Home » Xã hội » Trong 4 ngày Hà Tĩnh đã thu mua 10 tấn hải sản
Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết trong 4 ngày qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, đơn vị đã thu mua hơn 10 tấn hải sản.

Hà Tĩnh thu mua 10 tấn hải sản sau 4 ngày

Các loại hải sản thu mua của ngư dân chủ yếu được nhập lại cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, tinh bột cá.

Ông Trần Đình Nam – Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho biết trong 4 ngày qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, đơn vị đã thu mua hơn 10 tấn hải sản (chủ yếu là cá và mực) của bà con ngư dân vùng biển thị xã Kỳ Anh đánh bắt ngoài khơi mang về.

Theo ông Nam, đây là hải sản đánh bắt ở vùng an toàn, ngoài khu vực 20 hải lý trở ra. Để xác định nguồn gốc, nhà chức trách thường căn cứ trên các chứng nhận khi tàu ra khơi và cập bờ, lịch trình khai thác, định vị và bộ đàm của tàu.

ha-tinh-thu-mua-10-tan-hai-san-sau-4-ngay

Xe đông lạnh thu mua hải sản tại cảng. Ảnh: Đức Hùng

“Hải sản bao gồm các loại như cá cam, cá sơn đá, cá nục. Những loại này chủ yếu được các cơ sở chế biến tinh bột cá, thức ăn gia súc mua lại. Đối với mực thì chúng tôi thu mua hết, nhưng số lượng thì không có nhiều”, ông Nam nói.

Để thu mua, doanh nghiệp sẽ điều xe đến bến thuyền trên địa bàn các xã Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Ninh, Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) để thu mua hải sản cho ngư dân. Trung bình một kg cá nhỏ như cá nục được thu mua với giá 7.000 đồng, cá cam 60.000 đồng, mực là 70.000 đồng.

ha-tinh-thu-mua-10-tan-hai-san-sau-4-ngay-1

Nhiều ngư dân buồn rầu khi giá hải sản giảm sút hơn nhiều so với trước thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Ảnh: Đức Hùng

Chị Hoàng Thị Thương (trú thôn Ba Đồng, khu tái định cư phường Kỳ Phương) cho biết, từ ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, hải sản đánh bắt về rớt giá mạnh. “Cá trên biển cũng không còn mắc lưới nhiều như trước, hầu như chỉ đánh bắt được cá nục và cá cam loại nhỏ”, chị Thương nói và cho hay khi ra khơi luôn thấp thỏm vì không biết đánh bắt về có tiêu thụ được hay không, mấy hôm nay được an ủi phần nào khi có chính quyền hỗ trợ thu mua.

“Từ khi có chỉ đạo của tỉnh, cứ 4h sáng trở đi, đường dây nóng của đơn vị hoạt động liên tục. Số lượng hải sản thu mua không nhiều, nên chúng tôi chưa nhập siêu thị mà tìm cách kêu gọi khách hàng tới tiêu thụ”, ông Nam cho hay.

ha-tinh-thu-mua-10-tan-hai-san-sau-4-ngay-2

Bờ biển Mũi Đao (phường Kỳ Phương và Kỳ Nam) hiện không còn xác cá, nhiều du khách đã xuống tham quan, chụp hình. Ảnh: Đức Hùng

Đầu tháng 4, từ lồng cá nuôi gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết, hiện tượng dần lan theo hướng Bắc – Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4 cho biết, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa (còn gọi là thủy triều đỏ) có thể là nguyên nhân.

Mới đây, một số địa phương miền Trung tiếp tục phát hiện cá chết cục bộ với lượng không nhiều. Ba ngày qua, tại huyện Phú Vang và thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế), có hơn 2 tấn cá nuôi cùng hàng trăm kg cá biển chết dạt bờ.

Ngày 5/5, đoàn kiểm tra liên ngành do ông Hoàng Văn Thức – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đứng đầu, tiếp tục cùng một số đại diện của Bộ Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, lãnh đạo địa phương, các nhà khoa học bắt đầu chia làm nhiều tổ kiểm tra việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường tại công trường Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng) để tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt.

Theo Vnexpress

Chuyên đề: ,

Chưa có ý kiến... bạn sẽ là người đầu tiên đưa ra ý kiến!

Ý kiến bạn đọc