Home » Xã hội » Lãnh đạo huyện bị cảnh cáo vì gây nợ ngân sách 400 tỷ đồng
Sau 5 năm thực hiện chương  trình “nông thôn mới” đó có 10.000 tỷ đồng nợ đọng, một số lãnh đạo địa phương gây nợ đọng bị kỷ luật.

>> Thấy gì từ kết quả 5 năm thực hiện nông thôn mới

Chiều 9/6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu xác nhận đã có quyết định kỷ luật ông Phan Thành Đông (Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phước Long), ông Lâm Thành Sáo (Phó bí thư kiêm Chủ tịch HĐND huyện Phước Long) với hình thức cảnh cáo về mặt Đảng.

Huyện Phước Long cấp tập xây dựng nông thôn mới, hiện đang gánh nợ 400 tỷ đồng. Ảnh: Người Lao động

Huyện Phước Long cấp tập xây dựng nông thôn mới, hiện đang gánh nợ 400 tỷ đồng. Ảnh: Người Lao động

Sai phạm nặng nhất là ông Trần Hoàng Duyên- nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Long. Ông Duyên nguyên là Tỉnh ủy viên nên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu sẽ họp để thông qua việc xử lý, kỷ luật theo thẩm quyền.

Theo kết luận của cơ quan chức năng, Bí thư huyện Trần Hoàng Duyên đã cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Thường trực chủ trương triển khai ồ ạt nhiều dự án khi chưa cân đối được nguồn vốn. Nhiều nơi mặc dù chưa bố trí vốn nhưng vẫn cho nhà thầu ứng vốn trước để thi công.

Điều này trái quy định pháp luật, gây tăng nợ đọng và khó khắc phục. Năm 2013, nợ đọng của huyện gần 125 tỉ đồng và đến cuối năm 2015 con số này đã gần 400 tỉ đồng.

Ông Duyên còn bị cho là chủ trương cho UBND huyện và các xã, thị trấn chia nhỏ dự án, chỉ định đơn vị thi công mà không tổ chức đấu thầu. Trong quá trình xây dựng, nguyên Bí thư huyện Phước Long đã chỉ đạo tạm ứng ngân sách trả tiền mua vật tư thi công trái với chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy. Từ đó, làm phát sinh thêm nợ đọng.

Bên cạnh đó, Bí thư Duyên đã cùng với các lãnh đạo huyện vận động một số cá nhân có tài sản đem thế chấp ngân hàng lấy tiền cho Quỹ an sinh xã hội nông thôn mới vay, rồi chỉ đạo tạm ứng ngân sách trả.

Đây là hình thức huy động vốn trái quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tính đến thời điểm kiểm tra, các cá nhân đã cho vay hơn 30 tỉ đồng. Trong đó đã chuyển trả gần 29 tỉ đồng, còn nợ 2 tỉ đồng (tiền lãi 677 triệu đồng).

Riêng gia đình ông Duyên đã đem tài sản (nhà, đất, sổ tiết kiệm) thế chấp ngân hàng lấy tiền cho quỹ vay hơn 13 tỉ đồng để khắc phục khó khăn khi ngân sách mất cân đối.

Hiện huyện đã tạm ứng ngân sách trả cho gia đình ông Duyên trên 11 tỉ đồng, còn nợ 2 tỉ đồng, trong đó lãi suất 267 triệu đồng.

Ông Lâm Thành Sáo (nguyên Phó chủ tịch UBND huyện) cho ngân sách huyện vay 5,3 tỉ đồng, lấy lãi 216 triệu đồng; nguyên Chủ tịch UBND huyện Phan Thành Đông cho vay 1,4 tỉ đồng, lấy lãi 80 triệu đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Phước Long, 5 năm qua địa phương này đã huy động gần 5.194 tỉ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước trên 682 tỉ đồng, còn lại là vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất (2.190 tỉ), vốn nhân dân (2.223 tỉ) và huy động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được gần 97 tỉ đồng.

Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đúng kế hoạch, nhiều dự án được lãnh đạo huyện cho xây dựng trước, đấu thầu sau, do không cân đối được vốn, một số công trình đang xây dang dở.

chuyen-tien
Tiền chuyển ngân sách vào tài khoản ngân hàng của lãnh đạo. Ảnh: Tuổi trẻ

Ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy Phước Long cho biết ngay thời điểm ông đảm nhận chức vụ (cuối năm 2015), huyện đã nợ lương giáo viên, cán bộ công chức hơn bốn tháng với tổng số tiền khoảng 100 tỉ đồng, ngoài ra còn nợ tiền xây dựng cơ bản hơn 200 tỉ đồng.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã 2 lần cho chủ trương tạm ứng khoảng 80 tỉ đồng để giải quyết các vấn đề “nóng” của huyện Phước Long trong nợ nần.

Đầu năm 2016, khi phân bổ ngân sách, huyện đã trả lại. Gần đây nhất tỉnh đã hỗ trợ 17 tỉ đồng để huyện giải quyết các vấn đề bức xúc khác.

Nhiều khoản tiền tỉ bị… “bốc hơi”

Được biết, trong thời gian ông Trần Hoàng Duyên làm Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Phước Long, đã có nhiều khoản tiền tỉ chế độ không đến được tay người nghèo, gia đình chính sách…

Trong đó, có gần 2 tỉ đồng quỹ học sinh nghèo; 6,8 tỉ đồng chế độ người dân tộc nghèo; hơn 10 tỉ đồng tiền hỗ trợ bơm tát cho nông dân sản xuất trong 2 năm qua; 4 tháng tiền trợ cấp người già trên 80 tuổi… đã chưa đến được đối tượng.

Ngoài ra, còn nhiều khoản tiền như: 6 tỉ đồng trích 10% tuyến quảng lộ Phụng Hiệp; 8 tỉ đồng giải phóng mặt bằng tuyến lộ thị trấn Phước Long – Chủ Chí… không rõ hiện nằm ở đâu. Đặc biệt, một lãnh đạo của huyện này nhận 8 tỉ đồng từ Công ty Địa ốc Bạc Liêu trong quá trình xây dựng Khu thương mại chợ Phước Long nhưng không chuyển vào kho bạc…

Hồng Cúc (Tổng hợp)

Theo baodatviet.vn

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc