GS. Đăng nói.

Cũng theo GS.TS Phạm Ngọc Đăng, việc di chuyển cây xanh hàng trăm năm tuổi ra khỏi khu Đại nội Huế cần lên án mạnh mẽ. Việc bảo tồn, tôn tạo tại các khu di tích, di sản thế giới phải được giám sát chặt chẽ.

“Những cây này được chuyển đi phải xem xét vai trò của Ban quản lý di tích (được biết, phần lớn các di tích này nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế-PV) xem có sự thông đồng, tiếp tay cho vi phạm hay không?

Về mặt pháp lý, chẳng ai dám “ký tá” để di chuyển cây lâu năm ra khỏi khu di tích, tôi tin việc này chỉ làm “bí mật” mà thôi”, ông Đăng nhấn mạnh đến vấn dề quy trách nhiệm rõ ràng.

GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên – Môi trường Việt Nam.

Từ sự việc trên theo GS. Đăng, Nhà nước đã có quy định về việc bảo tồn di tích, di sản nên cứ chiểu theo luật mà xử lý sai phạm. Tuy nhiên, qua sự việc này, theo TS. Đăng cần có sự vào cuộc, giám sát mạnh mẽ của người dân.

GS.TS Phạm Ngọc Đăng nhắc lại vụ chặt cây xanh để trồng mới ở Hà Nội là bài học học đắt giá, là tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng. Khi có sự giám sát chặt của công đồng thì những sự việc sai trái sẽ được phanh phui và chặn đứng kịp thời.

Có ý kiến cho rằng: Việc di chuyển cây nhằm để trùng tu đại điện Kiến Thiên nếu cây được di chuyển đến vườn ươm, có sự giám sát, quản lý thì lại là chuyện hoan nghênh. Nhưng cơ quan chuyển đi phải có trách nhiệm đảm bảo cây sống tốt.

Nhưng việc chuyển cây vào ban đêm phải chăng có sự khuất tất? Và nếu đúng cây được chuyển đến “biệt phủ” trồng trong “vườn thượng uyển” nhà Sếp thì phải xử lý nghiêm.

Điều này kiểm tra không khó khăn, quan trọng là cơ quan chức năng và các cá nhân có thẩm quyền có rốt ráo vào cuộc hay không?

N.Giang – Theo nguoiduatin.vn

Chuyên đề:

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc